Xác minh tài sản các nạn nhân vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội thế nào?
Theo phân tích của các luật sư, người thân các nạn nhân xấu số trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội cần tìm kiếm, kiểm tra những di vật còn sót lại như điện thoại, hình ảnh, các giấy tờ có liên quan của người đã mất như giấy tờ tùy thân, sổ bảo hiểm, số tiết kiệm, tài khoản ngân hàng,... để xác minh tài sản họ để lại.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc xác định tài sản của người đã chết là một việc làm không hề đơn giản, nhất là trong các trường hợp không còn người thân thích hoặc tài sản được tiết kiệm, gửi ngân hàng một cách bí mật.
Khi đó, có thể xác định di sản thừa kế mà người chết để lại căn cứ vào các giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với các tài sản. Hoặc trong trường hợp không thể xác định được có những tài sản nào, người thân có thể yêu cầu Tòa án xác định tài sản thừa kế của người đã mất đó.
Đồng quan điểm, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, thực tế hiện nay, chưa có bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào có thể lưu giữ, tra cứu thông tin về toàn bộ tài sản của một người. Do đó, người thân cần tìm kiếm, kiểm tra những di vật còn sót lại như điện thoại, hình ảnh, các giấy tờ có liên quan của người đã mất như giấy tờ tùy thân, sổ bảo hiểm, số tiết kiệm, tài khoản ngân hàng,...
Dựa vào đó, người thân có thể liên hệ với các ngân hàng, tổ chức có liên quan để tiến hành xác minh tài sản của người đã mất.
Mặc dù tốn thời gian, công sức nhưng đó là cách duy nhất để xác minh tài sản nếu người mất đột ngột (tai nạn giao thông, hỏa hoạn,...) mà không kịp để lại thông tin, giấy tờ khác.
Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho biết, sau khi xác định có tài sản của người mất thì người thân (người thừa kế) mới có thể thực hiện phân chia di sản thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự về thừa kế theo pháp luật trong trường hợp không có di chúc.
Về nguyên tắc, di sản thừa kế được phân chia cho người thừa kế theo pháp luật theo thứ tự của hàng thừa kế.
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau và những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Đối với thừa kế thế vị, trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Đối với trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác thì người còn sống vẫn sẽ được hưởng di sản.
Ngoài ra, khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Còn nếu như di sản của người chết đề lại mà không có người thừa kế theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
Vụ cháy chung cư mini ở số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) xảy ra vào đêm 12/9 đã khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương.
Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng) đối với Nghiêm Quang Minh là chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo điều 313 Bộ luật Hình sự.