Xăng dầu chuẩn cho người Việt: Tính nhân văn trong quản lý
Xăng dầu không chỉ là một mặt hàng tiêu dùng đơn thuần mà còn liên quan đến an toàn tài sản, tính mạng của mỗi người dân Việt Nam. Trong chuyến thực tế về tình hình quản lý chất lượng xăng dầu tại PVOIL - Hà Nội, chúng tôi cảm nhận được tính nhân văn xuyên suốt quá trình kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thiết yếu này.
Chúng tôi có mặt tại Kho xăng dầu Bắc Giang của PVOIL để mục sở thị nơi khởi đầu trong quy trình quản lý chất lượng xăng dầu tại địa bàn các tỉnh miền Bắc. Vừa đến cổng, chúng tôi đã chứng kiến khoảng 4-5 chiếc xe sitec loại lớn (22-23m3) túc trực chờ “ăn” xăng.
Chưa kịp làm quen với hoàn cảnh, chúng tôi “nhập” ngay một khóa học cấp tốc về an toàn phòng chống cháy nổ. Sau khi giới thiệu những điều “không nên làm” trong tổng kho như không sử dụng thiết bị điện tử, điện thoại, không sử dụng bật lửa, bảo đảm khoảng cách an toàn với bồn chứa xe chở xăng dầu..., anh Trần Trọng Khánh - Trưởng kho Bắc Giang, PVOIL Hà Nội - còn “chốt” thêm một câu: “Tất cả các hoạt động tại kho đều được truyền hình ảnh trực tiếp về bộ phận giám sát tại Hà Nội nên rất mong mọi người phải tuân thủ tuyệt đối”. Thế mới biết, đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, công tác an toàn và phòng chống cháy nổ luôn được đặt lên hàng đầu.
Mỗi đợt xuất hàng cho 2 chiếc xe bồn chỉ gói gọn trong vòng 20 phút, nhưng trong đó có tới cả chục bước và hàng loạt lưu ý. Đây là cả một sự phối hợp nhịp nhàng của hàng chục cán bộ, nhân viên dày dặn kinh nghiệm từ bộ phận kiểm định, tổ lái xe đến công tác an toàn. Có thể khái quát quá trình quản lý chất lượng xăng dầu từ kho chứa đến tay người tiêu dùng gồm 5 khâu: Nhập, pha chế - tồn trữ - xuất - vận chuyển - cửa hàng xăng dầu.
Trong đó, khi nhập hàng vào kho phải kiểm tra niêm phong tại phương tiện; lấy mẫu (mẫu tại tàu và mẫu kho xuất gửi); kiểm tra chất lượng tại tàu trước nhập; giám sát quá trình bơm hàng; lấy mẫu tại bồn sau nhập; kiểm tra chất lượng tại bồn sau nhập. Tại kho xăng dầu còn có quy định cụ thể trước khi xuất hàng phải kiểm tra hầm hàng, bảo đảm cách ly với các hầm hàng khác. Trong quá trình xuất xăng dầu cũng cần lưu ý “3 đúng”: Xuất đúng loại hàng, đúng lưu lượng, đúng số lượng. Sau khi xuất hàng cần lấy mẫu, bàn giao mẫu và niêm phong phương tiện tại họng xuất và họng nhập của xe sitec. Đặc biệt, trên đường vận chuyển phải cử người áp tải, giám sát hành trình, sử dụng camera hành trình, bảo đảm xăng dầu không bị biến đổi chất lượng trong quá trình vận chuyển.
Tại các cửa hàng xăng dầu, quá trình nhập hàng cũng chặt chẽ không kém, nhưng khác ở chỗ là cửa hàng trưởng phải tiến hành kiểm tra tình trạng niêm phong các bình mẫu và các hầm hàng; đồng thời đối chiếu số niêm thực tế với số niêm ghi trên “Biên bản lấy mẫu, niêm phong bàn giao mẫu và cam kết chất lượng” lập ở kho xuất.
Tại các cửa hàng lớn như PVOIL Thái Thịnh, Trần Cung, Hoàng Quốc Việt... (Hà Nội), việc kiểm tra hằng ngày về lượng hàng tồn chứa tại bồn đặc biệt quan trọng, bởi ở đây, lượng khách hàng rất đông, có thể lên tới vài nghìn lượt khách/ngày nên cần bảo đảm số lượng hàng, xe nhập hàng được liên tục, không bị gián đoạn.
