'Xác sống' nơi công sở – Khi người trẻ mất định hướng tương lai
Không có mục tiêu công việc cụ thể hay định hướng cho tương lai, làm việc cầm chừng, không gắn kết với đồng nghiệp và cấp trên, không tiến bộ và không có khả năng học hỏi… là một vài trong số các 'triệu chứng' của căn bệnh zombie (xác sống) đang lan rộng trong giới trẻ, đặc biệt là ở các bạn trẻ làm nhân viên văn phòng.
“Khoảng ba giờ chiều là tôi đã bắt đầu mong chờ chuông reo để ra về. Trong suốt 8 tiếng làm việc, tôi chỉ hoàn thành ở mức tối thiểu những nhiệm vụ được giao. Tôi không có nhu cầu thăng tiến cũng không có hứng thú đảm nhiệm những công việc mới”, Thu Thảo (tên đã được thay đổi), nhân viên hành chính của một công ty nhà nước chia sẻ.
Minh An, 28 tuổi, kỹ sư đồ họa hiện làm việc tại một công ty quảng cáo chia sẻ: “Trước đây, tôi làm việc cho một công ty đa quốc gia với mức lương cao. Tuy nhiên, công việc quá nhiều áp lực khiến tôi mệt mỏi và không muốn đi làm. Giờ đây, tôi hài lòng với mức lương đủ sống nhưng nhàn hạ”.
Minh An cho biết, nhiều bạn bè khuyên An nhận thêm các dự án bên ngoài để nâng cao thu nhập và kinh nghiệm, nhưng An từ chối, nói rằng muốn nghỉ ngơi và tận hưởng một cuộc sống không có nhiều áp lực.
Những người lao động như Thu Thảo và Minh An nơi công sở, đáng tiếc, lại là một thực tế và là điều đáng suy gẫm.
Lãnh đạm với công việc nhưng vẫn không rời bỏ
Kết quả khảo sát trên 26.000 người của mạng lưới nhân sự Anphabe Việt Nam chỉ ra rằng trong mỗi bốn người đang làm việc nơi công sở thì khoảng một người làm việc như “cái xác không hồn”. Điều đáng lo ngại là hơn một nửa trong số họ vẫn bám trụ lại. Những “xác sống” thiểu số này gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến các nhân sự khác và toàn bộ sự vận hành của tổ chức. Nghiên cứu của Anphabe cho thấy 25% nhân sự zombie nơi công sở, làm giảm gần 12% hiệu suất làm việc chung của tổ chức.
Nguyên nhân của sự bám trụ này là sự tự hài lòng với những mục tiêu rất thấp và tâm lý ngại thay đổi. Các zombie cũng sợ các thử thách và những biến động, không muốn bước ra khỏi “cái kén” an toàn của mình. Vì không có gắn kết và đam mê với công việc, các zombie không muốn cống hiến, không có chí cầu tiến, ngại học hỏi và thay đổi, không có các đề xuất để cải tiến công việc của cá nhân và tập thể. Họ luôn trong tình trạng lờ đờ, uể oải và mệt mỏi, không có nhiệt huyết và hăng say trong công việc.
Một biểu hiện khác của hội chứng zombie là những người tỏ ra bận rộn nhưng thực chất họ chỉ làm những công việc không quan trọng và không đóng góp nhiều cho sự phát triển của tổ chức. Một số zombie không chịu lắng nghe vì cho rằng mình đã biết hết mọi thứ. Họ cũng thường đổ lỗi cho người khác và các hoàn cảnh khách quan, đặt mục tiêu rất thấp cho bản thân, đợi “nước tới chân mới nhảy” và thờ ơ trước những thành quả của đồng nghiệp.
Mất phương hướng
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xác sống nơi công sở, nhưng nguyên nhân bao trùm có thể kể đến sự mất phương hướng và định hướng cho tương lai của giới trẻ khi phải đối mặt với tình hình kinh tế – xã hội đầy biến động.
Nhiều bạn trẻ ra trường và làm việc trái ngành, không đúng với sở trường và sở thích của mình dẫn đến việc mất hứng thú, không gắn kết với công việc và cơ quan. Nhưng để duy trì những nhu cầu vật chất cơ bản, họ vẫn chấp nhận làm việc vật vờ như những xác sống từ ngày này qua ngày khác.
Sự mất định hướng của các bạn trẻ đến từ những lý do chủ quan như thiếu nhận thức về bản thân, chọn ngành nghề theo phong trào và bị áp đặt theo ý muốn của cha mẹ. Những áp lực và kỳ vọng xã hội khiến họ cảm thấy bị đè bẹp và không còn khả năng vùng vẫy.
Một mặt, sự bao bọc quá mức của gia đình khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy chới với và mất phương hướng khi tham gia vào thị trường lao động đầy khắc nghiệt. Nhưng mặt khác, nếu gia đình đặt kỳ vọng quá lớn, các bạn trẻ sẽ cảm thấy ngộp thở và đi đến quyết định buông bỏ mọi gánh nặng.
Những lý do khách quan cũng góp phần không nhỏ vào sự chông chênh của giới trẻ ngày nay. Tình hình kinh tế và việc làm ảm đạm, như một phần hậu quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng chính trị toàn cầu và các cuộc xung đột – chiến tranh, khiến các bạn trẻ lo ngại không kiếm được việc làm mới và luôn suy nghĩ tiêu cực về tương lai.
