Xác định rõ trọng tâm để ưu tiên phát triển

Rút ngắn khoảng cách phát triển cũng như thu nhập bình quân giữa vùng đồng bào DTTS miền núi và miền xuôi - là một trong những mục tiêu cơ bản của công tác dân tộc. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, còn rất nhiều vấn đề cần được quan tâm, bổ sung trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách.

Bất cập giữa mục tiêu và hiệu quả thực hiện

Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến việc ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, trong đó có 15 đề án, chính sách dân tộc.

Mặc dù nhận được sự quan tâm như vậy, nhưng đến nay, vùng DTTS và miền núi vẫn là vùng còn khó khăn nhất cả nước. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là sự bất cập giữa mục tiêu và hiệu quả thực hiện. Trên thực tế, đồng bào DTTS (đối tượng thụ hưởng chính sách) lại hầu như không tham gia vào xây dựng, quyết định chính sách dân tộc. Trong khi đó, nhận thức của nhiều bộ, ban, ngành, chính quyền đối với đồng bào dân tộc và tầm quan trọng của chính sách dân tộc vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, nhiều chính sách áp dụng vào thực tế, có kết quả không như mong muốn vì giữa chính sách và thực tế có độ “vênh” quá lớn.

Phân định vùng miền núi, vùng DTTS một cách khoa học sẽ giúp cho nguồn lực được đầu tư đúng, đạt hiệu quả cao

Phân định vùng miền núi, vùng DTTS một cách khoa học sẽ giúp cho nguồn lực được đầu tư đúng, đạt hiệu quả cao

Tại Hội thảo đánh giá việc thực hiện chính sách dân tộc tổ chức mới đây tại Thái Nguyên, nhiều đại biểu cho rằng: Các cấp, ngành cần hiểu rõ đặc điểm của từng dân tộc, từng vùng miền để có những chính sách cụ thể, chứ không nên áp dụng các chính sách giống nhau cho các dân tộc khác nhau. “Đã đến lúc cần thay đổi tư duy, không phải cứ miền xuôi có gì là vùng DTTS và miền núi phải có cái đó, mà cần phải xem lĩnh vực đó liệu có phù hợp với đặc điểm địa hình miền núi hay đồng bào DTTS đó không?” - ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nêu vấn đề. Cụ thể như, với một số địa phương, phải đặt vấn đề ưu tiên bảo vệ biên giới, bảo tồn văn hóa dân tộc lên trên thay vì chỉ chăm chăm phát triển kinh tế. Hay với một số nơi, giữ rừng sẽ tốt hơn là phát triển công nghiệp, vì rừng tác động không nhỏ đến vấn đề an ninh nguồn nước và biến đổi khí hậu vùng miền.

Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn lực cũng phải linh hoạt hơn, tạo điều kiện để các địa phương chủ động lồng ghép, bởi với cơ chế như hiện nay, việc đầu tư thường manh mún, không hiệu quả. “Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, nhưng vẫn còn đến hơn 5.000 xã khó khăn. Thay vì đầu tư chung chung, nên tập trung đầu tư vào các xã DTTS miền núi thực sự khó khăn” - TS. Nguyễn Hải Hữu - Nguyên Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu ví dụ.

Phân định vùng để tập trung nguồn lực

Những năm qua, việc xác định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao; phân định vùng DTTS và miền núi thành 3 khu vực theo trình độ phát triển được xem là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành Trung ương và các địa phương xây dựng, hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách.

Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai, việc phân định này đã bộc lộ nhiều bất cập cả trong hoạch định, xây dựng và áp dụng các chính sách. Chính vì vậy, tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Đề án “Tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025”, nhiều đại biểu cho rằng: Xem xét lại việc phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình hiện nay là hết sức cần thiết. Có như vậy mới có thể tập trung nguồn lực đầu tư cho hiệu quả.

Cụ thể, ông Đinh Văn Dũng, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa đề xuất: Nên điều chỉnh rút gọn 3 khu vực thành 2 khu vực đồng bào DTTS, miền núi và tập trung đầu tư mạnh vào khu vực III, có như vậy mới tạo được sự chuyển biến nhanh và tập trung.

Với mong muốn không bỏ sót đối tượng đồng bào DTTS và để chính sách được triển khai thiết thực, giải quyết tỷ lệ hộ nghèo… các đại biểu còn cho rằng, nên có tiêu chí xác định thêm thôn DTTS và nên lấy tiêu chí số lượng người chứ không nên căn cứ theo số hộ như dự thảo hiện nay. Đồng thời bổ sung phường, thị trấn vào tiêu chí xét vì hiện nay, tỷ lệ người DTTS sống tại các khu vực này khá đông.

Ngoài ra, ở tiêu chí xác định xã DTTS ở đồng bằng đặc biệt khó khăn, các đại biểu cho rằng không nên quy định dưới 50% số hộ DTTS chưa sử dụng điện thoại mà nên thay bằng quy định tỷ lệ người dân sử dụng internet cho phù hợp với điều kiện thực tế.

P.V

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xac-dinh-ro-trong-tam-de-uu-tien-phat-trien-121895.html