Xâm nhập mặn cao nhất ở sông Cửu Long có thể tập trung trong tháng 2-3
Ông Phùng Tiến Dũng khuyến cáo tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
Theo ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng Phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2021-2022 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020.
Các đợt xâm nhập mặn có xu thế gia tăng bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh từ đầu tháng 2.
Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2-3 (từ 13-17/2, từ 26/2-5/3, từ 14-19/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4 (từ 14-19/3, từ 28/3-3/4, từ 12-17/4).
Ông Phùng Tiến Dũng khuyến cáo tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn.
Để phòng, chống xâm nhập mặn, các địa phương đầu tư gia cố, sửa chữa các cống đập không đảm bảo ngăn mặn; tổ chức đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt; xây dựng đưa vào vận hành trạm bơm dã chiến; mở vòi nước công cộng theo kế hoạch để cấp nước cho người dân; mở vận hành các giếng khoan dự phòng; khẩn trương thi công hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi bằng các nguồn vốn để phục vụ công tác phòng, chống hạn, mặn đảm bảo sản xuất.
Các địa phương tổ chức tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức về công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; tuyên truyền vận động người dân thực hiện cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cây trồng; sử dụng tiết kiệm nguồn nước, giữ gìn vệ sinh nguồn nước, nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô; bơm trữ nước lên ruộng, ao, đầm.../.