Xăng thiếu do 'vướng' thủ tục thông quan, Tổng cục Hải quan nói gì?
Tổng cục Hải quan vừa phát đi thông tin chính thức về một số vấn đề xung quanh hoạt động quản lý, xuất nhập khẩu xăng dầu đang được dư luận quan tâm.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, thủ tục nhập khẩu và thông quan đối với mặt hàng xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và tiêu dùng luôn được cơ quan Hải quan thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và theo đúng quy định của pháp luật.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu các loại, trị giá 6,8 tỷ USD, tăng 22,7% về lượng và tăng 131,8% về trị giá so với cùng kỳ.
Về thị trường nhập khẩu, Hàn Quốc dẫn đầu với hơn 2,5 triệu tấn, trị giá 2,745 tỷ USD, tăng tới 91,62% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 39,16% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước.
Các thị trường lớn khác như: Malaysia nhập khẩu 956.148 tấn, trị giá 885,67 triệu USD, giảm mạnh so với con số gần 1,7 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái; nhập từ Singapore 960.508 tấn, trị giá 978,7 triệu USD, Thái Lan 877.870 tấn, trị giá 960 triệu USD, tăng gần 100.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, những tháng đầu năm Trung Quốc là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn hàng đầu của Việt Nam với 627.123 tấn, trị giá 676 triệu USD, gấp 2,3 lần về lượng so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng 130%); trong khi trị giá tăng gấp tới 4,42 lần.
Để tiếp tục tạo thuận lợi và rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan, kịp thời đưa hàng hóa vào lưu thông trên thị trường, cuối tháng 8 vừa quan Tổng cục Hải quan đã có văn bản số chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thông quan nhanh chóng đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu.
Đồng thời bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính đảm bảo thông quan 24/7. Chủ động nắm sát tình hình thực tế, giải quyết các vướng mắc phát sinh, chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định về điều kiện kiểm tra, giám sát kho xăng dầu thì thương nhân kinh doanh xăng dầu có 2 năm để chuẩn bị trước khi Nghị định 67/2020/NĐ-CP có hiệu lực đối với quy định về lắp đặt thiết bị đo mức bồn, bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan. Tức là thời gian thực hiện sẽ tính từ ngày 10/8/2022.
“Quy định này giúp cho cho cơ quan quản lý nắm được chính xác, kịp thời số lượng xăng dầu nhập khẩu, đồng thời thu đúng số thuế phải nộp, nâng cao hiệu quả quản trị của doanh nghiệp”, Tổng cục Hải quan đánh giá.
Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan cho biết, trong thời gian qua cũng không nhận được phản ánh vướng mắc từ phía các doanh nghiệp khi triển khai Nghị định số 67.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan khẳng định, việc tạm dừng thực hiện thủ tục hải quan tại các kho chưa có thiết bị đo bồn bể tự động, chưa kết nối với cơ quan Hải quan, không ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối.
Có phần trái ngược với khẳng định trên của Tổng cục Hải quan, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra chiều 12/10, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, một trong số những nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu, gây ra tình trạng thiếu xăng cục bộ là do một số doanh nghiệp không nhập khẩu được xăng dầu vì chưa có kết nối điện tử nên cơ quan hải quan không thông quan.
Trong quý III/2022, đã xảy ra tình trạng các thương nhân đầu mối giảm mạnh lượng xăng dầu nhập khẩu. Số liệu thống kê cho thấy, quý III/2022 (đến 20/9/2022), sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu DO, so với Quý II/2022.
Bộ Tàichính lý giải, trong bối khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng biến động giảm liên tục với biên độ rộng, khó dự báo (giá xăng dầu trong nước giảm trong 9 kỳ điều hành liên tiếp từ kỳ điều hành ngày 1/7/2022), có thể dẫn đến tâm lý e ngại nhập khẩu xăng dầu.
Đáng nói, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu. Có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn, nhưng không thực hiện nhập khẩu vào Quý III/2022 như: Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.
"Nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chiết khấu giảm có thể do sản lượng nhập khẩu giảm và lượng tồn kho giảm tại các thương nhân đầu mối, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến khó lường”, Bộ Tài chính đánh giá.