Xăng dầu giả - Thiệt hại thật
Hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng đang có chiều hướng gia tăng, tính chất tinh vi, phức tạp hơn. Bởi vậy, vấn đề minh bạch xuất xứ và siết chặt quản lý chất lượng xăng dầu càng trở nên cấp thiết. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến đáng chú ý về thực trạng, giải pháp đẩy lùi xăng dầu giả và phương pháp giúp người tiêu dùng lựa chọn xăng dầu an toàn tại buổi tọa đàm với chủ đề 'Xăng dầu giả - Thiệt hại thật'.
Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởngCục Quản lý chất lượng sản phẩm,hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Xăng dầu nhập khẩu bảo đảm chất lượng
Xăng dầu nhập khẩu chính ngạch đã qua kiểm soát chất lượng và xăng dầu của các cơ sở sản xuất đã thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và thực hiện đầy đủ các yêu cầu của pháp luật về đo lường chất lượng, bảo đảm chất lượng để đưa ra thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trên thị trường vẫn còn tình trạng xăng dầu kém chất lượng, thậm chí là xăng dầu giả, do gian lận trong kinh doanh và pha chế trái phép.
QCVN 1:2015/BKHCN là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ban hành. Bộ KH&CN cũng đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16-6-2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN ngày 12-12-2012 quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN. Đây là cơ sở để đánh giá về chất lượng xăng dầu được phép nhập khẩu, được phép đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25-8-2015 quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Những chủng loại xăng dầu đáp ứng các tiêu chuẩn quy định mới được phép nhập khẩu, phép lưu thông trên thị trường.
Phải khẳng định rằng, xăng dầu nhập khẩu chính ngạch qua kiểm tra chất lượng và xăng dầu sản xuất trong nước đã thực hiện những quy định của pháp luật tại các cơ sở sản xuất về chứng nhận hợp quy là những sản phẩm bảo đảm chất lượng. Qua thống kê từ năm 2017 đến nay, xăng dầu được nhập khẩu chính ngạch, sản xuất bảo đảm chất lượng đưa ra lưu thông là trên 36 tỉ triệu lít, phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường: Gian lận về xăng dầu diễn biến phức tạp
Trong những năm qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại về xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.
Cụ thể, tháng 10-2017, chúng ta đã phát hiện vụ pha chế và tiệu thụ 2 triệu lít xăng giả ở địa bàn tỉnh Nghệ An. Gần đây nhất, năm 2019, Công an tỉnh Đắk Nông đã triệt phá đường dây pha chế xăng giả, bán ra thị trường. Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, có thể gây ảnh hưởng đến hiệu suất của động cơ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Từ đầu năm 2018 trở lại đây, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện rất nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến xăng dầu, đã xử lý hơn 1.000 vụ việc, tước quyền sử dụng 37 giấy phép kinh doanh, tịch thu 6 cột bơm và 1 cây xăng. Gian lận về xăng dầu hiện nay tương đối phổ biến ở một số địa phương miền Tây Nam Bộ, Trung Bộ, lác đác xuất hiện ở phía Bắc.
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chúng tôi phát hiện các hành vi vi phạm điển hình như sau: Thứ nhất, bán xăng dầu ngoài hệ thống. Thứ hai, kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực. Qua kiểm tra, quản lý thị trường phát hiện những trường hợp 50% mẫu xăng RON95 và 100% mẫu xăng E5 tại một vài cửa hàng không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
Từ đầu năm 2018 trở lại đây, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện rất nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến xăng dầu, đã xử lý hơn 1.000 vụ việc, tước quyền sử dụng 37 giấy phép kinh doanh, tịch thu 6 cột bơm và 1 cây xăng. Gian lận về xăng dầu hiện nay tương đối phổ biến ở một số địa phương miền Tây Nam Bộ, Trung Bộ, lác đác xuất hiện ở phía Bắc.
Gian lận thương mại về xăng dầu diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, gây khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường điều tra và xử lý các vi phạm. Trong đó, lĩnh vực xăng dầu do nhiều cơ quan cùng quản lý nên trong quá trình kiểm tra dễ bị trùng lặp. Chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng để ngăn chặn hoạt động nhập lậu xăng dầu. Bên cạnh đó, do chưa có nguồn tin tốt, chúng ta chưa ngăn chặn triệt để được việc nhập lậu xăng dầu vào thị trường nội địa.