“Mỗi sáng khi thức dậy tôi không có chút động lực nào để đi làm. Tôi cũng đã nhiều lần nghĩ tới việc chuyển sang một công ty khác. Nhưng sau dịch Covid-19, việc tìm kiếm việc làm mới đang rất khó khăn nên tôi tạm chấp nhận công việc hiện tại”, Thu Thảo chia sẻ thêm về những lo ngại của mình.
Có thể thấy, tâm lý bất an và bi quan về thị trường lao động đã khiến Thảo rơi vào chiếc bẫy của sự ổn định để làm việc một cách cầm chừng.
Các trào lưu độc hại
Sự phổ biến rộng rãi của Internet khiến những trào lưu độc hại lan truyền trong giới trẻ như virus, trong đó có các trào lưu khuyến khích người trẻ buông xuôi và thờ ơ với tương lai của mình.
Nổi lên gần đây là trào lưu “tang ping” – buông xuôi và mặc kệ đời. Lối sống “tang ping” (theo nghĩa đen là “nằm thẳng”) bắt nguồn từ Trung Quốc, về cơ bản, là hài lòng với hiện trạng, không tham vọng, không nỗ lực.
Với những ảnh hưởng từ vị trí địa lý và văn hóa Trung Quốc, có thể nói “tang ping” đã lan sang một bộ phận không nhỏ giới trẻ Việt Nam. Khi không thể đối mặt với áp lực, họ quyết định từ bỏ mọi nỗ lực, chỉ làm những điều đơn giản và tối thiểu, chấp nhận mình là “một lưỡi dao cùn” trong tổ chức.
Ở một số nước châu Á có tầm ảnh hưởng lớn khác cũng có những khái niệm tương tự, như “sampo” – tạm dịch là “tạm buông bỏ” tại Hàn Quốc và “satori sedai” – tạm dịch là “thế hệ buông bỏ” tại Nhật Bản, ám chỉ sự bi quan với tình hình xã hội và thiếu đi khát khao cống hiến.
Một trào lưu gây rất nhiều tranh cãi khác là YOLO (“You only live once” – Bạn chỉ sống một lần). Ban đầu, đây là một khái niệm tích cực khi khuyến khích các bạn trẻ dấn thân, sống hết mình và không ngại thử thách vì họ chỉ sống một lần trên đời. Nhưng dần dần trào lưu này đã bị biến tướng khi nhiều bạn trẻ viện lý do “chỉ có một lần sống” để mặc kệ mọi thứ, từ bỏ cuộc đua và chỉ làm những điều mình cho là nhẹ nhàng, thoải mái nhất.
Bơm năng lượng cho “xác sống”
Bà Xuân Phương, quản lý nhân sự tại một công ty công nghệ, cho biết hội chứng xác sống là một vấn đề nhức nhối chốn công sở. “Trong một xã hội không ngừng tiến lên, thì đứng yên đồng nghĩa với thụt lùi”, bà Phương nói.
Để cải thiện tình trạng nhân viên thiếu nhiệt huyết làm việc, công ty bà Phương đã tổ chức các buổi hướng nghiệp không chỉ cho các nhân viên mới mà ngay cả những người đã làm việc lâu năm. Các buổi hướng nghiệp tập trung vào việc giúp các nhân viên tự làm mới bản thân và tạo động lực trong công việc.
Những người tham dự được khuyến khích bày tỏ nguyện vọng cũng như sự khúc mắc của mình và sau những buổi hướng nghiệp như thế, công ty sẽ có hỗ trợ kịp thời để giúp nhân viên có động lực cống hiến, bao gồm cả việc sắp xếp lại công việc cho phù hợp.
Bà Phương cho biết các doanh nghiệp cần tổ chức nhiều sân chơi cho nhân viên như các cuộc thi, phong trào nội bộ để tăng cường sự gắn kết.
“Nếu tất cả các biện pháp đều không hiệu quả, cần có những biện pháp cứng rắn hơn để giảm thiểu ảnh hưởng cho tập thể, bao gồm điều chuyển hoặc đào thải”, bà Phương chia sẻ.
Còn theo ông Nhâm, giám đốc chi nhánh của một doanh nghiệp chuyên về đào tạo – hướng nghiệp tại TPHCM, bên cạnh những khuyến khích về mặt vật chất như lương, thưởng, phúc lợi, thì việc tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, chia sẻ, gắn bó sẽ giúp “bơm năng lượng” cho những người mất đi nhiệt huyết.
“Doanh nghiệp cần cho nhân viên thấy được vai trò quan trọng của họ trong tập thể và họ được quan tâm, hỗ trợ hết mình. Lãnh đạo cần phải thu hẹp khoảng cách với nhân viên nhiều hơn để có thể dễ dàng chia sẻ những mục tiêu, định hướng của công ty”, ông cho biết.
Ông Nhâm cho rằng sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của nhân viên cần được chú trọng hơn vì sức khỏe chính là chìa khóa để đảm bảo năng suất lao động. Về mặt thể chất, các doanh nghiệp có thể tổ chức các hoạt động thể dục thể thao như chạy bộ, yoga còn về mặt tinh thần, các buổi giao lưu, trò chuyện, dã ngoại, chữa lành và tư vấn tâm lý cần được thực hiện thường xuyên hơn.