Xác lập dứt khoát mô hình chính quyền địa phương hai cấp

Tham gia thảo luận tại Tổ 16 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tại phiên họp chiều nay, 7.5, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 111 theo hướng xác lập dứt khoát mô hình chính quyền 2 cấp.

Với quy định này sẽ bảo đảm vừa hiến định rõ ràng quyền tự chủ, đại diện của Nhân dân ở địa phương, vừa giữ vững tính thống nhất, thông suốt của bộ máy nhà nước. Qua đó, Hiến pháp sửa đổi sẽ thật sự trở thành nền tảng vững chắc cho một nền quản trị dân chủ, hiệu quả, phát huy cao độ vai trò của địa phương.

Quy định rõ các cấp chính quyền địa phương

Bày tỏ hoàn toàn đồng tình với chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, nhằm kịp thời phục vụ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, song theo đại biểu Trần Văn Khải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trong dự thảo Nghị quyết có một điều khoản nổi bật còn chưa hợp lý.

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam). Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam). Ảnh: Hồ Long

Cụ thể, khoản 2 Điều 111 dự thảo Nghị quyết quy định: “Chính quyền địa phương gồm có HĐNDUBND được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định”. Quy định chung chung như vậy chưa thể hiện rõ mô hình chính quyền địa phương hai cấp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương cũng chưa bảo đảm nguyên tắc đề cao quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương.

Chỉ rõ vấn đề trên, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, điều này chưa đúng với tinh thần “nhất quán nguyên tắc địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh cũng như mục tiêu phát huy vai trò chủ động của chính quyền cơ sở trong phục vụ Nhân dân.

Do đó, đại biểu đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 111 dự thảo Nghị quyết theo hướng quy định rõ các cấp chính quyền địa phương. Cụ thể: “Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở cấp tỉnh và cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn), bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Không tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính trung gian; các trường hợp đặc biệt khác do Quốc hội quy định”. Nội dung này sẽ thay thế cho quy định tại khoản 2 Điều 111.

“Sửa đổi này sẽ xác lập dứt khoát mô hình chính quyền hai cấp, vừa hiến định rõ ràng quyền tự chủ, đại diện của Nhân dân ở địa phương, vừa giữ vững tính thống nhất, thông suốt của bộ máy nhà nước. Qua đó, Hiến pháp sửa đổi sẽ thật sự trở thành nền tảng vững chắc cho một nền quản trị dân chủ, hiệu quả, phát huy cao độ vai trò của địa phương, đúng như tinh thần chỉ đạo vì nước, vì dân của Đảng”, đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.

Với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải nhận thấy, cả hai dự luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này đều có “nhiều điểm tích cực”. Tuy nhiên, một số chủ trương quan trọng của Đảng nêu trong Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW và Nghị quyết số 18-NQ/TW chưa được thể chế hóa đầy đủ trong các dự thảo. Vì thế, cần tiếp tục thảo luận, bổ sung để luật pháp bám sát đường lối, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Kết quả chuyển đổi số - tiêu chí bắt buộc trong đánh giá cán bộ, công chức

Góp ý với nội dung về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, và đặt mục tiêu coi kết quả chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ là tiêu chí đánh giá cán bộ.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 16

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 16

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) chưa có quy định thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thi hành công vụ hoặc lấy kết quả chuyển đổi số làm tiêu chí đánh giá cán bộ. Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ tại địa bàn.

Việc thiếu các quy định nêu trên có thể khiến chuyển đổi số trong khu vực công chậm chạp, không có động lực rõ ràng; bộ máy công quyền có nguy cơ tụt hậu, hiệu quả phục vụ thấp; tư duy quản lý cũ (“không quản được thì cấm”) có thể tiếp tục tồn tại, kìm hãm sáng kiến.

Chỉ rõ những nguy cơ trên, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất, trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), cần bổ sung quy định yêu cầu cán bộ, công chức không ngừng học hỏi, chủ động đổi mới sáng tạo, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thực thi nhiệm vụ; đồng thời quy định kết quả chuyển đổi số là một tiêu chí bắt buộc trong đánh giá cán bộ, công chức hàng năm, đặc biệt đối với người đứng đầu.

Đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải đề nghị bổ sung nhiệm vụ cho HĐND, UBND cấp tỉnh về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn. Cụ thể, quy định HĐND tỉnh quyết định các chương trình, đề án chuyển đổi số; UBND các cấp tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo HĐND kết quả thực hiện.

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh về phát triển kinh tế tư nhân

Liên quan đến nội dung phát triển kinh tế tư nhân, trong Nghị quyết số 68-NQ/TW, Bộ Chính trị đề ra yêu cầu gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với quan điểm “người dân và doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm”.

