Xâm nhập mặn ở ĐBSCL gây thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm

Các nhà khoa học tính toán xâm nhập mặn ở ĐBSCL gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất cây ăn quả, hoa màu, lúa và thủy sản hơn 70.000 tỉ đồng/năm.

Ngày 27-3, tại TP Cần Thơ, Báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ tổ chức hội thảo "Sống chung với hạn, mặn vùng ĐBSCL".

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, phát biểu tại hội thảo

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, phát biểu tại hội thảo

Theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình những năm trước. Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 8 đến 13-3 với ranh mặn 4‰ lấn sâu vào các dòng sông từ 40-66 km, có nơi sâu hơn. Riêng tại Bến Tre, có nơi xâm nhập mặn còn sâu hơn ranh mặn kỷ lục ở ĐBSCL năm 2016.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, cho biết trong một thập kỷ qua, ĐBSCL đã trải qua 3 mùa khô có mức độ hạn, mặn rất nghiêm trọng vào các năm 2015-2016, 2019-2020 và 2023-2024. Theo nhận định của các chuyên gia, vùng này có thể phải đối mặt với nhiều mùa hạn, mặn khốc liệt như năm nay hoặc hơn thế nữa cho những năm tới.

Xâm nhập mặn gây thiệt hại hơn 70.000 tỉ đồng/năm ở ĐBSCL

Xâm nhập mặn gây thiệt hại hơn 70.000 tỉ đồng/năm ở ĐBSCL

"Mới đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Tài nguyên Nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành nghiên cứu, lập bản đồ thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra tại khu vực ĐBSCL. Kết quả cho thấy với kịch bản hiện trạng, tổng mức thiệt ở khu vực này khoảng 70.168 tỉ đồng/năm. Đây là thiệt hại gây ra với hoạt động sản xuất gồm cây ăn quả, hoa màu, lúa và thủy sản" - nhà báo Lê Xuân Sơn thông tin.

Các nhà khoa học cũng xây dựng kịch bản thiệt hại do xâm nhập mặn vào các năm 2030, 2040 và năm 2050 với mức thiệt hại lần lượt là 72.385 tỉ đồng, 73.530 tỉ đồng và 76.485 tỉ đồng.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho rằng nghịch lý là vùng ĐBSCL sống trên nước nhưng lại thiếu nước. Điều này là do hạn, mặn và phèn gây ra. Mặn dâng lên nhưng không xác định là bao lâu, độ mặn khác nhau và ngày càng tăng lên, lượng muối trong nước có nơi không thể xử lý nổi.

Ông Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo

Ông Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo

"Năm 2020, cơ quan chức năng của 1 tỉnh ở ĐBSCL thông báo chất lượng nước sinh hoạt là 600 mg /l cũng phải chấp nhận vì nguồn nước mặn quá, lên đến 12 g/l, không thể xử lý. Một lãnh đạo ở Cà Mau nói: "Thôi, nấu canh khỏi bỏ muối, mặn quá rồi, không xử lý được nữa". Điều này cho thấy ngày càng xâm nhập mặn nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân" – ông Trần Anh Tuấn lo ngại.

Theo tính toán, nhu cầu nước sạch đến năm 2030, vùng ĐBSCL cần 2,5-2,7 triệu m3/ngày đêm, đến năm 2040 cần 3-3,2 triệu m3. Ông Tuấn cảnh báo đồng bằng không thể lấy nước ngầm để sử dụng nữa vì sụt lún đất. Do vậy, phải tính toán nguồn nước mặt cho cả dân cư đô thị, công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch về việc cấp nước cho vùng ĐBSCL. Trong đó, có chủ trương xây dựng nhà máy nước liên vùng để cấp nước cho các nhà máy nước địa phương.

Ca Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xam-nhap-man-o-dbscl-gay-thiet-hai-hang-chuc-ngan-ti-dong-moi-nam-196240327112133408.htm