Xăng tăng, giá cả leo thang, dân nghèo chật vật ứng phó

Xăng tăng, giá cả hàng loạt các mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo, khiến người tiêu dùng, nhất là dân nghèo rơi vào tình cảnh chật vật trong cơn "bão giá".

Xăng tăng, kéo theo giá cả hàng loạt các mặt hàng, nhất là nhu yếu phẩm thiết yếu tăng theo

Xăng tăng, kéo theo giá cả hàng loạt các mặt hàng, nhất là nhu yếu phẩm thiết yếu tăng theo

Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu vào chiều ngày 23/5/2022. Theo đó, mức tăng lần lượt là 680 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và 670 đồng/lít đối với xăng RON 95. Như vậy, sau điều chỉnh, giá xăng chính thức lập đỉnh mới với mức cao nhất lên tới 30.653 đồng/lít.

Ngay sau khi xăng tăng, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cũng “phi mã”, khiến cuộc sống của những người lao động có thu nhập thấp và lao động tự do vốn đã chật vật, nay lại càng thêm khó khăn.

Chị Dương Thị Nga, công nhân may tại KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) cho biết: "Sau mỗi lần xăng dầu tăng giá, cái gì cũng tăng, chỉ có lương là không nhúc nhích. Nên xăng tăng là đồng nghĩa với việc phải cân nhắc, thắt chặt chi tiêu.

Ngày nào tôi cũng đi chợ mà vẫn thấy “chóng mặt” vì giá thực phẩm, rau củ quả liên tục tăng cao. Giờ đi chợ luôn phải tính toán, cân nhắc xem mua gì, không mua gì để tránh lạm chi. Đau đầu để tính toán chi tiêu sinh hoạt nhưng nhiều tháng nay khoản chi mua thực phẩm ăn uống của gia đình như: Gạo, mắm, muối, thịt cá, rau, củ quả luôn bị “đội lên” khoảng 30 - 40% so với trước".

Xăng tăng, giá cả leo thang cũng đã tác động mạnh đến việc làm, thu nhập của nhiều lao động tự do. Ông Hoàng Văn Họa, chạy xe ôm tại cổng Siêu thị Co.op Mart (Vĩnh Yên) chia sẻ: "Xăng tăng nhưng giá cước vận chuyển gần như không đổi nên những ngày qua, tôi phải làm thêm giờ, tranh thủ chạy nhiều cuốc xe để bù vào chi phí xăng xe, chi phí sinh hoạt bị “đội lên” vì giá cả hàng hóa cũng tăng theo.

Nói là vậy, nhưng do xăng tăng, dịch bệnh khách ít, nên ngày công chạy xe ôm thời điểm này giảm rõ rệt, nếu như trước đạt 200 - 300 nghìn đồng/ngày thì nay chỉ còn 100 - 150 nghìn đồng/ngày. Thực sự mệt mỏi khi cuộc sống hơn 2 năm qua chỉ xoay quanh dịch bệnh, giờ lại thêm áp lực từ giá cả các mặt hàng tăng theo xăng dầu, khiến cuộc sống của những lao động tự do như chúng tôi ngày càng khó khăn, chật vật".

Cùng chung tình cảnh, việc kinh doanh buôn bán hàng ăn của gia đình chị Đường Thị Hoa trên đường Ngô Gia Tự, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do giá xăng dầu tăng.

Chị Hoa cho hay, xăng tăng giá, kéo theo cọng hành, trái ớt, can dầu ăn cũng lên giá, trong khi đó cái bánh mỳ, bát bún, đĩa cơm rang thì khó lên giá, không thể bớt phần ăn vì tăng giá, bớt phần ăn là mất khách. Chính vì vậy, chị đã phải cân đo đóng đếm làm sao để vừa đảm bảo khẩu phần ăn cho khách vừa tốt cho mình. Nhiều lúc phải chấp nhận cắt bớt lãi để duy trì hoạt động kinh doanh buôn bán. Mong sao, giá cả các mặt hàng sớm bình ổn trở lại.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, chi phí gas, nguyên vật liệu…, đặc biệt là xăng dầu đồng loạt tăng sốc và đang liên tục, gây áp lực lớn đến chi tiêu đối với người tiêu dùng. Chưa hết, tình trạng mưa lớn kéo dài trong suốt mấy ngày qua, gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và lưu thông trên địa bàn tỉnh cũng khiến giá các mặt hàng thiết yếu tăng, nhất là giá rau xanh. Người dân gặp khó, DN sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khôi phục sau dịch bệnh cũng thêm gánh nặng. Đây là hệ quả của việc nguồn cung đang thiếu hụt.

Theo các chuyên gia kinh tế, để giảm thiểu tác động về giá cả khi xăng dầu tăng giá phải đến từ nhiều phía như: Chính sách quản lý, từ phía DN và cả người tiêu dùng. Theo đó, cùng với sự vào cuộc của Chính phủ, các ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, nhất là các hàng hóa thiết yếu, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Hơn hết, lúc này rất cần đến sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra, thanh tra giá và kịp thời xử lý các sai phạm. Tránh tình trạng "té nước theo mưa" lợi dụng việc tăng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa bất hợp lý. Cùng đó, tăng cường công tác thông tin, truyền thông kịp thời về giá cả thị trường, hàng hóa, đảm bảo tính minh bạch và ổn định tâm lý người tiêu dùng.

Về phía DN, phải nâng cao hơn nữa vai trò quản lý trong việc giảm thiểu tác động của giá xăng với phí đầu vào. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông thái, tính toán chi tiêu sinh hoạt hợp lý.

Bài, ảnh: Trần Tỉnh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77962/xang-tang-gia-ca-leo-thang-dan-ngheo-chat-vat-ung-pho.html