PVOIL luôn hướng tới mục tiêu kinh doanh sạch, môi trường xanh. Bởi vậy, có một điều ít người biết: Quản lý xăng dầu là quy trình “kín”. Cụ thể, tại bất cứ kho chứa, cửa hàng xăng dầu nào khi xuất - nhập xăng dầu, mùi xăng dầu bốc lên rất khó chịu và gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí. Riêng với PVOIL, từ khâu nhập hàng, pha chế, tồn trữ đến xuất hàng luôn thực hiện nguyên tắc “kín”, nói nôm na là không để mùi xăng dầu bay ra môi trường còn mang nghĩa kỹ thuật là chu trình khép kín vừa bảo đảm môi trường sạch, vừa an toàn khi xuất nhập, pha chế xăng dầu. Xăng dầu được vận chuyển theo đường thủy đến các tổng kho hoặc kho trung chuyển bằng các loại tàu chuyên dụng, khi đến các cảng nhập xăng dầu sẽ được đấu nối bằng đường ống mềm để bơm xăng dầu trực tiếp vào các bồn chứa. Đối với việc pha chế xăng dầu cũng vậy, hệ thống pha chế tự động được điều chỉnh lượng ethanol, chất phụ gia theo đúng công thức chuẩn trước khi bơm xăng vào xe bồn đối với xăng E5 RON92 hoặc đưa xăng vào bồn bể chứa.
Xe bồn nhận xăng trực tiếp từ bồn chứa xăng có thể được rót trực tiếp qua đường ống. Tại một số tổng kho, xăng có thể được phối trộn trực tiếp rồi bơm thẳng vào bồn xe qua đường ống, tương tự khi xe bồn vận chuyển xăng đến cửa hàng, sau khi kiểm tra niêm phong cũng được bơm qua đường ống vào bể chứa. Bởi vậy, quá trình “rót” xăng dầu không để xăng dầu bốc hơi vào không khí đã được PVOIL kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất.
Chúng tôi đã hỏi ông Trần Mạnh Hà - Giám đốc PVOIL Hà Nội - rằng “trong các khâu quản lý chất lượng xăng dầu, khâu nào hay xảy ra tiêu cực?”. Ông Hà bộc bạch, chính khâu vận chuyển là “khó” nhất. PVOIL Hà Nội đã tổ chức riêng một đội giám sát có quyền kiểm tra đột xuất bất cứ xe bồn nào trên đường vận chuyển. Song song với đó là hệ thống định vị (GPS) gắn trên xe cộng với camera hành trình, camera giám sát bồn xăng sẽ ghi hình suốt quãng đường xe chạy từ kho tới cửa hàng xăng dầu. Không những thế, PVOIL Hà Nội cũng có quy định bắt buộc tài xế không được dừng tại những “điểm đen” về nạn trộm cắp xăng dầu, phải dừng, nghỉ theo thời gian quy định tại từng tuyến, chặng khác nhau. Chưa hết, mỗi chuyến hàng đều được niêm phong, kẹp chì có đánh mã số quy định. Chỉ khi giao nhận khớp mã số thì chuyến hàng mới được xác định là an toàn, đạt chất lượng.
PVOIL là đơn vị thành viên của PVN, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, kinh doanh dầu thô; chế biến, kinh doanh sản phẩm xăng dầu; đang chiếm khoảng 20% thị trường xăng dầu Việt Nam. PVOIL luôn tạo ra môi trường làm việc tốt nhất để xây dựng một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đoàn kết gắn bó, tạo dựng niềm tin cho khách hàng, đối tác.
Trong thực tế không ít trường hợp chính lái xe vận chuyển xăng dầu đã móc ngoặc, tổ chức trộm cắp, đánh tráo xăng dầu trong quá trình vận chuyển. Các đối tượng này có thủ đoạn tinh vi đối phó với sự kiểm soát của doanh nghiệp. Cụ thể, trước đây chưa có quy định gắn thiết bị định vị trên xe, tài xế muốn ghé vào đâu thì ghé, vô tư đánh tráo, rút trộm xăng trên đường vận chuyển. Đến khi có thiết bị định vị, những tài xế “vô lương” vẫn có cách đối phó là vừa đi vừa múc trộm xăng trên bồn... Đây là một vấn nạn dai dẳng trong nhiều năm qua đối với quản lý chất lượng xăng dầu nói riêng và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói chung.
Mỗi một vòng luân chuyển xăng dầu từ nhà máy sản xuất tới tay người tiêu dùng có tới 7 lần lấy mẫu kiểm định, 15 quy định về các bước kiểm tra, kết hợp sử dụng cả con người lẫn công nghệ cao để giám sát. Bởi vậy, chúng tôi cực kỳ ấn tượng với câu nói của Giám đốc PVOIL Hà Nội Trần Mạnh Hà: “Giám sát chặt không phải để bắt bớ, kỷ luật mà là để trong đầu cán bộ, nhân viên không nảy sinh ý tưởng tiêu cực”. Đây chính là tính nhân văn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có bề dày truyền thống, nơi sự đoàn kết, tự hào của những người kinh doanh trung thực.