Xăm hình có gây ung thư?

Cho đến hiện tại, nhiều nghiên cứu về khả năng xuất hiện ung thư cho thấy: chưa có bằng chứng cho thấy xăm hình có thể gây ung thư.

Những năm gần đây, xăm hình là xu hướng được nhiều người yêu thích, tuy nhiên có nhiều lo ngại rằng xăm hình có thể gây ung thư. Điều này có đúng hay không?

Xăm hình là hình thức tạo và lưu lại các hình vẽ trên cơ thể lâu dài bằng việc đưa các loại mực màu vào dưới da và niêm mạc.

Kim xăm sẽ xuyên qua bề mặt da để đưa mực xăm vào lớp trung bì da, khi đó mực sẽ được giữ lại và tồn tại lâu dài.

 Chưa có bằng chứng cho thấy xăm hình có thể gây ung thư. Ảnh: Medium.

Chưa có bằng chứng cho thấy xăm hình có thể gây ung thư. Ảnh: Medium.

Thực tế, các chất được sử dụng trong mực xăm như: chất màu azo (anisidine, nitro-o-toluidine, chloro-o-toluidine, 3,3'- dichlorobenzidine), cadmium, thủy ngân, đồng-phthalocyanine, coban và muối coban, crom, titan dioxide là những chất gây ung thư hoặc có khả năng gây ung thư ở người theo phân loại của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư thế giới (IARC). Trong đó:

• Chất màu azo (anisidine, nitro-o-toluidine, chloro-o-toluidine, 3,3'-dichlorobenzidine) và cadimi đều thuộc nhóm 1 - nhóm các chất gây ung thư ở người;

• Thủy ngân, coban sunfat, muối coban hòa tan khác thuộc phân loại nhóm 2B - nhóm các chất có khả năng gây ung thư ở người.

Do đó, người ta nghi ngại về nguy cơ gây ung thư da cũng như các cơ quan khác khi xăm hình.

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, nhiều nghiên cứu về khả năng xuất hiện ung thư da cũng như ung thư cơ quan khác của mực xăm đã kết luận: chưa có bằng chứng cho thấy xăm hình làm tăng nguy cơ ung thư da cũng như ung thư cơ quan khác. Một nghiên cứu tổng hợp 50 trường hợp ung thư da xuất hiện trên hình xăm kéo dài suốt 40 năm cho thấy sự xuất hiện ung thư da là ngẫu nhiên, không có mối liên quan đến xăm hình.

Mặc dù vậy, một số nước ở châu Âu đã đưa ra khuyến nghị loại bỏ một số chất thuộc nhóm chất gây ung thư (thuộc nhóm 1 theo phân loại IARC) như chất màu azo là amin thơm ra khỏi thành phần của mực xăm và yêu cầu nhà sản xuất ghi rõ các thành phần mực xăm để đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng.

Một số vấn đề khác cần lưu ý khi xăm hình

• Nguy cơ nhiễm khuẩn: việc tạo ra các tổn thương trên da làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và lây nhiễm các bệnh viêm gan B, C, HIV sau khi xăm. Các nguy cơ này thường xuất phát từ quá trình thao tác, dụng cụ xăm không đảm bảo vệ sinh.

• Nguy cơ dị ứng mực xăm: việc sử dụng các loại mực màu đưa vào da được xem như đưa các yếu tố lạ vào cơ thể, do đó có thể gây ra phản ứng dị ứng. Các biểu hiện của dị ứng mực xăm bao gồm: Ngứa, nổi sần đỏ, bong da, dày da, loét cấp tính hoặc dai dẳng kéo dài sau khi xăm.

• Xăm hình trên vị trí tổn thương sắc tố trước đó như: nốt ruồi, bớt sắc tố,... được cho là có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện ung thư da hoặc gây cản trở, khó khăn khi theo dõi tiến triển của các tổn thương này.

• Phản ứng nổi hạch: mực xăm như một yếu tố lạ ở da, vì vậy cơ thể sẽ sinh ra phản ứng bắt giữ và di chuyển các yếu tố lạ này (mực xăm) tới các vị trí hạch lympho lân cận, làm biến đổi màu sắc và có thể sưng to các hạch lympho này.

• Ảnh hưởng đến điều trị ung thư: việc xác định tình trạng di căn hạch cũng trở nên khó khăn hơn trên các bệnh nhân có xăm hình do các hạch vùng đã bị thay đổi màu sắc bởi mực xăm.

LỜI KHUYÊN ĐỂ XĂM HÌNH AN TOÀN

• Hiểu biết về xăm hình và các rủi ro có thể xảy ra;

• Chọn cơ sở xăm hình đảm bảo các thao tác vô trùng trong quá trình xăm;

• Mực xăm phải có nguồn gốc rõ ràng, các thành phần được cấp phép và còn hạn sử dụng;

• Tránh xăm hình vào các vị trí có tổn thương sắc tố trước đó như: bớt sắc tố, nốt ruồi,.... để giảm thấp nhất nguy cơ xuất hiện ung thư da;

• Cân nhắc đối với những người có biểu hiện dị ứng với thành phần của mực xăm, có cơ địa dị ứng hoặc bệnh da mạn tính trước đó;

• Tự khám và theo dõi các tổn thương sắc tố định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm để phát hiện sớm các tổn thương ung thư da.

Ruy băng tím - ThS. BS Đặng Thị Lương / Sài Gòn Books - NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xam-hinh-co-gay-ung-thu-post1360773.html