Xăm hình: Nghệ thuật mang nhiều định kiến

Xăm (tattoo) được hiểu đơn giản là dùng kim, mực để tạo dấu ấn trên cơ thể bằng những nét vẽ tồn tại vĩnh viễn qua thời gian. Vài năm trở lại đây, nhiều người trẻ đã chọn xăm nghệ thuật như một cách thể hiện sự yêu thích cái đẹp cũng như cá tính riêng.

Trước đây, thấy hình xăm trên cơ thể ai đó, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những con người nổi loạn hoặc những băng nhóm giang hồ, trộm cắp... Tuy nhiên ngày nay, định kiến xã hội đối với môn nghệ thuật này đã bớt khắt khe hơn; đơn cử, tại Hà Nội đã có hẳn một ngày hội lớn được tổ chức mang tên Việt Nam Tattoo Expo 2018. Hơn thế, thực tế cũng đã chứng minh, để đánh giá một con người không chỉ dựa vào hình thức, vì có nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu, cầu thủ nổi tiếng sở hữu hình xăm nhưng vẫn là người của công chúng; không ít người còn làm rất nhiều việc thiện cho cộng đồng.

Những hình xăm ý nghĩa

Sở hữu 3 hình xăm mi ni trên cơ thể, chị Nguyễn Thị Thùy Dương (63E Vạn Kiếp, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cho hay mỗi hình xăm với chị đều mang một ý nghĩa nhất định. Chị Dương bộc bạch: “Mình vốn không thích xăm nhưng cách đây 4 năm, khi gặp sự cố trong hôn nhân mình thấy mọi thứ xung quanh cứ đè nặng, có lúc cảm thấy như quá sức chịu đựng. Ngay lúc ấy, mình chỉ muốn làm việc gì đó để giải tỏa tâm trạng và đánh dấu một sự thay đổi lớn trong cuộc sống. Và rồi mình chọn hình xăm lông vũ trên vai với ý nghĩa may mắn sẽ đến, mọi chuyện rồi cũng sẽ được hóa giải nhẹ nhàng, tựa như chiếc lông vũ”. Vài tháng sau, chị Dương xăm thêm trên cánh tay tên 2 đứa con và dòng chữ “Cest la vie!” (tạm dịch: Đó là cuộc sống) ở cạnh của bàn tay trái. “Nhìn tên con mỗi ngày, mình như được tiếp thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống. Còn dòng chữ “Cest la vie!” được xem là phương châm sống của bản thân. Mình sẽ luôn nhìn về phía trước và đón nhận mọi thứ một cách tích cực, dù đó là việc tốt hay xấu”-chị Dương chia sẻ.

Công việc thợ xăm cho thu nhập cao song cũng khá vất vả. Ảnh: P.D

Công việc thợ xăm cho thu nhập cao song cũng khá vất vả. Ảnh: P.D

Mỗi hình xăm dù lớn hay nhỏ đều mang một ý nghĩa nhất định với người lựa chọn sở hữu nó, có thể đơn giản chỉ là ghi nhớ ngày, tháng, năm sinh của bản thân hoặc con cái; một kỷ niệm nào đó về tình bạn, tình yêu hay một biến cố trong cuộc đời; che đi những khuyết điểm của cơ thể; mong những điều may mắn sẽ đến... Nhưng không phải ai cũng có thể sở hữu được những hình xăm theo ý muốn, bởi lẽ khi xăm rất đau và cũng khá tốn kém. Chị Nguyễn Thị Hương (35 Lý Tự Trọng, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cho hay, để sở hữu hình xăm bông hoa mẫu đơn trên vai, chị đã phải “gồng mình” ngồi cho thợ xăm tỉ mỉ từ sáng đến tận chiều tối. Lý giải về việc chọn xăm bông hoa mẫu đơn, chị Hương trải lòng: “Đây là loài hoa mình yêu thích, nó mang ý nghĩa về sắc đẹp, sự giàu sang, phú quý”. Bên cạnh đó, chị còn xăm dòng chữ nhỏ (Family is my life-Gia đình là cuộc sống của tôi) trên vai và tên 4 cậu con trai (Hoàng, Long, Phát, Phúc) ngay cổ tay để thêm một lần nữa khẳng định rằng con cái, gia đình với chị là tất cả. Chị Hương nêu quan điểm: “Theo mình, xăm không có gì là xấu, nhất là xăm nghệ thuật. Tại sao xăm môi, xăm lông mày được xem là đẹp, còn xăm ở những vị trí khác thì lại không?”.

