Xác định nhiều nhà đầu tư trúng thầu sơ tuyển cao tốc Bắc-Nam
Nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực thi công các dự án giao thông đã được Bộ Giao thông Vận tải công bố trúng sơ tuyển dự án đường cao tốc Bắc-Nam.
Tính đến đầu tháng 5/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn tất quá trình sơ tuyển nhà đầu tư cho 8 dự án PPP thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Trong số này, có 7 dự án có tối thiểu 2 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển gồm cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Phan Thiết-Dầu Giây.
Đơn cử như dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo có 4 liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển, đoạn Phan Thiết-Dầu Giây có 3 liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển, đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Quốc lộ 45-Nghi Sơn cũng đều có 2 liên danh nhà thầu được “xướng tên” sơ tuyển…
Dự án duy nhất không có nhà đầu tư lọt qua vòng sơ tuyển là dự án PPP thành phần cao tốc Bắc-Nam, đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết.
Đối với dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển, theo quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo quy định của Luật đấu thầu, các dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ tiếp tục triển khai bước đấu thầu. Theo kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư trong tháng 5/2020; thời gian tối thiểu theo quy định để triển khai giai đoạn đấu thầu khoảng sáu tháng.
Như vậy, trường hợp đấu thầu thành công dự kiến sớm nhất có thể lựa chọn được nhà đầu tư khoảng đầu tháng 11/2020, đàm phán ký kết hợp đồng trong tháng 12/2020, bắt đầu triển khai thi công từ đầu năm 2021./.
Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, trước mắt đầu tư 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km, đi qua địa phận 13 tỉnh gồm Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Dự án có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng (gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách), trong đó có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 12.401 tỷ đồng, diện tích thu hồi khoảng 4.835ha, tái định cư khoảng 3.690 hộ dân và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng.