Xăng tăng giá, trời mưa... tài xế xe công nghệ không nhận chuyến giờ cao điểm
Giá xăng trong nước luôn nhích tăng dần trong thời gian gần đây. Nhiều tài xế xe công nghệ tắt áp trong giờ cao điểm; một số mặt hàng tiêu dùng có dấu hiệu tăng giá nhẹ...
Khó đặt xe trong giờ cao điểm
Chị Nguyễn Linh Chi (Đội Cấn, Ba Đình) chia sẻ, mấy ngày gần đây thời tiết hay có mưa nên chị thường xuyên đặt dịch vụ xe. Thế nhưng, cứ mỗi khi tan làm buổi chiều chị lại rất khó đặt được xe.
"Cứ từ 17giờ chiều, tôi bật app lên đặt xe thì không có tài xế nào nhận chuyến, chỉ khi qua 18 giờ, tôi mới có thể đặt được xe về nhà. Các tài xế đều cho biết, giá xăng tăng nên họ cũng không mặn mà khi hoạt động vào khung giờ cao điểm vì lo tắc đường, ngập nước... di chuyển tốn kém hơn" - chị Chi cho hay.
Được biết, theo quyết định của liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 là 24.197 đồng/lít, RON 95 ở mức 25.748 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S tăng 839 đồng/lít, lên 23.894 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 928 đồng/lít, lên 24.116 đồng/lít. Trong khi đó dầu mazut 180CST 3.5S tăng 116 đồng/kg, lên 17.847 đồng/kg.
Việc xăng tăng giá đã tác động phần nào đến các dịch vụ vận tải, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng ô tô, xe máy để mưu sinh như xe ôm công nghệ.
Anh Trần Anh Quân - tài xế công nghệ chia sẻ, giá xăng tăng mạnh, tuy nhiên giá cước vẫn giữ nguyên khiến cánh tài xế xe ô tô công nghệ điêu đứng. Mỗi ngày, trừ chi phí, thu nhập chỉ còn khoảng 200.000 đồng, nhiều tài xế đã đóng ứng dụng tìm kiếm kiếm khách hàng.
Trước đây, anh Quân di chuyển xe liên tục tới nhiều địa điểm để tìm kiếm khách hàng. Khi giá xăng tăng cao, anh chọn những khu vực đông dân cư rồi chờ đợi. Tuy nhiên, phương pháp này cũng không mấy khả thi vì phạm vi hoạt động bị bó hẹp, lượng khách hàng cũng giảm theo.
"Trước đây, ngày đông khách, tôi chạy hết khoảng 400.000 đồng tiền xăng, nay phải chi đến không dưới 600.000 đồng, trừ chi phí, thu nhập chỉ còn khoảng 200.000 đồng. Bên cạnh đó, thời tiết gần đây mưa lớn vào cuối giờ chiều thường xuyên kẹt xe, ngập nước… di chuyển chậm càng thêm tốn xăng, nên nhiều tài xế đóng ứng dụng tìm kiếm khách hàng" - anh Quân thông tin.
Chạy xe ôm công nghệ, anh Nguyễn Văn Long (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) không vui vẻ gì khi nhận được cuốc xe đi từ Cầu Giấy tới Thanh Trì với quãng đường khoảng 10km. Nhưng với giá xăng như hiện nay, nếu không có cuốc xe quay lại thì chẳng còn được bao nhiêu.
“Với giá xăng như hiện tại, chạy những cuốc xe ngắn mới "ra tiền". Từ ngày giá xăng tăng cao, do trời mưa những ngày gần đây, nhiều anh em hủy những cuốc xe dài, lượng khách đi xe cũng không có nhiều. Thu nhập giảm mạnh khiến cuộc sống của lái xe công nghệ thêm phần khó khăn” - anh Nguyễn Văn Long chia sẻ.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng nhích giá
Giá xăng tăng không chỉ khiến lái xe công nghệ lo lắng, mà ngay cả tiểu thương buôn bán tại các chợ truyền thống cũng phàn nàn. Khi giá cả tăng lên từng ngày, lượng khách mua lại không tăng nếu tăng giá các mặt hàng lên thì lại không có người mua.
Anh Dương Văn Hưng (Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân) cho biết, cửa hàng tạp hóa của anh cũng phải tăng giá một chút, vì xăng tăng khiến giá vận chuyển đội theo. Là tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Vĩnh Hồ nhưng phải di chuyển một quãng đường khá xa nên anh rất lo lắng trước tình hình xăng tăng giá.
Trong kỳ điều hành lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương không trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Cơ quan điều hành chỉ sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với 2 mặt hàng xăng và dầu diesel, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít...
"Tôi phải di chuyển một quãng đường khá xa từ Đan Phượng đến chợ Vĩnh Hồ để bán hàng, xăng tăng sẽ đi kèm với giá thịt sẽ tăng. Bình thường tôi bán 13 nghìn/kg nhưng nay phải tăng lên 14 - 15 nghìn/kg nên tôi rất sợ người dân sẽ mua ít đi để tiết kiệm chi tiêu. Việc này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và tồn kho thịt lợn" - anh Thuần nói.
Anh Ngô Quang Thuần (Vĩnh Hồ, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng là tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Vĩnh Hồ cho biết, nhiều mặt hàng được điều chỉnh tăng giá, nguyên nhân do chi phí vận chuyển tăng. Nếu không tăng giá sẽ không có lãi nhưng nếu tăng nhiều quá lại chẳng có khách mua.
"Vào thời điểm này, kinh doanh rất khó khăn. Đến rau củ cũng tăng giá lên do thời tiết Hà Nội mấy hôm nay mưa lớn, cùng với giá cả các loại chăm sóc cây trồng như phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật tăng, nên chi phí bỏ ra để chăm sóc cây rau màu cũng đội lên" - anh Thuần cho hay.
Với người dân có thu nhập thấp, những âu lo về giá cả mặt hàng tiêu dùng luôn thường trực.