Nói về ý nghĩa hình xăm trên lưng vẫn chưa hoàn thiện, bạn Võ Quốc Hòa (hẻm 144/75 Ngô Gia Khảm, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho hay: Từ nhỏ, Hòa đã mê những câu chuyện về các Samurai Nhật Bản nên đã quyết định xăm hình Kintarou-một anh hùng thần thoại của Nhật Bản đang đấu tranh với quái thú. Hòa giải thích thêm, trong văn hóa Nhật Bản, Kintarou còn là biểu tượng của sự may mắn và mạnh mẽ. Để hoàn thiện hình xăm ấy, Hòa sẽ phải dành ra khoảng thời gian 30-35 giờ đồng hồ và số tiền bỏ ra cũng không hề nhỏ, trên dưới 10 triệu đồng. Tuy nhiên, theo Hòa tiết lộ, mỗi ngày bạn trẻ này chỉ xăm khoảng 3-4 giờ, khi nào đau rát quá không chịu được nữa sẽ nghỉ để hôm sau làm tiếp chứ không dùng đến sự trợ giúp của thuốc tê, vì dùng thuốc tê sẽ khiến vị trí xăm lâu lành, hình xăm cũng không đẹp như mong muốn.

Theo đuổi đam mê

Trước đây, để sở hữu hình xăm đẹp, nhiều người phải tìm đến các địa chỉ uy tín ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh. Song vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện nhiều cửa hàng xăm có tiếng. Chia sẻ cơ duyên đến với công việc của một thợ xăm, anh Hoàng Thiên Ân (số 10 Tuệ Tĩnh, phường Ia Kring, TP. Pleiku) trải lòng: “Lúc trước, mình là thợ làm trang sức. Một lần vô tình nhìn thấy hình xăm của chị gái, mình thấy đẹp nên cũng lén gia đình đi xăm rồi bị những hình xăm cuốn theo lúc nào không hay. Sẵn có niềm yêu thích môn vẽ nên mình quyết định học làm thợ xăm”. Sau 2 năm học tập tại các cơ sở uy tín ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Gia Lai, năm 2013, anh Ân quyết định mở cửa hàng 81.Ink để thỏa đam mê với nghề. Hiện anh đang theo đuổi phong cách xăm Nhật cổ-Irezumi-thiên về những hình xăm lớn, nhiều họa tiết, màu sắc và có thể che phủ các bộ phận của cơ thể. “Về phía gia đình, mãi sau này khi thấy mình thật sự nghiêm túc với nghề và công việc cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định (khoảng 15-20 triệu đồng/tháng) mới tin tưởng, ủng hộ”-anh Ân cho hay.

Nhiều người chọn xăm hình như sự điểm xuyết trên cơ thể. Ảnh: Phương Dung

Nhiều người chọn xăm hình như sự điểm xuyết trên cơ thể. Ảnh: Phương Dung

Nên cân nhắc khi xăm

Chị Nguyễn Thị Hương (35 Lý Tự Trọng, phường Tây Sơn, TP. Pleiku): “Vẫn biết rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng một khi đã xăm, hình xăm sẽ tồn tại vĩnh viễn trên cơ thể và có thể mang lại phiền phức do một số định kiến. Vì vậy, mỗi người nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định ghi dấu ấn bằng hình xăm. Đặc biệt với những bạn trẻ, còn đang đi học chưa biết công việc sau này thế nào hoặc những bạn chưa lập gia đình nên suy nghĩ thật kỹ, đừng vì sự bồng bột nhất thời hoặc a dua theo bạn bè để rồi phải hối tiếc về sau. Ngay cả những bạn đã lập gia đình cũng nên trao đổi với bạn đời trước khi xăm để có tiếng nói chung, tránh xảy ra mâu thuẫn không cần thiết”.

