Xăng, dầu đã thực sự giảm nhiệt?

Thời điểm này, nhiều cửa hàng xăng, dầu tại Hà Nội đang dần trở lại hoạt động bình thường, không còn cảnh người dân phải xếp hàng dài chờ đổ xăng. Điều này cho thấy các biện pháp can thiệp nhằm ổn định thị trường xăng dầu của cơ quan quản lý đã phát huy tác dụng.

Giảm tình trạng xếp hàng dài chờ đổ xăng

Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế& Đô thị trong sáng 16/11, tại nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Hà Nội, tình trạng người dân xếp hàng dài chờ đổ xăng đã giảm đáng kể.

Người dân chỉ mất 3 - 5 phút để đổ xăng. Ảnh chụp tại một cây xăng trên đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội ngày 16/11. Ảnh: Ánh Ngọc

Người dân chỉ mất 3 - 5 phút để đổ xăng. Ảnh chụp tại một cây xăng trên đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội ngày 16/11. Ảnh: Ánh Ngọc

Tại một cây xăng số 112 đường Trần Phú (quận Hà Đông, Hà Nội), không còn tình trạng người dân chen chúc, quá tải hàng trăm người chờ đợi đổ xăng; các trụ xăng, dầu cũng hoạt động hết công suất để phục vụ khách hàng.

Tâm trạng phấn khởi, khi chỉ mất 3 – 5 phút là đổ được đầy bình xăng, chị Đỗ Thị Thao (ở Văn Quán, Hà Đông) chia sẻ: "Tôi thấy đổ xăng ở đây khá dễ dàng. Mọi người xếp hàng nhanh, không phải chờ đợi quá lâu; nhân viên cây xăng cũng không khống chế số lượng mỗi lượt đổ xăng như vài hôm trước”.

Bất ngờ khi sáng nay không phải lo đi sớm để xếp hàng đổ xăng, anh Nguyễn Tuấn Anh (ở Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Nếu như cách đây khoảng 5 ngày, tôi phải chật vật với việc đổ xăng, khi xếp hàng tới quá nửa tiếng đồng hồ, thậm chí ghé qua nhiều cửa hàng mới đổ được xăng thì hôm nay đã dễ thở hơn rất nhiều, từ lúc đến cây xăng đến lúc rời khỏi trụ đỗ mất khoảng 5 - 7 phút”.

Giám đốc Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu Hà Nội (đơn vị trực thuộc Công ty Xăng dầu khu vực 1 -Petrolimex 1) Đỗ Hoàng Hà cho hay, từ ngày 14/11, lượng khách hàng đến mua xăng dầu tại các cửa hàng trực thuộc đơn vị đã giảm, đến hôm nay (16/11), tình trạng xếp hàng dài đổ xăng đã chấm dứt và trở lại bình thường.

Cũng theo ông Đỗ Hoàng Hà, ngày 11/11 vừa qua là ngày đạt đỉnh cao nhất, với sản lượng bán ra đạt gần 2.400m3, do một số cửa hàng xăng dầu ngoài hệ thống của Petrolimex đóng cửa, dừng kinh doanh, khiến người tiêu dùng đổ dồn về các cửa hàng trực thuộc Petrolimex mua hàng.

Sau khi giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào chiều ngày 11/11, tuy người dân xếp hàng dài đợi đến lượt mua tại các cửa hàng xăng dầu vẫn đông, nhưng lượng bán ra đã giảm xuống còn khoảng hơn 1.000m3/ngày trong 3 ngày gần đây.

Nhiều biện pháp chấm dứt thiếu xăng, dầu cục bộ

Ngay sau khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu gửi bộ trưởng các bộ liên quan và Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, nhiều giải pháp đã được triển khai để tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Nhiều người dân cho biết, hôm nay (16/11) ,việc đổ xăng đã dễ dàng hơn so với 5 ngày trước. Ảnh minh họa

Nhiều người dân cho biết, hôm nay (16/11) ,việc đổ xăng đã dễ dàng hơn so với 5 ngày trước. Ảnh minh họa

Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chia sẻ, tập đoàn này đã chuẩn bị nguồn hàng tăng 1,4 lần so với Bộ Công Thương giao và bố trí đủ nhân viên để hỗ trợ khách hàng. Theo Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm, tập đoàn đã tăng cường đưa lượng hàng đã thống nhất mua từ tháng 12 để có khả năng nhập sớm trong tháng 11 nhằm dự phòng trong điều kiện nhu cầu xã hội tăng cao, nhờ đó các đơn vị, công ty trực thuộc luôn có sẵn nguồn hàng cung ứng ra thị trường.

Đề cập về các giải pháp điều hành, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đang tập trung chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.

Đồng thời, Bộ cũng đang rà soát, đề xuất sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và DN.

Cụ thể, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ ngành và UBND các tỉnh, TP để sửa đổi Nghị định 95: Chu kỳ điều hành giá xăng dầu; mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu; đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu.

Song song với đó, Bộ cũng lấy ý kiến về việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam yêu cầu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn có phương án phân phối xăng dầu hợp lý, ưu tiên nhu cầu mua hàng của DN đã và đang nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ bù đắp chi phí.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xang-dau-da-thuc-su-giam-nhiet.html