Xanh - chín với nghề
20 năm công tác tại Báo Công an TP Đà Nẵng, tôi có không ít kỷ niệm, vui có, buồn có. Nhưng cũng như nhiều đồng nghiệp lỡ say nghề, tôi dặn lòng rằng, đã mang lấy nghiệp vào thân, phải đi đến cùng dù không biết cái gì đang đợi phía trước...
20 năm công tác tại Báo Công an TP Đà Nẵng, tôi có không ít kỷ niệm, vui có, buồn có. Nhưng cũng như nhiều đồng nghiệp lỡ say nghề, tôi dặn lòng rằng, đã mang lấy nghiệp vào thân, phải đi đến cùng dù không biết cái gì đang đợi phía trước...
Bị đe dọa “chặt giò”
Còn nhớ, trung tuần tháng 10-2019, tiếp nhận thông tin phản ánh đường dây nóng về tình trạng lộn xộn trong việc mua bán hồ sơ đấu thầu tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), chúng tôi báo cáo sự việc với lãnh đạo và đề xuất kế hoạch cải trang thành doanh nghiệp trực tiếp đi mua hồ sơ để khai thác thông tin. Quả đúng như chúng tôi tiên liệu, việc mua bán hồ sơ mời thầu nơi đây quá bát nháo, xảy ra tình trạng cản trở, đánh nhau giữa cơ quan hành chính Nhà nước. Cũng như các đối trọng đến tham gia mua hồ sơ, chúng tôi đã bị một nhóm thanh niên xăm trổ uy hiếp, bắt ép lên ô-tô chở đi nơi khác “nói chuyện”. Khi không đạt được mục đích, chúng dọa “chặt giò”, buộc chúng tôi ra khỏi khu vực bán hồ sơ mời thầu. Từ những gì tận mắt chứng kiến, chúng tôi thực hiện loạt bài điều tra “Bát nháo mua bán hồ sơ thầu”, thu hút sự quan tâm của độc giả. Và kết quả là chính quyền thị xã Điện Bàn đã có văn bản chấn chỉnh sự việc này, tạo sự công bằng trong cộng đồng doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu.
Tác nghiệp trong sợ hãi
Làm báo, nhất là báo ngành Công an, chúng tôi được ưu ái hơn đồng nghiệp báo bạn khi tham gia hầu hết các vụ án, chuyên án ngay từ giai đoạn khám phá ban đầu. 11 giờ 30 ngày 7-2-2020 cũng vậy, chúng tôi được Đại tá Trần Mưu - Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng thông tin, đã bắt được nghi phạm giết người, chặt xác cho vào túi ni-lông ném xuống sông Hàn để phi tang. Hiện trường vụ án là tầng 4, căn nhà cho thuê số 14 Trương Văn Hiến (Ngũ Hành Sơn). Chúng tôi tức tốc có mặt tại hiện trường, ghi nhận lực lượng điều tra thuộc Phòng CSHS, Phòng Kỹ thuật Hình sự và CAQ Ngũ Hành Sơn đang khám nghiệm, truy thu dấu vết, vật chứng phục vụ công tác đấu tranh.
Thời điểm này đại dịch Covid-19 đang bắt đầu bùng phát mạnh ở Vũ Hán (Trung Quốc), trong khi đó cả hung thủ và nạn nhân cùng những người liên quan trực tiếp đến vụ án (bạn gái hung thủ) đều là du khách Trung Quốc đăng ký du lịch tại Đà Nẵng. Biết là hạn chế tiếp xúc với du khách nước ngoài đến từ vùng dịch, song vì yêu cầu nhiệm vụ, từ trưa đến tận chiều tối 7-2, chúng tôi tiếp xúc gần với hiện trường, nghi can Tiêu Quý Bình cùng bạn gái của Bình. Đáng sợ nhất là lúc ghi hình cận cảnh tử thi bị phân ra làm nhiều mảnh, ném xuống sông... làm chúng tôi ám ảnh mãi. Mặc dù không nói ra nhưng trong lòng chúng tôi canh cánh nỗi lo, ngộ nhỡ bị lây nhiễm bệnh Covid-19 từ hiện trường tác nghiệp thì không chỉ ảnh hưởng bản thân, gia đình mà còn cả đơn vị. Rất may là mọi chuyện sau đó bình yên...
Mệt lắm nhưng vui nhiều
Năm 2013, tôi có chuyến công tác về Đồn biên phòng Đắc Pring (H.Nam Giang) và được CBCS nơi đây đưa đi thực tế tại Làng Pêtapooc thuộc vùng biên giới giáp Lào. Đời sống của bà con nơi đây không điện, đường, trường, trạm, hết sức khó khăn. Sau chuyến đi, chúng tôi thực hiện loạt bài phóng sự về vùng đất này và kêu gọi các Mạnh Thường Quân ủng hộ, giúp đỡ. Năm 2014, Cty Cổ phần Gas miền Trung đứng ra đăng cai, kêu gọi các đối tác quyên góp kinh phí, mua nhu yếu phẩm mang lên tặng cho bà con Pêtapooc.
Chuyến đi này, tôi làm quen với anh Phạm Thanh Tùng, lúc đấy là Giám đốc Cty xây dựng Điện Bàn, tiền thân của Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Saiko bây giờ. Tôi trực tiếp sử dụng xe máy chở anh Tùng vào tận làng Pêtapooc và suốt chặng đường đi, chúng tôi lên ý tưởng về chương trình thiện nguyện thường niên. Năm 2015, anh Phạm Thanh Tùng cùng chị Lê Thiều Hạnh là Giám đốc Cty Con đường giáo dục (Edupath) vận động các Mạnh Thường Quân tổ chức chuyến từ thiện, trao xe đạp cho các em học sinh ở H.Tây Giang (Quảng Nam).
Sau chuyến đi này, chúng tôi đề xuất với lãnh đạo Báo Công an TP Đà Nẵng giao trực tiếp cho Chi hội Phụ nữ đơn vị tham gia chương trình. Hằng năm, với chủ đề “Tiếp sức đến trường”, đúng vào dịp chuẩn bị cho năm học mới, thông qua địa chỉ do Báo Công an TP Đà Nẵng giới thiệu, anh Phạm Thanh Tùng, chị Lê Thiều Hạnh lại cùng nhiều anh chị em khác quyên góp kinh phí khoảng trên 100 triệu đồng, mua sắm vật dụng học tập, trao tận tay cho các em học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở vùng sâu, vùng xa.
Năm 2016, chương trình đến với các em học sinh Trường THCS dân tộc nội trú Đắc Pring – Đắc Pre (H.Nam Giang). Năm 2017, tổ chức phát quà cho các em học sinh trường Tiểu học Hướng Linh (H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Năm 2018, quay trở lại H.Nam Giang, chúng tôi tặng quà cho học sinh Trường PTDT bán trú Laêê và Chơ Chun. Năm 2019, chương trình đến với các em học sinh Trường Tiểu học Trà Thanh (H. Tây Trà, Quảng Ngãi).
Đó cũng là những lúc lòng chúng tôi ấm lại, sau những lần dấn thân vào chốn tiềm ẩn hiểm nguy.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_227794_xanh-chin-voi-nghe.aspx