Xác minh nhóm thanh niên vào rừng quay clip săn bắt dúi tự nhiên
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cho biết đang xác minh nhóm thanh niên săn bắt động vật hoang dã rồi đăng tải lên mạng xã hội khiến dư luận phẫn nộ.
Ngày 19/1, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một clip nhóm thanh niên săn bắt động vật hoang dã trong rừng. Clip được đăng tải từ “Fanpage Thợ rừng”. Sau khi clip được đăng tải đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng.
Clip dài gần 30 phút ghi lại các cảnh quay nhóm 4 thanh niên đang săn bắt dúi trong rừng. Sau khi clip đăng tải trên mạng, bên cạnh những ý kiến về sự hấp dẫn của video, nhiều người bày tỏ thái độ bức xúc trước nạn săn bắt động vật hoang dã, hủy hoại thiên nhiên của nhóm thanh niên này.
Tài khoản John Cao bình luận: “Không nên hại thú rừng, không hay tý nào”;. Cũng có cùng quan điểm này, tài khoản Tam Dinhle bình luận “Người rừng đang khai thác tài nguyên rừng một cách tận diệt vậy mà Youtube và các fan vẫn ủng hộ, cứ thế khoảng mấy năm nữa sinh vật cảnh Việt Nam còn những gì”.
Cũng có cùng quan điểm, tài khoản Phạm Quyết bình luận “Chả hiểu sao phá rừng bắt động vật hoang dã mà quay lên lại được nhiều người xem, các nhà chức trách không hỏi thăm”…
Qua xác minh, nhóm thanh niên này ở tỉnh Thanh Hóa. Đây là đoạn clip mà nhóm thanh niên đăng tải trên kênh YouTube “Thợ rừng” từ nhiều ngày trước.
Ngày 3/2, trả lời VTC News, ông Mai Hữu Phúc – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, cho biết: “Nếu nguồn tin này chính xác đơn vị sẽ tiến hành xác minh. Việc xử lý những hành vi săn bắt động vật hoang dã còn tùy thuộc vào mức độ, loại thú săn bắt là gì. Đối với săn bắt dúi, nếu là dúi sinh sống tự nhiên thì thuộc vào loại cấm săn bắt. Trong trường hợp này, đơn vị sẽ cho xác minh lại thông tin để có hình thức xử lý".
Năm 2020, trả lời báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi săn bắt, giết động vật rừng được căn cứ theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp và Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, hành vi vi phạm về săn bắt, giết động vật rừng trái quy định pháp luật thì căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm để xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 234, 244 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngoài ra, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Theo đó, tại điểm a khoản 4 Điều 4 và điểm đ khoản 1 Điều 50 quy định xử phạt đối với hành vi sản xuất phim có nội dung có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, truyền bá tệ nạn xã hội, hủy hoại môi trường sinh thái, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Hành vi đăng tải các thông tin quảng cáo nhằm mục đích để bán cá thể, bộ phận hoặc sản phẩm của động vật hoang dã thuộc danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp có nêu tại điểm đ khoản 4 Điều 16 quy định xử phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo để kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng và sản phẩm của chúng trái quy định của pháp luật.