Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng dần
Theo cơ quan khí tượng, mực nước ở các trạm hạ lưu và trung lưu sông Mê Kông đang xuống dần tới mức thấp hơn trung bình nhiều năm, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần.
Nông dân huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) kiểm tra độ mặn trước khi bơm nước vào đồng ruộng. Ảnh: THÙY TRANG.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thông tin, khu vực Nam bộ trong những ngày qua phổ biến không mưa (chỉ một vài nơi có mưa nhưng lượng mưa rất nhỏ với mức dưới 5mm), các ngày khác có nắng với nhiệt độ cao nhất 31-340C, một số ngày tại Đồng Phú (Bình Phước), Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương) có nhiệt độ cao nhất đạt trên 350C.
Do đó, mực nước ở các trạm hạ lưu và trung lưu sông Mê Kông đang xuống dần tới mức thấp hơn trung bình nhiều năm (giai đoạn 2012-2022) 0,35-0,7m, trong khi mực nước thủy triều ở Nam bộ có xu thế tăng dần. Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần vào cuối tuần.
Từ các dữ liệu quan trắc, cơ quan khí tượng đưa ra nhận định, từ ngày 11 đến 20-2, ở thượng nguồn sông Mê Kông và khu vực Nam bộ sẽ phổ biến ít mưa, ban ngày trời nắng. Nhiệt độ thấp nhất ban đêm phổ biến 23-260C, nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 32-350C, riêng miền Đông nhiệt độ có nơi hơn 350C.
Mực nước thủy triều trạm tại Vũng Tàu, đỉnh triều từ ngày 16 đến 20-2 sẽ dao động ở mức 3,7-3,98m. Do đó, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng. Xâm nhập mặn ở vùng này trong mùa khô 2022-2023 ở mức tương đương trung bình nhiều năm.
“Các đợt xâm nhập mặn có xu thế gia tăng, bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh tập trung trong tháng 2 và 3. Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn để có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn”, cơ quan khí tượng - thủy văn của Việt Nam đề nghị.