Riêng công tác kiểm tra chất lượng, hiện nay cũng có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm, tuy nhiên, do hạn chế về cơ sở vật chất, quy chế, cách thức phối hợp nên đôi khi không phát hiện kịp thời các vi phạm về chất lượng xăng dầu. Trong lúc chờ đợi kết quả kiểm nghiệm thì xăng dầu vẫn phải lưu thông liên tục. Khi phát hiện ra sai phạm về chất lượng thì lúc đó xăng trong bồn đã tiêu thụ hết, gây khó khăn trong xử lý tang vật.
Thực tế đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về chính sách cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng thì mới có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng gian lận về xăng dầu.
Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR): Xăng dầu sản xuất trong nước luôn đạt chuẩn
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào sản xuất từ năm 2009. Trong suốt 10 năm vận hành nhà máy, BSR đưa ra thị trường trên 70 triệu m3 xăng dầu các loại, riêng năm 2019 đã đưa ra thị trường trên 6,5 triệu m3 xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thị trường.
Ngoài Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chúng ta đã có thêm Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa, hằng năm sản xuất khoảng gần 8 triệu m3 xăng dầu các loại, nếu đạt 100% công suất. Như vậy, cả 2 nhà máy có thể cung ứng cho thị trường khoảng 15 triệu m3 xăng dầu các loại và đáp ứng khoảng 80% nhu cầu trong nước.
BSR luôn cam kết đưa ra thị trường các chủng loại xăng dầu bảo đảm chất lượng, tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đồng thời, BSR có hệ thống thí nghiệm cũng như các kỹ sư giỏi, có trách nhiệm cao, các lô hàng xuất ra khỏi nhà máy luôn được kiểm tra, đạt tiêu chuẩn chất lượng đúng theo các công bố, bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Tình trạng buôn bán xăng giả, xăng dầu nhập lậu tiếp tục diễn biến phức tạp và tinh vi, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung cũng như các nhà sản xuất, nhà phân phối và khách hàng. Chúng tôi nghĩ về lâu dài, khách hàng sẽ là những người lựa chọn sản phẩm một cách thông minh, hàng giả, hàng gian sẽ bị đào thải. Ở phía ngược lại, các nhà sản xuất, các nhà cung ứng xăng dầu có chất lượng tốt sẽ tồn tại lâu dài.
BSR luôn cam kết đưa ra thị trường các chủng loại xăng dầu bảo đảm chất lượng, tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đồng thời, BSR có hệ thống thí nghiệm cũng như các kỹ sư giỏi, có trách nhiệm cao, các lô hàng xuất ra khỏi nhà máy luôn được kiểm tra, đạt tiêu chuẩn chất lượng đúng theo các công bố, bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL): Mua xăng dầu của các thương hiệu uy tín
Xăng dầu lưu thông không ngừng, từ nhà máy lọc dầu, nhập khẩu, hoặc doanh nghiệp sản xuất, pha chế, thông qua kho chứa, phương tiện vận tải để đến các cửa hàng xăng dầu bán lẻ cho người tiêu dùng.
Khâu phức tạp nhất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất chính là bán lẻ. Tại các thành phố lớn, công tác giám sát, kiểm tra được thực hiện chặt chẽ. Tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, việc kiểm tra, kiểm soát sẽ khó hơn.
PVOIL luôn cam kết xăng dầu đủ tiêu chuẩn mới được phép lưu thông. PVOIL có những quy trình rất chặt chẽ như lưu kho, lấy mẫu, kiểm tra, niêm phong và bàn giao xăng dầu. PVOIL luôn kiểm tra nghiêm ngặt trước khi cấp hàng. PVOIL khuyến cáo các đại lý phải thường xuyên kiểm tra chất lượng và lưu mẫu đầy đủ để nếu có rủi ro xảy ra thì xác định được trách nhiệm.
Nói chung, đối với những doanh nghiệp uy tín trên thị trường, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tin tưởng chất lượng xăng dầu tại các cây xăng có treo biển doanh nghiệp. Tuy nhiên, xăng dầu là mặt hàng rất nhạy cảm, người tiêu dùng nên lưu ý tới các thương hiệu uy tín trong quá trình mua hàng.
