Xác minh thông tin quảng cáo cá độ trong trận Việt Nam – Indonesia
Lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh làm rõ thông tin về việc quảng cáo cá độ, đánh bạc trực tuyến xuất hiện trong chương trình truyền hình trực tiếp trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Indonesia diễn ra vào ngày 21/3/2024
Công an Hà Nội sẽ xác minh thông tin quảng cáo cá độ trong trận Việt Nam – Indonesia
Như Đài Hà Nội đã thông tin, trong chương trình truyền hình trực tiếp trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Indonesia diễn ra vào 20h30 ngày 21/3 phát sóng tại Việt Nam có xuất hiện rất nhiều hình ảnh quảng cáo các trang cá độ bóng đá và đánh bạc trực tuyến. Đáng chú ý, các nội dung quảng cáo này được thể hiện bằng tiếng Việt và lặp lại với tần suất cao, chiếm phần lớn thời lượng phát sóng của trận đấu.
Lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh làm rõ. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật
Luật sư Phạm Văn Thảo - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết đối với trường hợp này nếu căn cứ qua các hình ảnh đã bước đầu có thể xác định dấu hiệu vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo. Bởi theo quy định của pháp luật, tại khoản 1 điều 7 chương I Luật Quảng cáo năm 2012 (Luật số 16/2012/QH13, ngày 21 tháng 6 năm 2012) nêu rõ tất cả dịch vụ bị cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật (cờ bạc, cá độ bóng đá…) sẽ bị cấm quảng cáo. Do đo việc để phát tán những hình ảnh liên quan đến hoạt động quảng cáo trái phép cờ bạc thì đơn vị thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm.
Được biết trận đấu tối qua do một đơn vị của Việt Nam mua bản quyền tiếp sóng từ Indonesia. Trao đổi với phóng viên Đài Hà Nội, đơn vị này cho biết hợp đồng bản quyền ban đầu là sóng sạch nhưng sau đó phía Liên đoàn bóng đá Indonesia lại chuyển phần tín hiệu có quảng cáo dẫn đến sự việc trên. Tới trưa nay ngày 22/3/2024, video trực tiếp trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Indonesia trên kênh Youtube của đơn vị này đã không còn xuất hiện, video xem lại trận đấu này trên ứng dụng OTT cũng đã được xử lý che mờ các nội dung quảng cáo cá độ bóng đá và đánh bạc trực tuyến. Tuy nhiên, tới 17h30 ngày 22/3/2024, trên website của một đài truyền hình đã phát trực tiếp trận đấu này tối qua, các nội dung quảng cáo cá độ bóng đá và cờ bạc trực tuyến gắn với trận đấu vẫn còn tồn tại dưới dạng video xem lại.
Về mức xử phạt đối với hành vi này, Luật sư Phạm Văn Thảo cũng cho biết thêm, căn cứ điểm a khoản 2 điều 33 mục 1 chương III Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, mức tiền phạt đối với hoạt động quảng cáo dịch vụ cấm kinh doanh là từ 70 - 100 triệu đồng. Ngoài ra, chủ thể thực hiện hành vi trên phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ biển quảng cáo, xóa quảng cáo.
Phóng viên Đài Hà Nội cũng đã liên hệ với đại diện truyền thông của liên đoàn bóng đá Việt Nam và được biết việc tổ chức là do FIFA và nước chủ nhà, vì vậy liên đoàn bóng đá cũng không nắm được nội dung này.
Tương tự, đại diện lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng cho biết, sau khi nhận thông tin từ Đài Hà Nội, Cục đang cho xác minh vụ việc.
Vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á sử dụng công nghệ quảng cáo ảo hướng đối tượng
Trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Indonesia vào 20h30 ngày 21/3/2024, các nội dung quảng cáo trên sân được thực hiện bằng công nghệ quảng cáo ảo (Virtual Advertising). Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đặt tên công nghệ này là Visual Goal Mass và sử dụng ở tất cả trận đấu vòng loại World Cup 2026.
