Xác định tiêu chí thành lập Ủy ban lâm thời

Để kiểm soát hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện quyền lực nhà nước, cần xác định tiêu chí thành lập Ủy ban lâm thời nếu vượt qua các giới hạn tối thiểu về thiệt hại. Theo đó, các tiêu chí định lượng như: làm thất thoát tài sản trong quản lý, điều hành, tỷ lệ đội vốn so với dự toán là những yếu tố vật chất có thể đặt ra để Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời nhằm thực hiện quyền 'điều tra' một vấn đề cụ thể. Cùng với đó, việc chậm tiến độ, không bảo đảm các yếu tố an toàn, ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe đời sống nhân dân... là những tiêu chí về thời gian, tác động xã hội.

Toàn cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Lâm Hiển

Toàn cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Lâm Hiển

Việc thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 1981), kế thừa đến nay. Nâng tầm giá trị pháp lý khi quy định về tổ chức của Quốc hội các thời kỳ, Điều 78 Hiến pháp năm 2013 đã quy định thẩm quyền của Quốc hội trong việc thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra hoặc điều tra về một vấn đề nhất định. Trên cơ sở quy định tại Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đã quy định trình tự thủ tục thành lập Ủy ban lâm thời. Theo đó, nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) là tổng hợp, báo cáo, còn thẩm quyền quyết định thuộc về Quốc hội “khi cần thiết”. Tuy nhiên, trên thực tế sau hơn 40 năm có hiệu lực, Quốc hội chưa một lần thành lập Ủy ban lâm thời với ý nghĩa để “điều tra về một vấn đề nhất định".

Dần hoàn thiện hơn hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện

Nhìn lại kết quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong nhiều nhiệm kỳ qua, sẽ không khó tìm những dự án, vụ việc gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, bị đội vốn nhiều lần so với dự toán hoặc chậm tiến độ kéo dài hàng thập kỷ. Trong hoạt động của Quốc hội, cũng đã có nhiều ĐBQH kiến nghị UBTVQH về việc thành lập Ủy ban lâm thời để “điều tra”. Đơn cử, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XII, có ĐBQH kiến nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc tại Tập đoàn Vinashin.

Nhưng, những sự kiện và kết quả hoạt động đó vẫn không được cho là “cần thiết” để Quốc hội thực hiện quyền thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của đối tượng liên quan. Với mong muốn kiểm soát quyền lực nhà nước, từ đó nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ, pháp luật không chỉ dừng lại ở việc trao quyền mà cần có hướng dẫn về trình tự, thủ tục đề nghị và điều kiện thành lập.

Nghị quyết số 102/2015/QH13 ngày 24.11.2015 của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội đã quy định về trình tự thành lập Ủy ban lâm thời tại Điều 43. Trình tự này được quy định rõ hơn tại Điều 47 Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15.11.2022 của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 102/2015/QH13).Các quy định về hồ sơ trình và trình tự thủ tục thực hiện sẽ là căn cứ mang tính chỉ dẫn cụ thể, rõ ràng để UBTVQH, Quốc hội thực hiện thẩm quyền này theo quy định của Hiến pháp.

Với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, cùng với những hướng dẫn chi tiết tại Nghị quyết số 71 (có hiệu lực thực hiện từ 15.3.2023) đã thể hiện bước tiến trong quá trình lập pháp để những quy định liên quan đến việc thành lập Ủy ban lâm thời dần được hoàn thiện.

Cần bổ sung, hướng dẫn chi tiết

Ngày 14.11.2022, UBTVQH ban hành Kế hoạch số 370/KH-UBTVQH15, trong đó có nêu nhiệm vụ đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (trong đó nghiên cứu việc xác định tiêu chí các báo cáo trình Quốc hội phải thẩm tra); nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của UBTVQH ban hành Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH.

Nhìn nhận dưới góc độ, bản chất việc thành lập Ủy ban lâm thời là hoạt động để giám sát, điều tra thì cần tính đến việc bổ sung và hướng dẫn chi tiết một số nội dung:

Về chủ thể có thẩm quyền đề nghị thành lập Ủy ban lâm thời. Hiện nay, theo quy định tại khoản 2, Điều 88 Luật Tổ chức Quốc hội, có 2 nhóm chủ thể là: Nhóm 1: Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Nhóm 2: ĐBQH (kèm theo điều kiện khi có ít nhất 1/3 ĐBQH đề nghị). Trong đó, nhóm chủ thể thứ nhất là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã được Luật Tổ chức Quốc hội quy định rõ về phương thức hoạt động, hình thức văn bản. Do vậy, sẽ không gặp khó khăn nếu thực hiện quyền này (mặc dù thực tế chưa khi nào Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội kiến nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội về việc thành lập Ủy ban lâm thời).

Đối với nhóm chủ thể thứ hai là ĐBQH. Theo quy định của pháp luật, UBTVQH báo cáo Quốc hội về việc thành lập Ủy ban lâm thời khi có ít nhất 1/3 ĐBQH đề nghị. Việc tập hợp 1/3 ý kiến của ĐBQH là một cơ chế không thường xuyên cần được hướng dẫn về hình thức đề nghị (bằng văn bản cá nhân hay tập thể của 1/3 tổng số ĐBQH); giá trị thời gian của đề nghị trong trường hợp tuy cùng vấn đề nhưng thời điểm đề nghị của các ĐBQH khác nhau; việc yêu cầu cùng nội dung nhưng khác quan điểm xử lý có được tính chung để đủ 1/3 tổng số ĐBQH?... Có lẽ, vì thiếu quy trình hướng dẫn cụ thể nên các ĐBQH còn ngần ngại trong thực hiện các kiến nghị của ĐBQH có tính chất đơn lẻ, khó tìm thấy sự đồng thuận.

Ngoài ra, cần bổ sung Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên có quyền đề nghị thành lập Ủy ban lâm thời. Điều này đồng nhất với quyền kiến nghị giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì bản chất Ủy ban lâm thời được thành lập với mục đích chính là giám sát, điều tra.

Về tiêu chí thành lập Ủy ban lâm thời. Cần quy định chi tiết thế nào là “cần thiết”. Sẽ không có giới hạn tối đa về những thiệt hại tác động đến sự phát triển chung của đất nước, nhưng phải có những giới hạn tối thiểu để Quốc hội căn cứ thành lập Ủy ban lâm thời. Muốn kiểm soát hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện quyền lực nhà nước, cần xác định tiêu chí thành lập Ủy ban lâm thời nếu vượt qua các giới hạn tối thiểu về những thiệt hại đối với sự phát triển.

Các tiêu chí định lượng như làm thất thoát tài sản trong công tác quản lý, điều hành, tỷ lệ đội vốn bao nhiêu lần so với dự toán là những yếu tố vật chất có thể đặt ra để Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời nhằm thực hiện quyền “điều tra” một vấn đề nhất định. Ngoài ra, việc chậm tiến độ, không bảo đảm các yếu tố an toàn, ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe đời sống nhân dân... là những tiêu chí về thời gian, tác động tới an sinh, xã hội cần có trong quá trình hướng dẫn cơ chế thành lập Ủy ban lâm thời.

LÂM NHI

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/xac-dinh-tieu-chi-thanh-lap-uy-ban-lam-thoi-i315502/