PVOIL có những quy trình rất chặt chẽ như lưu kho, lấy mẫu, kiểm tra, niêm phong và bàn giao xăng dầu, luôn kiểm tra nghiêm ngặt trước khi cấp hàng. Đồng thời khuyến cáo các đại lý phải thường xuyên kiểm tra chất lượng và lưu mẫu đầy đủ để nếu có rủi ro xảy ra thì xác định được trách nhiệm.
PVOIL là nhà phân phối xăng dầu tới người tiêu dùng, nên cửa hàng có logo ngọn lửa của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và có tên PVOIL. Hệ thống 600 cửa hàng của PVOIL sở hữu có chương trình giám sát để nâng cao chất lượng phục vụ, từ thái độ phục vụ cho tới đong đếm, chào hỏi, bán hàng.
Tất cả những việc đó đã được PVOIL thực hiện đồng bộ từ 3 năm nay theo Đề án 1114 nâng cao chất lượng phục vụ và kiểm soát chất lượng, an toàn.
Sau khi PVOIL triển khai Đề án 1114 thì sản lượng xăng dầu bán lẻ tăng khá mạnh và phản ứng từ người tiêu dùng rất tích cực. Có nhiều đại lý trước đây ký hợp đồng với thương hiệu khác nay đã trở thành đại lý của PVOIL. Mặc dù về trang trí, các đại lý khác với cửa hàng của PVOIL một chút, nhưng PVOIL luôn cố gắng phân định trách nhiệm rõ ràng để hỗ trợ đại lý trong quá trình kiểm tra, giám sát, để hệ thống cửa hàng xăng dầu của đại lý giảm tối đa các rủi ro, bảo đảm chất lượng xăng dầu đến tay người tiêu dùng.
Có thể đưa ra lời khuyên đơn giản nhất đối với người dân: Hãy đến với các cửa hàng xăng dầu, các đại lý có uy tín để được phục vụ tốt nhất và yên tâm về chất lượng sản phẩm.
Tăng cường kiểm tra đột xuất về đo lường, chất lượng xăng dầu
Với tình trạng pha chế xăng dầu trái phép diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, Bộ KH&CN đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về đo lường, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Bộ KH&CN, vi phạm về xăng dầu gia tăng từ năm 2017. Năm 2018, Bộ KH&CN phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch, tổ chức triển khai thanh tra chuyên đề năm 2018 nhằm hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đo lường, chất lượng xăng dầu trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường. Quá trình triển khai đã phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng xăng dầu, các địa phương đã xử phạt với số tiền gần 6,7 tỉ đồng và áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, các Sở KH&CN cùng các sở, ngành khác cũng đã phát hiện một số thủ đoạn hết sức tinh vi trong việc gian lận về xăng dầu và chuyển thông tin cho cơ quan công an để vào cuộc điều tra, đấu tranh với các thủ đoạn này.
Đối với vụ việc xăng dầu không bảo đảm chất lượng tại Đắk Nông, trong quá trình điều tra, xử lý, Bộ KH&CN tích cực phối hợp, hỗ trợ cơ quan Công an tỉnh Đắk Nông trong việc thử nghiệm, kiểm tra, đánh giá chất lượng xăng dầu phục vụ quá trình điều tra; phối hợp hỗ trợ cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Đắk Nông phân tích, làm rõ các căn cứ pháp lý và cơ sở khoa học trong việc xác định bản chất các hành vi vi phạm. Việc phát hiện đường dây sản xuất xăng giả và đấu tranh kịp thời với các đối tượng vi phạm pháp luật là một chiến công lớn và nỗ lực lớn của các lực lượng công an.
Bộ KH&CN đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an tiếp tục đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về xăng dầu, kiến nghị xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi có dấu hiệu tội phạm. Đồng thời, Bộ KH&CN đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố để chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có thông tin, nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm về chất lượng xăng dầu, tiến hành lấy mẫu thử nghiệm để xử lý theo quy định của pháp luật. Lưu ý: Cần tập trung lấy mẫu tại các bể chứa xăng dầu để tăng khả năng phát hiện gian lận về chất lượng.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/xang-dau-gia-thiet-hai-that-557746.html