Riêng với thợ xăm Lê Quốc Hải (Tattoo Lê Hải, 55/479 Lý Thái Tổ, phường Thống Nhất, TP. Pleiku), để theo đuổi đến cùng niềm đam mê với kim và mực, có lúc anh bị chính người thân trong gia đình... từ mặt. Anh Hải kể, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai, anh đã có thời gian làm việc ở Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Sê. Nhưng vì không thích bị gò bó về thời gian nên anh đã quyết định nghỉ việc trước sự giận dữ của cha mẹ. Ngăn cản con không được, lại biết anh bỏ một công việc ổn định, nhẹ nhàng để đi làm thợ xăm, cha mẹ đã đuổi anh ra khỏi nhà. Mặc dù vậy, anh vẫn theo đến cùng đam mê và đến nay đã có thâm niên 10 năm với nghề. Khác với anh Ân, anh Hải lựa chọn phong cách xăm thiên về chân dung, tả thực, truyền thần, một thể loại khó, đòi hỏi thợ xăm phải là người từng học qua mỹ thuật hoặc có năng khiếu hội họa mới có thể khắc họa, phối màu...

Tuy nhiên, các thợ xăm đều cho rằng dù theo đuổi phong cách nào thì mỗi hình xăm đều phải tuân theo các bước: sao chép hình gốc theo lựa chọn của khách (có thể khách chọn mẫu có sẵn hoặc mang theo hình ảnh); dán hình lên vị trí cần xăm; chuẩn bị dụng cụ (máy xăm, mực, kim, dung dịch vệ sinh, dụng cụ sát trùng, bao tay...) và tiến hành xăm. Tùy vào kích thước và chi tiết của các hình xăm, thợ xăm sẽ xác định mức độ khó, dễ, thời gian hoàn thành. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho khách, tất cả các dụng cụ như: kim xăm, ly để rửa kim, bao tay... đều phải dùng mới hoàn toàn. Mặc dù có nguồn thu nhập tương đối cao song theo anh Hải và anh Ân, xăm mình là công việc khá vất vả, thợ xăm phải học hỏi liên tục mới đáp ứng được nhu cầu của các “thượng đế”. “Thợ xăm phải ngồi nhiều giờ liền và luôn tập trung cao độ, thậm chí có nhiều tư thế phải gò bụng, nín thở để thực hiện nên sau này chắc chắn sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng”-anh Hải nói.

Theo anh Ân, khách đến với cửa hàng chủ yếu trong độ tuổi 20-30, đặc biệt thời gian gần đây có khá nhiều khách hàng là nữ công chức, viên chức. Đa phần họ chọn những hình xăm nhỏ: bông hoa, cành cây, chữ, ngôi sao... để tạo thêm nét điểm xuyết trên cơ thể. Cũng có người xăm theo phong thủy để mong điều may mắn, thành công sẽ đến... Anh Ân cho hay, khi khách hàng tìm đến, anh đều tìm hiểu về công việc của họ để có thể tư vấn những vị trí xăm cho phù hợp, tránh gây phản cảm trong giao tiếp. “Đã xăm mình là không thể xóa được, do đó mình luôn hỏi khách hàng đã suy nghĩ kỹ hay chưa, thậm chí nếu khách hàng muốn xăm ở những vị trí không phù hợp, mình cũng tư vấn thêm để khách hàng hiểu”-anh Ân trao đổi.

Trong suốt 10 năm làm nghề, anh Hải cũng đặt ra cho mình những nguyên tắc nhất định, đó là sẵn sàng từ chối nếu khách yêu cầu xăm ở những vị trí nhạy cảm; chỉ xăm cho khách trên 16 tuổi, nếu dưới 16 tuổi phải được sự đồng ý của gia đình. Anh Hải kể: “Cách đây vài tháng, có 1 cô bé mới học lớp 8 đến cửa hàng nhờ mình xăm một hình nhỏ trên vai. Mình từ chối, yêu cầu phải được sự đồng ý của gia đình. Không ngờ một lúc sau, chính người cha đã chở bé quay trở lại, rồi ngồi chờ con xăm xong để chở về. Đây là trường hợp khá hiếm hoi, khiến mình ấn tượng mãi!”.

PHƯƠNG DUNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/201911/xam-hinh-nghe-thuat-mang-nhieu-dinh-kien-5658588/