Xắn quần, lội nước giúp dân

Chia sẻ với nỗi đau của các gia đình nạn nhân mất tích trong vụ đắm thuyền, xảy ra vào lúc 4 giờ sáng 24-10, tại âu thuyền cửa biển Sa Cần (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), suốt hai ngày qua, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị và lực lượng chức năng huyện Bình Sơn và tỉnh Quảng Ngãi vẫn ngày đêm có mặt tại hiện trường, tích cực mở rộng phạm vi tìm kiếm.

Tại các xã vùng trũng Bình Thuận, Bình Chánh, Bình Hòa, Bình Hiệp, Bình Phước, hàng trăm chiến sĩ “sao vuông” cũng tỏa về các thôn xóm, giúp đỡ nhân dân sửa sang nhà cửa, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Quyết tâm tìm kiếm các nạn nhân mất tích

Sáng 24-10, trên địa bàn huyện Bình Sơn mưa tuôn xối xả, gió rít từng hồi lạnh buốt. Bất chấp hiểm nguy, tại cửa biển Sa Cần, lực lượng cứu hộ vẫn chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ chìm tàu xảy ra trước đó vài giờ. Trên ca nô cứu hộ, Thượng tá Lê Văn Bình, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi vừa tập trung quan sát mặt biển, vừa nói với chúng tôi: “Các nạn nhân trong vụ lật thuyền làm công cho một tàu cá đang neo đậu, tránh bão tại cảng cá Sa Cần. Rạng sáng nay, nhận được tin báo của người dân về việc tàu cá bị đứt neo, từ trong bờ, họ đánh liều bơi thúng ra tàu cá. Nào ngờ mới bơi được vài chục mét, chiếc thuyền nhỏ bị sóng dữ lật úp. Phát hiện sự việc, bà con nơi đây đã điện thoại thông báo cho lực lượng chức năng và tích cực tổ chức cứu hộ. Song do sóng to, gió lớn, nước sâu nên đến nay việc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả”.

 Nạn nhân trong vụ lật thuyền đã được lực lượng chức năng tìm thấy.

Nạn nhân trong vụ lật thuyền đã được lực lượng chức năng tìm thấy.

Đến đầu giờ chiều, do sóng biển quá lớn, ca nô không thể ra khơi. Toàn bộ quân số lại chia về các ngả, tập trung tìm kiếm trên bờ. Ở những khu vực hút gió, có nhiều gỗ, rác, lá cây tụ về, các chiến sĩ phải dùng sào tre, gậy sắt lật tung từng khe kẽ để tìm kiếm nạn nhân. Suốt đêm hôm đó và cả ngày hôm sau, dù đã nỗ lực, cố gắng, song việc tìm kiếm chưa đạt kết quả, khiến ai cũng sốt ruột.

Dự báo địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to trong những ngày tới, tranh thủ khi mưa ngớt, phương án tăng cường lực lượng, phương tiện mở rộng phạm vi tìm kiếm được các cơ quan chức năng triển khai. Sáng sớm 26-10, điện thoại của anh Nguyễn Sen, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Bình Thạnh đổ dồn, đầu dây bên kia, một người dân ở xã Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) thông báo, vừa phát hiện trên bãi biển gần nhà (cách vị trí xảy ra vụ lật thuyền khoảng 6km), có một thi thể bị đuối nước dạt vào, rất có thể đây là một trong số những thanh niên của vụ lật thuyền. Chỉ trong ít phút, lực lượng cứu hộ và thân nhân các nạn nhân đã có mặt tại hiện trường để xác định danh tính người bị nạn và tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm. Gần nửa giờ sau, thi thể những nạn nhân còn lại cũng lần lượt được tìm thấy. Sau khi khám nghiệm tử thi, các nạn nhân được lực lượng chức năng bàn giao cho thân nhân, gia đình tổ chức mai táng.

Nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả

Đến xóm Phá Lê (thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) một ngày sau khi lũ rút, những dấu tích của trận lũ vẫn còn in đậm trên vách tường, mái ngói của các ngôi nhà. Trò chuyện với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Hiệp (61 tuổi), một người dân xóm Phá Lê, xót xa: “Phá Lê là xóm vùng trũng nên hầu như năm nào cũng bị ngập. Trước đây, nước chỉ xâm xấp hiên nhà, chứ chưa khi nào lên cao như lần này. Trưa hôm ấy, lũ về nhanh quá, trong thời gian ngắn đã ngập quá đầu người. Nếu không có mấy chú dân quân trèo lên cắt điện, rồi nhanh trí dắt mấy con bò lên đỉnh đồi; chồng ghế, xếp giường, kê cao thóc lúa, tivi, tủ lạnh... có lẽ bây giờ vợ chồng tôi đã trắng tay. Tuy nhà nào cũng bị thiệt hại ít nhiều, song khi nước lũ vừa rút, anh em dân quân xắn quần, lội nước đến từng nhà thăm hỏi, động viên và tích cực giúp đỡ bà con khắc phục hậu quả khiến ai cũng cảm động”.

 Bộ đội, dân quân huyện Bình Sơn giúp người dân phơi thóc sau mưa lũ.

Bộ đội, dân quân huyện Bình Sơn giúp người dân phơi thóc sau mưa lũ.

Đang lúi húi, chưa biết phải làm thế nào để chuyển hơn chục bao thóc từ trên gác xép xuống sân phơi sấy thì được bộ đội, dân quân tới giúp đỡ, bà Phùng Thị Tám không giấu nổi niềm vui. Trong lúc sửa nhà, tổng dọn vệ sinh, thấy mấy tấm huân chương kháng chiến, bằng khen, giấy khen treo cạnh gian thờ của gia đình bà Tám bị ngấm nước loang lổ, Thiếu tá Đỗ Minh Thành, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Bình Sơn cẩn thận dùng quạt hong khô rồi đề nghị: “Sáng mai, cháu sẽ gửi anh em dân quân biếu cô vài bộ khung mới để lồng bằng khen, giấy khen, chứ mấy bộ này bị ngấm nước, sắp bung ra cả rồi”. Những nghĩa cử, việc làm chân tình ấy của bộ đội khiến bà Tám xúc động, rưng rưng nước mắt.

 Bộ đội, dân quân huyện Bình Sơn tổng dọn đường làng, ngõ xóm giúp dân sau mưa lũ.

Bộ đội, dân quân huyện Bình Sơn tổng dọn đường làng, ngõ xóm giúp dân sau mưa lũ.

Anh Ngô Hồng Hưng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Bình Thuận cho biết: “Ngoài việc phối hợp cùng các lực lượng chức năng sơ tán nhân dân khỏi khu vực trũng thấp, trong trận lũ lịch sử này, Ban CHQS xã còn hỗ trợ bà con chằng chống nhà cửa, kê kích tài sản, vật tư, trang bị và đưa được 18 con bò, 51 con lợn, hàng trăm con gà lên các đồi cao. Sau lũ, Ban CHQS xã phân công mỗi hộ dân bị thiệt hại nặng sẽ có 2 cán bộ, chiến sĩ tới giúp công tác khắc phục hậu quả. Trước mắt tập trung vào các gia đình neo người, lớn tuổi, giúp bà con sớm ổn định lại cuộc sống”.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xan-quan-loi-nuoc-giup-dan-675495