Xác lập quyền sở hữu, nâng giá trị sản phẩm
Bắc Giang là đơn vị điển hình của cả nước về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận, văn bằng sở hữu. Đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển thương hiệu hàng hóa.
Không để “áo gấm đi đêm”
Tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn là nông sản đầu tiên của Việt Nam được Nhật Bản cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trước đó, sản phẩm này đã được bảo hộ nhãn hiệu tại nhiều quốc gia khác như: Mỹ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapo, Australia.
Khi xác lập được quyền sở hữu, bảo hộ nhãn hiệu thì mặt hàng có “giấy thông hành”, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để dễ dàng xuất khẩu vào các quốc gia này, đồng thời có thêm cơ hội mở rộng vào thị trường khác.
Xác lập được quyền sở hữu, vải thiều Lục Ngạn sẽ hạn chế được tình trạng bị “mượn danh”, không còn “áo gấm đi đêm”, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, không xảy ra tình trạng bị đăng ký, mất thương hiệu ở nước ngoài như cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre... trước đây, hay gần đây là gạo ST25.
Trước đó, từ khi vải thiều Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam vào năm 2008, sản phẩm được người dân, Hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn cũng như chính quyền địa phương luôn quan tâm từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bao gói, bảo quản và cung ứng vào các kênh phân phối hiện đại, xuất khẩu.
Giá trị vải thiều Lục Ngạn ngày càng cao, thương hiệu khẳng định uy tín ở trong nước và thế giới. Năm 2021, dù không có sản lượng cao nhất nhưng doanh thu từ sản phẩm này và dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 4,8 nghìn tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi, trong nền kinh tế thị trường “mở” hiện nay, để người tiêu dùng nhận biết, phân biệt sản phẩm, lựa chọn chính xác hàng hóa thì việc “đặt tên”, xác lập sở hữu là rất cần thiết. Nhãn hiệu quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, người sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh.
Xây dựng nhãn hiệu là tạo dựng niềm tin của người dùng với hàng hóa. Vì vậy ngoài vải thiều, nhiều sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện Lục Ngạn đã được chính quyền địa phương, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm đăng ký và được chứng nhận nhãn hiệu. Đó là cam, bưởi, mỳ Chũ, nếp Phì Điền, giấm Kim Ngân… ngày càng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.
Bắc Giang là một trong nhưng địa phương điển hình của cả nước về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, được cấp chứng nhận, văn bằng sở hữu. Thống kê của Sở KH&CN, hiện toàn tỉnh có khoảng 2,6 nghìn đơn đăng ký nhãn hiệu, trong đó gần 50% đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu. Ngoài ra, 57/84 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và 11/45 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích đã được cấp bằng bảo hộ độc quyền.
Các chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm của tỉnh tập trung chủ yếu vào các loại nông sản chủ lực, hàng hóa đặc trưng. Ngoài vải thiều Lục Ngạn, một số sản phẩm đã được bảo hộ ở nước ngoài như: Mỳ Chũ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia); gà đồi Yên Thế (Trung Quốc, Lào, Singapo); mỳ Kế (Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc).
Duy trì và phát triển sản phẩm sau bảo hộ
Trong bối cảnh hội nhập, mỗi loại hàng hóa đều phải cạnh tranh gay gắt, luôn có thể bị gắn nhãn giả mạo, chưa kể người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng.
Việc xây dựng, thực hiện và quản lý nhãn hiệu không chỉ làm minh bạch chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm mà còn giúp bảo tồn, phát triển sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của DN, tổ chức, người dân là chủ sở hữu, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh.
Xác định rõ tầm quan trọng đó, Bắc Giang có nhiều chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu với nhiều nông sản chủ lực, sản phẩm đặc trưng và tiềm năng. Sở KH&CN phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng, quản lý, hướng dẫn đăng ký xác lập quyền sở hữu, duy trì và phát triển thương hiệu sau bảo hộ.
Đáng quan tâm là tháng 10/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Tỉnh tiếp tục khuyến khích đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp như: Hỗ trợ 50% chi phí tư vấn, thiết kế, đăng ký với mức tối đa 35 triệu đồng/nhãn hiệu; 50% thiết kế mới hoặc nâng cấp mẫu mã bao bì mức tối đa 200 triệu đồng/sản phẩm; 50% chi phí tem truy xuất nguồn gốc với mức tối đa 20 triệu đồng/sản phẩm...
Toàn tỉnh có khoảng 2,6 nghìn đơn đăng ký nhãn hiệu, trong đó gần 50% đã được cấp chứng nhận. Ngoài ra, 57/84 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và 11/45 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp bằng bảo hộ độc quyền.
Đại diện lãnh đạo Sở KH&CN khẳng định, việc đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chỉ là bước đi ban đầu. Cùng với khuyến khích tăng số lượng sản phẩm mới cần chú trọng đến khâu quản lý, khai thác, giữ gìn và phát triển thương hiệu. Đơn cử vải thiều Lục Ngạn phải tiếp tục kiện toàn năng lực tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến văn bằng.
Cùng đó, người sản xuất tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng đặc thù và tiêu chuẩn xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản - yếu tố cốt lõi phát huy giá trị. Các sản phẩm được bảo hộ cần được rà soát, lựa chọn để đầu tư, tiếp tục nâng chất lượng. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại; tăng cường quản lý, kiểm soát và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bài, ảnh: Bảo Khánh