Xác định rõ các 'khoảng trống' pháp luật

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, đây là dự luật lần đầu tiên được xây dựng trong khi có phạm vi điều chỉnh rất rộng, thống kê sơ bộ cho thấy liên quan tới 86 văn bản pháp luật từ Hiến pháp đến các bộ luật, luật, pháp lệnh và nghị định, quyết định của Thủ tướng... Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo cần tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện các văn bản pháp luật liên quan, rà soát chi tiết, xác định rõ các 'khoảng trống' pháp luật để thiết kế dự luật bảo đảm tính thống nhất, khả thi.

Phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng thủ dân sự thời gian qua, đặc biệt là tạo cơ sở pháp lý nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này nhằm chủ động ứng phó với những diễn biến khó lường, phức tạp của tình hình thiên tai, dịch bệnh, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, những biến động của tình hình thế giới, khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, phòng thủ dân sự là lĩnh vực rất mới. Các quy định liên quan đến phòng thủ dân sự hiện đang được quy định phân tán tại nhiều văn bản pháp luật và cũng chưa đủ rõ về nội hàm. Trong đó có các luật chuyên ngành đã quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa và sự cố như: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Phòng cháy, chữa cháy… Chúng ta cũng đã có Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp. Qua nghiên cứu Tờ trình và Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật khi ban hành Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu rõ, nội dung dự án Luật có liên quan đến 86 văn bản quy phạm pháp luật gồm Hiến pháp, 47 bộ luật và luật, pháp lệnh, 26 nghị định của Chính phủ và 13 quyết định của Thủ tướng. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 10 dự thảo Luật thì Luật này không thay thế các luật hiện hành mà sẽ bổ khuyết vào những "khoảng trống" pháp luật, sẽ áp dụng quy định của Luật Phòng thủ dân sự trong các trường hợp pháp luật hiện nay chưa quy định. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Đặc biệt là rà soát các nội dung quy định về xác định cấp độ thảm họa của sự cố, thẩm quyền ban bố, bãi bỏ các cấp độ của sự cố, tình trạng khẩn cấp, các hoạt động phòng thủ dân sự khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố.

Tại báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị phải tiếp tục rà soát kỹ, làm rõ hơn giới hạn phạm vi của luật; xác định rõ các “điểm trống” pháp lý và cần rõ quan điểm, là luật chung hay luật chuyên ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Đã có tiền lệ quy định như vậy chưa?

Một trong những nội dung quan trọng được Ban soạn thảo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là quy định về tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự.

"Phải chăng các vấn đề liên quan đến tình trạng khẩn cấp trong lĩnh vực dân sự thì quy định trong Luật Phòng thủ dân sự, còn tình trạng khẩn cấp trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh thì quy định ở Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp?". Đặt vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ dẫn đến tình trạng một lĩnh vực tình trạng khẩn cấp được quy định ở hai văn bản luật. Đã có tiền lệ làm như vậy hay chưa? Nếu quy định như thế thì Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp sau này có phải nâng lên thành luật không? Nếu nâng lên thì cũng vẫn chỉ quy định một phần về tình trạng khẩn cấp liên quan đến quốc phòng, an ninh thôi. Thế thì có xuất hiện tình trạng phân tán, chồng chéo, dàn trải hay không?", Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Phòng thủ dân sự là bộ phận quan trọng của phòng thủ quốc gia luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng. Phòng thủ dân sự liên quan tới mọi lĩnh vực của đất nước và là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, với sự tham gia của mọi người dân. Do đó, kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương yêu cầu Ban soạn thảo cần làm rõ hơn các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc ban hành và phạm vi điều chỉnh, những nội dung mới so với pháp luật hiện hành để bảo đảm cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phòng, chống và khắc phục thảm họa sự cố, đặc biệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự sẽ ban hành trong thời gian gần đây.

Cùng với đó, cần có báo cáo tổng kết, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện hơn kết quả thi hành pháp luật về phòng thủ dân sự và pháp luật liên quan có quy định về phòng thủ dân sự; đánh giá kỹ lưỡng tác động các chính sách của dự án Luật. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát các khái niệm “phòng thủ dân sự”, “tình trạng khẩn cấp”, “thảm họa, sự cố” và các khái niệm khác để làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật thống nhất với nội dung quy định “phòng thủ dân sự” tại Điều 13 của Luật Quốc phòng cũng như các quy định pháp luật khác, tránh mâu thuẫn, chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật liên quan.

Do nội dung dự thảo Luật liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật, nên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Ban soạn thảo cần tổng kết, đánh giá việc thi hành các luật liên quan, rà soát một cách cụ thể nhất, nhất là các “khoảng trống” mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định khác một cách đầy đủ để thiết kế lại các điều luật cụ thể hơn.

Trung Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/xac-dinh-ro-cac-khoang-trong-phap-luat-i298104/