Xâm hại tình dục bé trai: Hệ quả của tâm lý 'con trai có gì đâu mà mất'

Quan niệm 'con trai thì có gì đâu mà mất' dẫn đến tình trạng 'nựng yêu', vô tư đụng chạm vào bộ phận sinh dục của bé nam, gây ra những 'vết hằn tâm lý' nguy hại tương tự như bất kỳ nạn nhân nào của xâm hại tình dục.

Đừng gắn mác ‘mạnh mẽ’, ‘dũng cảm’

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (Nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho rằng, đặc điểm văn hóa đề cao tính mạnh mẽ của nam giới đã tạo ra rào cản cho trẻ em nam trong việc kêu gọi sự giúp đỡ từ người khác

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (Nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho rằng, đặc điểm văn hóa đề cao tính mạnh mẽ của nam giới đã tạo ra rào cản cho trẻ em nam trong việc kêu gọi sự giúp đỡ từ người khác

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (Nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho biết, theo một số thống kê không chính thức, cứ 4 bé gái thì có 1 bé từng bị xâm hại tình dục. Ở bé nam là cứ 6 bé thì có 1 bé từng đối diện với hành vi này.

“Như vậy, dù mặt bằng chung việc trẻ em gái vẫn là nạn nhân chủ yếu của hành vi xâm hại, nhưng không vì thế mà chúng ta loại bỏ, hoặc không nhìn nhận một thực trạng có thật: Trẻ nam cũng là nạn nhân của hành vi đồi bại này”.

Chuyên viên tâm lý cho biết, đặc điểm văn hóa đề cao tính mạnh mẽ của nam giới đã tạo ra rào cản cho trẻ em nam trong việc kêu gọi sự giúp đỡ từ người khác. Đa phần, các em chọn cách nhẫn nhịn, giấu giếm vì nghĩ rằng “con trai thì không được yếu đuối”.

“Ngoài ra, do nam giới thường xuyên bị nhìn nhận là hung thủ gây ra hành vi xâm hại, nên nếu khai báo nam giới là nạn nhân, dễ tạo ra suy nghĩ ‘không quen’, thậm chí là không thừa nhận, cợt nhả từ người hỗ trợ.

Quan niệm ‘con trai thì có gì đâu mà mất’, ‘có gì đâu mà thiệt thòi’ dẫn đến tình trạng ‘nựng yêu’, vô tư đụng chạm vào bộ phận sinh dục của bé nam, gây ra những ‘vết hằn tâm lý’ nguy hại tương tự như bất kỳ nạn nhân nào của xâm hại tình dục”.

Anh An cho rằng, nạn nhân của xâm hại tình dục, đặc biệt là trẻ em, cần được bảo vệ triệt để, công bằng, không phân biệt về giới tính. Việc trao cho trẻ em nam những cụm từ “mạnh mẽ”, “dũng cảm”,... cũng vô tình tước đi của các em quyền được quan tâm, yêu thương, chăm sóc, và hỗ trợ từ người lớn.

Sự im lặng nguy hiểm của người lớn

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cho rằng, có sự chênh lệch khá lớn giữa số vụ xâm hại tình dục trẻ em được tố giác với số lượng vụ việc xảy ra trong thực tế và tỉ lệ hung thủ có mối quan hệ họ hàng, quen biết với gia đình nạn nhân là khá cao.

Anh cho rằng, một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc gia đình nạn nhân không tố giác là vì sức ép “chuyện nhà, đóng cửa bảo nhau” và sợ “vạch áo cho người xem lưng”.

“Việc nhận thức về pháp luật hạn chế, không hiểu rõ những quy định nào có thể bảo vệ con em mình cũng là một rào cản lớn khiến phụ huynh lúng túng, không tố giác. Chưa kể, việc can thiệp vào các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em cũng cần có sự giám sát, hỗ trợ, nâng đỡ cảm xúc của các chuyên viên tâm lý để tránh tình trạng đào sâu vào vết thương của trẻ.

Việc người lớn không dành đủ sự quan tâm hoặc phớt lờ những tín hiệu cầu cứu của trẻ cũng là một lý do quan trọng dẫn đến việc những vụ việc xâm hại trẻ em không được báo cáo một cách chính xác và đẩy đủ”.

Việc cha mẹ im lặng, phớt lời lời kêu cứu của trẻ, cho rằng “chuyện này có gì đâu mà làm quá” sẽ khiến trẻ không cảm thấy được yêu thương, quan tâm, và càng khép lòng lại với gia đình. Với đặc điểm nhận thức chưa đủ trưởng thành, trẻ dễ dàng có những quyết định gây hại đến sức khỏe, cơ thể của mình, gây tổn hại đến chức năng sinh sản sau này.

Sự can thiệp hời hợt từ gia đình cũng có thể khiến trẻ gia tăng nguy cơ tiếp tục trở thành nạn nhân tiềm năng trong tương lai. Khi hung thủ không bị tố giác sẽ có xu hướng tiếp diễn hành vi của mình, thậm chí là gia tăng về mức độ nguy hiểm, chuyên viên tâm lý cho hay.

“Khi nhận thấy những tín hiệu bất thường hoặc lời cầu cứu từ trẻ, nếu không nhờ sự can thiệp của pháp luật, gia đình cũng cần chia sẻ kịp thời, lắng nghe, không gạt bỏ và cùng con tìm cách cắt đứt nguồn cơn với hung thủ. Những hành động dù rất nhỏ, thể hiện sự quan tâm, cũng trở thành ‘phao cứu sinh’ cần thiết để nâng đỡ cảm xúc cho trẻ”.

Chuyên viên tâm lý Tâm An cho rằng, ngoài những tổn hại về thể chất, sức khỏe, những tổn thương về mặt tâm lý mới thật sự là điều đáng quan tâm hơn cả vì tính dai dẳng, chi phối đến hành vi và nhận thức của trẻ trong tiến trình phát triển nhân cách.

“Theo một số nghiên cứu, nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ em có khả năng trở thành nạn nhân của bắt nạt, quấy rối trong tương lai cao gấp 2-4 lần. Đa phần những nghiên cứu về nạn nhân của xâm hại tình dục thuộc dạng hồi tưởng, và các nhà tâm lý tìm ra bằng chứng giữa việc từng bị xâm hại tình dục khi còn nhỏ với trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, nghiện rượu hoặc các chất kích thích, cố gắng tìm cách tự tử... trong tương lai.

Ở những người trong độ tuổi trưởng thành, các nghiên cứu còn ghi nhận việc khó liên kết cảm xúc và khó xây dựng các mối quan hệ tin tưởng với người yêu hoặc bạn đời của mình. Một số nạn nhân gặp khó khăn trong các hành vi tình dục như: Sợ quan hệ tình dục, gặp ác mộng hoặc cảm thấy lo âu, hoảng loạn khi tiếp xúc với những hành động gần gũi. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc và các mối quan hệ xung quanh”.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xam-hai-tinh-duc-be-trai-he-qua-cua-tam-ly-con-trai-co-gi-dau-ma-mat-2327038.html