Quảng cáo ảo (Virtual Advertising) sẽ giúp bảng quảng cáo trong cùng một khung hình của sân vận động hiển thị những hình ảnh, video khác nhau tùy thuộc vào quốc gia phát sóng trận đấu. Do đó nếu các cơ quan quản lý, các đơn vị phát sóng không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu thì những nội dung vi phạm như trong trận đấu tối qua rất có thể sẽ tiếp tục lặp lại trong các trận đấu khác trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á được truyền hình trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam.
Từ góc độ chuyên môn, theo Tiến sĩ Đoàn Trung Sơn - Chuyên gia về an ninh mạng cho hay: “Vụ việc không liên quan đến vấn đề tấn công mạng mà là sự hợp tác giữa Liên đoàn bóng đá Indonesia với các nhà cái cá độ và đánh bạc trực tuyến. Tuy nhiên, sự việc này không thể diễn ra tương tự trên sân nhà Việt Nam vì quảng cáo đánh bạc là vi phạm pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp này, đơn vị truyền phát có thể yêu cầu dừng phát sóng và xem lại các điều khoản đền bù theo hợp đồng”.
Vụ việc này diễn ra trong bối cảnh các hình thức cờ bạc trực tuyến phát triển, quảng cáo công khai và có nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây với hàng loạt đường dây cá độ bóng đá và đánh bạc trực tuyến có quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng bị lực lượng chức năng triệt phá trong năm 2023.
Hiện tượng cá độ bóng đá và cờ bạc trực tuyến diễn biến phức tạp
Thực tế hiện nay trên nhiều trang mạng xã hội, tình trạng quảng cáo trá hình, trái phép các hình thức cờ bạc online diễn ra khá phổ biến. Thậm chí còn nở rộ khi mà các thiết bị smartphone đã phổ biến với người dùng. Kéo theo đó là việc hình thành các đường dây đánh bạc trực tuyến vô cùng lớn. Trên không gian mạng cũng đang tồn tại rất nhiều các trang web cá độ bóng đá và đánh bạc trực tuyến bằng tiếng Việt, có server đặt tại nước ngoài nhưng hướng tới đối tượng người dùng ở Việt Nam như OKVxx, FUxx, BKxx, JUxx... Một điểm chung của các trang web này là người chơi có thể dễ dàng chuyển tiền trực tiếp tới tài khoản ngân hàng của Việt Nam, sử dụng số điện thoại chăm sóc khách hàng thuộc nhà mạng của Việt Nam.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội, chỉ tính riêng năm 2023, Công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ hơn 90 vụ đánh bạc trái phép qua mạng trực tuyến với 390 đối tượng liên quan. Trong đó, lô đề qua mạng là 19 vụ với 70 đối tượng. Cá độ bóng đá là 70 vụ với 315 đối tượng và qua game online là 02 vụ với 05 đối tượng.
Điển hình như vào ngày 24/10/2023, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Sinh Lợi (sinh năm 1982) và Nguyễn Chí Tỉnh (sinh năm 1989 cùng ở xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội); Đỗ Hoài Nam (sinh năm 1991 ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cùng 8 đối tượng khác về các hành vi tổ chức đánh bạc, đánh bạc trên mạng với số tiền lên tới 1.000 tỷ đồng.
Việc số người và số tiền tham gia cực lớn vào những vụ đánh bạc này đang gây bất ổn xã hội, kéo theo nhiều hệ lụy đi kèm. Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, ba năm qua, lực lượng công an đã triệt phá hơn 2.000 vụ tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng.
Các cơ quan chức năng nhận định như thế nào về vụ việc này và liệu rằng trận đấu lượt về vào ngày 26/3 tới đây tại sân vận động Mỹ Đình có lặp lại tình trạng quảng cáo các cổng cá độ cờ bạc trực tuyến công khai? Đài Hà Nội sẽ tiếp tục thông tin trong các bản tin phát sóng trên kênh H1, kênh FM96 và các nền tảng phân phối nội dung số.