Xác định rõ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến sổ hộ khẩu
Chiều 21/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 .
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Mai Lương Khôi cùng dự.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, ngay sau khi Quyết định số 06/QĐ-TTg được ban hành, Bộ Tư pháp đã khẩn trương xây dựng và ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác của Bộ, đồng thời ban hành Kế hoạch hành động của Bộ để triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg; ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành Tư pháp được giao trong Quyết định số 06/QĐ-TTg. Tổ công tác của Bộ đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp, làm việc với các đơn vị chuyên môn để triển khai các nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng lộ trình được giao tại Đề án, trong đó ngày 08/12/2022 Tổ công tác đã họp Tổng kết triển khai Đề án năm 2021.
Ngày 09/02/2023, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-BTP Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Bộ Tư pháp năm 2023.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ tại Đề án 06 trong năm 2022, 7/7 nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chính sách trong năm 2022 theo Đề án 06 đã hoàn thành; tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đã chỉ ra hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 thời gian qua: còn hạn chế về nguồn nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và Đề án 06 nói riêng dẫn tới nhiều khi hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại Bộ và trên toàn quốc chưa kịp thời, triển khai một số hạng mục công việc chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ.
Phát biểu tại buổi làm việc, các Thứ trưởng đồng tình đây là Đề án tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, tác động đến toàn bộ hệ thống chính trị. Đề án 06 rất quy mô với 05 nhóm tiện ích toàn diện, gắn với dữ liệu dân cư và các nhiệm vụ trọng tâm ảnh hưởng đến vị trí, vai trò của Bộ, ngành Tư pháp. Do đó, các đơn vị có liên quan cần chủ động hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; rà soát hệ thống hóa văn bản, hoàn thiện thể chế để thực hiện Đề án 06; lưu ý góp ý Luật Căn cước công dân; đảm bảo thông tin kết nối hộ tịch; hướng dẫn, đôn đốc địa phương triển khai số hóa, cấp giấy tờ hộ tịch điện tử…
Nêu rõ 02 nhóm công việc song song, đó là cải cách và liên thông các thủ tục hành chính, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các đơn vị có liên quan lưu ý, nhận thức rõ khi thực hiện. Đây là trách nhiệm chung của Bộ, ngành Tư pháp, mỗi đơn vị phải cho ý kiến, thống nhất về các mảng công việc liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phải báo cáo lãnh đạo Bộ theo phân công phân cấp quản lý đầu tư. Về rà soát pháp luật, Bộ trưởng đề nghị: Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính đánh giá các giao dịch liên quan đến nước ngoài; các đơn vị phối hợp thẩm định kỹ Luật Căn cước công dân.
Về kế hoạch nhiệm vụ, công tác năm 2023, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các đơn vị có liên quan chủ động, bám sát các nhiệm vụ đã đặt ra; trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các vướng mắc, bất cập thì phải báo cáo ngay cho lãnh đạo phụ trách và đề xuất biện pháp khắc phục.
Về các vấn đề liên quan đến sổ hộ khẩu, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị có liên quan khẩn trương tập hợp các vướng mắc phát sinh, xác định rõ tình hình thực tế cũng như mức độ, nguyên nhân phát sinh các vướng mắc, khó khăn đó để kịp thời có biện pháp giải quyết hiệu quả.