Xác định rõ 3 tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình và người được yêu cầu giải trình

Nghị quyết quy định người được yêu cầu giải trình phải là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trực tiếp hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình.

Quang cảnh một phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức

Quang cảnh một phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức

Ngày 25-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.

Nghị quyết nêu rõ 3 tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình và người được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình.

Một là vấn đề cụ thể, vụ việc xảy ra có tính thời sự, bức xúc, nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội; vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội, dư luận, cử tri và nhân dân quan tâm, đòi hỏi phải được làm rõ, giải quyết kịp thời để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hai là vấn đề xảy ra vi phạm pháp luật hoặc có nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục.

Ba là vấn đề đã ghi trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề hoặc kết luận vấn đề được giải trình, kiến nghị giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nhưng thực hiện chưa hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Nghị quyết cũng quy định người được yêu cầu giải trình phải là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trực tiếp hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình.

Đặc biệt, nghị quyết nêu rõ, kết luận vấn đề được giải trình phải có kiến nghị, yêu cầu cụ thể, rõ ràng, thời gian thực hiện, trách nhiệm thực hiện kết luận, trách nhiệm báo cáo việc thực hiện kết luận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chậm thực hiện kết luận vấn đề được giải trình thì Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình và làm rõ trách nhiệm về việc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chậm thực hiện kết luận; kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xac-dinh-ro-3-tieu-chi-lua-chon-van-de-duoc-giai-trinh-va-nguoi-duoc-yeu-cau-giai-trinh-post724352.html