Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm dần, một số nơi vẫn ở mức cao
Chiều 20/5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin về tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô 2019-2020.
Xu thế xâm nhập mặn từ ngày 21 - 31/5 tiếp tục giảm dần nhưng một số nơi vẫn còn ở mức cao, các địa phương trước khi lấy nước ngọt, tưới cho cây trồng, cây ăn trái cần kiểm tra chặt chẽ nồng độ mặn.
Từ ngày 21 - 25/5, khu vực Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày nắng, có nơi có nắng nóng; trong đó riêng ngày 23/5 khả năng về chiều tối có mưa giông tăng lên diện rải rác.
Nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến khoảng 33-36 độ C, có nơi cao hơn. Từ ngày 26 - 29/5 cường độ nắng giảm dần, về chiều tối và tối có mưa giông rải rác, tập trung nhiều trong các ngày 27 - 29/5, trong cơn giông dễ kèm theo hiện tượng cực đoan như lốc, sét và gió giật mạnh nguy hiểm. Nhiệt độ cao nhất dao động trong ngưỡng 31-34 độ C. Từ ngày 30/5, mưa giảm, nhiệt độ sẽ có xu hướng tăng dần.
Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm, ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1 - 1,2m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,10m; tại Châu Đốc 1,25m, cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,2 - 0,25m.
Cụ thể, chiều sâu ranh mặn 1g/l có khả năng như sau: trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây 80 - 125 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 55 - 70 km; sông Hàm Luông 65 - 75 km; sông Hậu, Cổ Chiên 40 - 55 km; sông Cái Lớn 45 - 55 km.
Chiều sâu ranh mặn 4g/l có khả năng như sau: sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây 70 - 120 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 42 - 52 km; sông Hàm Luông 60 - 70 km; sông Cổ Chiên, sông Hậu 30 - 42 km; sông Cái Lớn 42 - 47 km.
Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp độ 1 - 2.