Xăng dầu tăng giá, kéo giá cả nhiều mặt hàng tăng theo
Người dân mua thực phẩm tại chợ thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh. Ảnh: KHANG ANH
Giá xăng dầu trong nước và thế giới liên tục tăng, kéo theo nhiều mặt hàng cũng tăng giá và dự báo còn có khả năng biến động trong thời gian tới.
Nhiều mặt hàng tăng giá
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trên thị trường đã điều chỉnh 6 lần tăng, 1 lần giảm. Hiện giá xăng E5 RON 92 niêm yết tại các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh là 28.890 đồng/lít; xăng RON 95-III là 29.770 đồng/lít; dầu 22.680 đồng/lít. Theo nhiều cá nhân, cơ sở kinh doanh hàng hóa tại Phú Yên, do biến động của giá xăng dầu nên chi phí vận tải, vận chuyển hàng hóa tăng, kéo giá cả nhiều mặt hàng tăng theo. Đó là chưa kể một số mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong những ngày nắng nóng cũng bắt đầu tăng giá.
Khảo sát tại các chợ truyền thống, trong vòng 10 ngày trở lại đây, giá trứng gà, vịt dao động từ 29.000-33.000 đồng/chục (tăng từ 2.000-4.000 đồng/chục). Nhiều loại rau, củ, quả như rau muống, cải xanh, rau thơm, cà rốt, su hào… cũng có mức giá tăng bình quân 2.000-8.000 đồng/kg. Các loại thịt heo tăng 5.000-10.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Trà, tiểu thương bán hàng tươi sống ở chợ Tân Hiệp (phường 2, TP Tuy Hòa) cho biết: Sau khi giá xăng dầu tăng, dịch vụ vận tải cũng rục rịch tăng theo làm ảnh hưởng đến giá thực phẩm từ đầu vào. Vì vậy, khi bán lẻ cho người tiêu dùng, chúng tôi cũng phải tăng giá.
Một số hàng hóa thiết yếu tăng giá đến 20%. Cụ thể, mì ăn liền tăng 20.000-25.000 đồng/thùng, dầu ăn tăng 10.000-15.000 đồng/lít, gạo các loại tăng khoảng 1.000-1.500 đồng/kg... Bà Dương Thị Khá, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vạn Phúc (TP Tuy Hòa) cho hay: Khoảng 1 tháng qua, các công ty, nhà cung cấp lần lượt điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu. Hiện tại, loại hàng nào có mức tiêu thụ cao, hay được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu… đều tăng giá.
Ngoài các thực phẩm tươi sống, thiết yếu, đồ dùng, hóa phẩm, hàng công nghệ, vật liệu xây dựng… cũng tăng giá mạnh. Đối với vật liệu xây dựng, hiện thép cuộn Thái Nguyên bán tại các cửa hàng vật liệu xây dựng có giá trên 23 triệu đồng/tấn, tăng 2,5 triệu đồng/tấn so với đầu năm; thép phi 10, 14, 16, 18 có giá từ 130.000-410.000 đồng/cây, tăng 10.000-40.000 đồng/cây; xi măng cũng nhích giá so với đầu năm. Theo một số doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, từ đầu tháng 2 âm lịch đến nay là thời điểm khởi công các công trình xây dựng nhà ở, dự án…, các loại thép liên tục được điều chỉnh giá mới cao hơn giá cũ. Một số loại vật liệu nhập khẩu có dấu hiệu khan hàng và phụ thuộc rất lớn vào chi phí vận chuyển.
Kiểm soát, quản lý thị trường
Theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh, trong quý I/2022, tình hình hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển và tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Thị trường giá cả trong quý I/2022 nhìn chung đảm bảo cung - cầu hàng hóa. Công tác điều hành, kiểm tra, kiểm soát và bình ổn giá cả thị trường được các đơn vị đẩy mạnh triển khai, nhất là tại thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 2,19%. Riêng trong tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,48% so với tháng trước, trong đó 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: nhóm mặt hàng xăng tăng 13,40%; dầu diezel tăng 18,27%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,44%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,08%; chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,68%... Trong tháng 3, giá xăng dầu tăng cao tác động đến chi phí đầu vào của hoạt động vận tải đã đẩy đơn giá vận chuyển bình quân tăng từ 5-10% so với tháng trước.
Theo nhiều người dân, trước biến động của giá cả thị trường hiện nay, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý thị trường, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như việc kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết để tránh tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Bà Lê Thị Hoàng ở phường 8, TP Tuy Hòa bày tỏ: Gần đây, các mặt hàng tăng giá bán, hỏi thì người bán phân trần do giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển, cước phí gửi hàng tăng. Để tránh tình trạng các cá nhân, cơ sở lợi dụng tình hình giá xăng dầu tăng rồi đẩy giá bán sản phẩm, dịch vụ, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng trong quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh, giá cả thị trường.
Ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Phú Yên cho biết: Do tác động của tình hình thế giới, diễn biến của dịch bệnh nên các mặt hàng có biến động tăng giá. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng các đối tượng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả... lợi dụng tình hình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Hiện Cục Quản lý thị trường Phú Yên và các ngành chức năng liên quan cùng chính quyền địa phương phối hợp triển khai nhiệm vụ; tăng cường quản lý, nắm bắt tình hình của từng địa bàn; kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Các đơn vị cũng giám sát chặt chẽ những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tích trữ, đầu cơ, găm hàng, gây biến động về cung - cầu, giá cả hàng hóa để thu lời bất chính, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, xăng dầu, gas, thiết bị, vật tư y tế…
Theo Bộ Tài chính, mặt bằng giá cả thị trường những tháng đầu năm 2022 biến động tăng và chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới, trong đó có mặt hàng xăng dầu. Trong khi đó, giá xăng dầu chiếm tỉ trọng khá cao nên tác động mạnh vào giá thành sản phẩm.