Tuy vậy, trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) chưa có điều khoản trực tiếp nào thể hiện nguyên tắc tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân; các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương mới dừng ở quản lý kinh tế - xã hội chung chung, chưa nhấn mạnh việc hỗ trợ, khuyến khích khu vực tư nhân.

Tương tự, trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cũng thiếu quy định ràng buộc cán bộ, công chức phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh, đơn cử, chưa có điều khoản cấm rõ việc tự đặt thêm thủ tục hành chính trái quy định hoặc chế tài xử lý hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Theo đại biểu Trần Văn Khải, nếu không bổ sung những quy định trên, chủ trương phát triển kinh tế tư nhân sẽ chậm được luật hóa. Doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp tục gặp rào cản thủ tục không cần thiết ở địa phương (như tình trạng “giấy phép con”, thủ tục ngầm…), đi ngược tinh thần “pháp luật không cấm thì được làm”.

Môi trường kinh doanh theo đó cũng khó đạt được mức “thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí thấp” như Nghị quyết 68-NQ/TW đặt ra, khiến khu vực tư nhân không phát huy hết tiềm năng, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng và tạo việc làm.

Đồng thời, việc thiếu chế tài rõ ràng sẽ giảm tính răn đe đối với cán bộ nhũng nhiễu, làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư.

Do đó, đại biểu đề xuất, trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), cần bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh về phát triển kinh tế tư nhân. HĐND cấp tỉnh cần được giao thẩm quyền ban hành chính sách, biện pháp khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân và giám sát việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các chính sách đó và định kỳ báo cáo trước HĐND.

Đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), cần bổ sung nguyên tắc đạo đức công vụ “chủ động phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp, không tự đặt ra thủ tục hay yêu cầu trái pháp luật cản trở quyền và hoạt động hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đồng thời, bổ sung quy định yêu cầu cán bộ, công chức phải giải quyết kịp thời, thuận lợi các ý kiến, kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp (tương tự như đối với người dân hiện nay); tăng chế tài xử lý đối với hành vi nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Thể hiện rõ tinh thần “một việc - một cơ quan chịu trách nhiệm chính"

Liên quan đến chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong Nghị quyết 18-NQ/TW, Trung ương đặt mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với nguyên tắc “một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính” (tránh chồng chéo) và gắn sắp xếp bộ máy với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Trong dự thảo Luật chưa có điều khoản nào quán triệt nguyên tắc “một việc - một đầu mối” trong phân công chức năng và việc phân quyền cho địa phương còn hạn chế.

Về nhân sự, dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tuy có bước tiến (bỏ phân loại cán bộ, công chức cấp xã; cho phép sa thải công chức yếu kém qua sát hạch định kỳ), nhưng chưa đề cập giải pháp cho tình trạng dôi dư cán bộ, công chức khi sáp nhập đơn vị hành chính; các chính sách hỗ trợ người dôi dư vẫn chủ yếu ở văn bản dưới luật, chưa được luật hóa.

Với quy định nêu trên, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, bộ máy sẽ vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc dẫn đến quyết định chậm; hoặc chồng chéo chức năng gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu lực quản lý. Cùng với đó, việc thiếu cơ chế mạnh để tinh giản biên chế khiến mục tiêu giảm 10% biên chế khó đạt, một bộ phận công chức còn ỷ lại…

Do đó, đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải đề nghị bổ sung vào Điều 4 (về nguyên tắc tổ chức và hoạt động) nguyên tắc thể hiện tinh thần “một việc - một cơ quan chịu trách nhiệm chính; một cơ quan có thể thực hiện nhiều việc phù hợp chức năng” để làm căn cứ pháp lý phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, tránh tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một việc.

Đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

“Luật nên dẫn chiếu áp dụng các chính sách hiện hành (như bố trí công tác khác, hỗ trợ đào tạo lại, cho nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc với chế độ hỗ trợ) và giao Chính phủ quy định chi tiết. Qua đó, bảo đảm quá trình tinh giản biên chế diễn ra thuận lợi và nhân văn. Đồng thời, tăng cường cơ chế sàng lọc, đánh giá để nâng cao chất lượng đội ngũ; bổ sung quy định trong nguyên tắc đánh giá cán bộ, công chức theo hướng kết quả đánh giá là căn cứ để tinh giản biên chế; bổ sung chính sách thu hút nhân tài vào cơ quan nhà nước, nhằm thay thế người kém bằng người giỏi đúng với tinh thần trọng dụng nhân tài”, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị.

Nguyễn Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xac-lap-dut-khoat-mo-hinh-chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-10371625.html