Xác định nhu cầu thực về vàng trên thị trường Việt Nam

Bắt đầu từ hôm nay (3/6), 4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ được mua vàng trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để bán lại vàng cho người dân.

Đây là giải pháp tốt nhằm xác định thực chất nhu cầu về vàng của người dân và để “đấu” với tình trạng đầu cơ, lũng đoạn giá vàng, nhưng chưa hẳn là giải pháp lâu dài để ổn định thị trường vàng.

Nhận diện rõ nhu cầu thực

Tuần qua, 4 ngân hàng thương mại nhà nước - “big 4” (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) cho biết, đã hoàn tất công tác chuẩn bị và sẵn sàng bán vàng trực tiếp cho người dân, bắt đầu từ hôm nay (3/6). Việc các ngân hàng thương mại nhà nước “chỉ bán vàng, không mua vàng” và thông tin người dân muốn mua bao nhiêu cũng có là đòn giáng mạnh vào hoạt động đầu cơ.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế dự đoán, không có cảnh người dân đổ xô đi mua vàng hôm nay, bởi có tâm lý quan sát, chờ đợi giá vàng SJC được kéo về sát giá thế giới. Với quyết tâm thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới của NHNN và sự vào cuộc của “big 4”, ông Thịnh cho rằng, giá vàng miếng SJC thời gian tới sẽ giảm mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng thương mại trong nhóm “big 4” cho rằng, giải pháp này không chỉ thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, mà còn giúp xác định thực chất nhu cầu về vàng của người dân, tránh đầu cơ, lũng đoạn, làm giá.

Từ đầu năm đến nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới liên tục tăng cao, có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng. Nhiều thời điểm, một số cửa hàng vàng bán cầm chừng, càng kích thích tâm lý găm giữ vàng của người dân.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng băn khoăn đặt câu hỏi, thực chất nhu cầu nắm giữ vàng trong nước tăng đột biến đến từ ai? Liệu có phải chủ yếu là do một nhóm lợi ích với các hành vi phi pháp như tẩu tán tài sản, đầu cơ gây rối loạn thị trường?

Phát biểu trước Quốc hội tuần qua, Thống đốc NHNN cũng cho rằng, những biến động trên thị trường vàng vừa qua không loại trừ hành vi đầu cơ thao túng, đẩy giá.

Việc ngân hàng Nhà nước nhập vàng về để bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước là giải pháp đúng, là tăng cung có kiểm soát. Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp mới chuyển đổi, tâm lý tích trữ vàng còn khá nặng nề, nhất là với thế hệ 8x trở về trước. Với giới trẻ dưới 30 tuổi, nhu cầu đầu tư nhà đất nổi trội hơn nhu cầu tích lũy vào vàng. Nói cách khác, thế hệ “mê vàng” sẽ giảm dần, do đó, cầu về vàng dần dần sẽ giảm. Nhìn về dài hạn, cầu vàng không thể tăng mãi, vì thị trường bất động sản sẽ phục hồi, người dân cuối cùng sẽ nhận thấy, gửi tiết kiệm ngân hàng là một trong những kênh đầu tư an toàn, hiệu quả.

- TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng

Đây cũng là lý do NHNN cùng đoàn kiểm tra liên ngành đang thanh tra một loạt doanh nghiệp vàng trên cả nước, đồng thời lựa chọn bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước, thay vì bán qua các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Trong vòng 3 ngày sau khi giải pháp mới được NHNN công bố, giá vàng SJC bán ra đã giảm 4 triệu đồng/lượng, trong khi mua vào giảm 5,5 triệu đồng/lượng, dù giá vàng thế giới ổn định.

Trước thời điểm NHNN tuyên bố sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại để các ngân hàng này bán ra thị trường, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức hơn 17 triệu đồng/lượng. Sau khi thông tin được đưa ra, mức chênh lệch giảm về hơn 14 triệu đồng/lượng vào cuối tuần qua. Dự kiến, chênh lệch giá vàng sẽ càng thu hẹp trong tuần này, khi “big 4” bắt đầu bán vàng ra thị trường.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, các ngân hàng thương mại nhà nước tham gia bán vàng nhằm thực hiện chủ trương bình ổn thị trường của Chính phủ và NHNN, nên không đặt ra mục tiêu lợi nhuận, mà sẽ cung ứng với mức giá phù hợp trên cơ sở giá mua từ NHNN.

Tuy chênh lệch giá vàng được thu hẹp, song thị trường lại đang diễn biến bất lợi cho người mua khi chênh lệch giá mua - bán được đẩy lên tới 4 triệu đồng/lượng. Với khoảng cách mua - bán doãng rộng, mọi rủi ro, thua thiệt đang được đẩy về phía khách hàng.

Không phải là giải pháp dài hơi

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, nhà sáng lập, kiêm Giám đốc Think Future Consultancy đánh giá cao giải pháp can thiệp thị trường vàng mới của NHNN. Theo ông Linh, đây là bước đi hiệu quả trong ngăn chặn đầu cơ, thao túng thị trường vàng. Thời gian qua, đấu thầu vàng không hiệu quả, vì có thể tạo cơ hội để giới đầu cơ “ôm” vàng bán lại cho người dân giá cao. Còn với giải pháp này, giới đầu cơ vàng không còn “cửa” để thao túng giá.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia nhận định, hiệu quả của chính sách này sẽ phụ thuộc vào việc NHNN bán bao nhiêu vàng cho nhóm “big 4” và có thể kéo dài trong bao lâu.

“Phải mất ít nhất vài tuần để thị trường đánh giá được sự hấp thụ chính sách”, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam nhận định.

Trước mắt, việc NHNN bán vàng cho nhóm “big 4” để các ngân hàng này bán lại cho người dân được các chuyên gia ủng hộ. Nhưng về lâu dài, đây không phải là giải pháp bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi thanh tra và chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, NHNN nên bán vàng cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng để các doanh nghiệp này đáp ứng cung - cầu cho thị trường.

“Nên để các ngân hàng thương mại tập trung vào nghiệp vụ chính của mình. Việc mua bán, kinh doanh vàng cần trao lại cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Về lâu dài, cần phải nhập khẩu vàng để đáp ứng nguồn cung trong nước. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi triệt để Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế khuyến nghị.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xac-dinh-nhu-cau-thuc-ve-vang-tren-thi-truong-viet-nam-d216612.html