Xác minh vụ phá rừng quy mô lớn tại Gia Lai
Tại khu vực rừng giáp ranh giữa Gia Lai và Đắk Lắk hàng nghìn cây gỗ lớn nhỏ bị đốn hạ không thương tiếc, nhiều gốc cây vẫn còn rỉ nhựa tươi mới.
Phá rừng làm rẫy
Sáng ngày 28/4, liên quan đến vụ phá rừng nói trên, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Bùi Văn Phụng, Bí thư xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, sau khi nắm được thông tin xã đã chỉ đạo Tổ quản lý bảo vệ rừng kịp thời vào hiện trường để kiểm tra, xác minh.
Qua kiểm tra, UBND xã thấy vụ việc trên xảy ra trên diện tích một phần của xã Ia Piơr, một phần thuộc địa giới hành chính của huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk. Trên cơ sở đó, UBND xã đã báo cáo hạt Kiểm lâm huyện để đề xuất cùng phối hợp với các bên liên quan để xác minh xử lý.
Hạt Kiểm lâm Chư Prông và UBND xã la Piơr thực hiện kiểm tra tại vị trí được xác định có loài cây bị chặt hạ trùng với tên cây rừng tự nhiên.
Tại đây, đoàn làm việc đã đo, xác định diện tích đất có cây bị chặt hạ với tổng diện tích 3,56 ha và hiện trường cho thấy các loại cây trên đã bị chặt hạ, gom thành các đồng và có dấu hiệu của việc đốt cháy.
Tuy nhiên qua đối chiếu với hệ thống bản đồ được phê duyệt tại Quyết định số 527/QĐ-UBND ngày 23/8/2021 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng tỉnh Gia Lai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, xác định chỉ có 0,42 ha ngoài diện tích quy hoạch lâm nghiệp tại Lô 6 và Lô 10, Khoảnh 10, tiểu khu 972, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Đối với diện tích còn lại (3,14 ha) không thuộc địa giới hành chính tỉnh Gia Lai.
Xác mình làm rõ
Trước đó, báo chí phản ánh khu vực rừng bị phá nằm sát với khu vực đất sản xuất của người dân thôn Đoàn Kết, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông.
Tại hiện trường, hàng nghìn cây gỗ lớn nhỏ bị "lâm tặc" đốn hạ không thương tiếc, nhiều gốc cây vẫn còn rỉ nhựa tươi mới. Những thân cây có đường kính lớn được các đối tượng chở đi, xung quanh chỉ còn lại cành nhánh cây nằm vương vãi.
Việc phá rừng này diễn ra một thời gian, các đối tượng vào đây phá rừng nhằm chiếm đất. Thông thường họ chia thành nhiều đợt để thực hiện, đầu tiên tập trung vào việc cưa hạ và vận chuyển gỗ lớn, sau đó quay lại thu gom cành nhánh, lá cây chất thành đống, phơi khô; cuối cùng đốt toàn bộ để phi tang.
Trao đổi về vụ việc, ông Trần Anh Tài, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cho biết, hạt Kiểm lâm huyện đã cử cán bộ phối hợp cùng UBND xã Ia Piơr đi kiểm tra hiện trường.
Tuy nhiên, khu vực xảy ra thuộc đất nông nghiệp và đất có cây gỗ tái sinh núi đất, tất cả đều nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Phần lớn diện tích rừng bị phá thuộc địa giới hành chính tỉnh Đắk Lắk. Do vậy, Hạt Kiểm lâm huyện chỉ xử lý vi phạm nếu có.
“Chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo cho nhân viên, cán bộ kỹ thuật có chuyên môn kiểm tra kỹ lại lần nữa. Nếu phát hiện sự việc vi phạm lâm luật, sẽ xử lý”, ông Tài cho biết thêm.
Tại Gia Lai, huyện Chư Prông nổi lên như một "điểm nóng" về phá rừng, với 14 vụ vi phạm lâm luật chỉ trong quý I/2024.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xac-minh-vu-pha-rung-quy-mo-lon-tai-gia-lai-a661237.html