Xanh hóa bao bì: Cơ hội kèm thách thức
Xu hướng chuyển đổi sang bao bì xanh đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp trước những thách thức phải thay đổi sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.
Xu hướng không thể đảo ngược
Mục tiêu Net Zero vào năm 2050 đã đặt ra yêu cầu cấp bách về chuyển đổi xanh trong sản xuất bao bì và trong sử dụng bao bì đối với các doanh nghiệp (DN). Trong quá trình triển khai ứng dụng bao bì nhãn sinh thái, DN gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Dây chuyền sản xuất bao bì thực phẩm. Ảnh: P.A
Bà Nguyễn Như Hảo - đại diện Phòng Giải pháp bao bì của Công ty TNHH Rieckermann Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, bao bì nhựa dự kiến sẽ tăng từ 10,07 triệu tấn (năm 2023) lên 15,09 triệu tấn (năm 2028), với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAG0R) là 8,44%. Trên thực tế, người tiêu dùng với nhận thức ngày càng cao, quan tâm đến vấn đề môi trường. Qua khảo sát cho thấy, hiện có hơn 41% người tiêu dùng sẵn lòng ưu tiên sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường. 57% sẵn sàng chi trả nếu giá không quá chênh lệch so với sản phẩm thông thường.
Nhận định về tính cấp thiết cũng như lợi ích của các giải pháp giảm phát thải, phát triển ngành bao bì xanh, bà Hảo cho rằng sẽ giúp DN giảm chi phí vận hành, tăng hiệu năng sản xuất, giảm phát thải carbon và giảm thiểu rủi ro đến từ việc phát thải. Giải pháp này cũng sẽ giúp DN giảm rủi ro pháp lý, tăng lợi thế cạnh tranh, đặc biệt ở thị trường xuất khẩu.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh Anh Tú - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình cho biết, ngành bao bì phát triển nhanh với tốc độ trung bình 15 - 20% mỗi năm. Theo đó, lượng rác thải bao bì tăng nhanh đã gây ra áp lực lên môi trường. Đây chính là yêu cầu cấp bách về chuyển đổi xanh trong sản xuất bao bì và trong sử dụng bao bì.
Về lợi ích môi trường, việc chuyển đổi xanh trong sản xuất bao bì sẽ giúp giảm lượng chất thải rắn, ngăn chặn ô nhiễm đất và nước, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Cùng với đó, giảm áp lực lên các bãi chôn lấp rác; giảm rác thải nhựa khó phân hủy; bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên; đồng thời giúp tái chế và tái sử dụng vật liệu hạn chế khai thác tài nguyên mới…
Về lợi ích kinh tế, sẽ giúp DN giảm chi phí xử lý rác thải nhờ khả năng tự phân hủy hoặc tái chế hiệu quả của sản phẩm; giảm các loại phí môi trường liên quan. Đồng thời, mở rộng thị trườngvà cơ hội xuất khẩu đặc biệt sang các quốc gia có tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt.
Theo ông Lương Xuân Dũng - Chánh văn phòng Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam, phát triển ngành bao bì xanh không chỉ giúp DN đáp ứng quy định môi trường mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh dài hạn. Công nghệ bao bì tái chế và đóng gói thông minh đang trở thành xu hướng không thể đảo ngược trên thị trường. Xanh hóa ngành bao bì là một bước tiến quan trọng, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích to lớn cho DN và cộng đồng.
Chú trọng giải pháp công nghệ để giảm giá thành
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các sản phẩm tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như sản phẩm xuất khẩu, ngoài quan tâm đến chất lượng, người tiêu dùng cũng đặc biệt quan tâm tới mẫu mã, bao bì sản phẩm an toàn, tuân thủ những quy định tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới. Điều này khiến DN cần phải đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái tạo cũng như áp dụng nhiều giải pháp khác nhau trong sản xuất bao bì. Điều này đòi hỏi DN phải đầu tư vốn, thời gian, công sức và nâng cao trình độ nhân lực.
Dưới góc độ DN, ông Hoàng Minh Anh Tú chia sẻ, đối mặt với những thách thức, kèm khó khăn khi thực hiện giải pháp giảm phát thải, phát triển ngành bao bì xanh, hiện nhiều DN cũng cần chuyển giao công nghệ sản xuất xanh với mục tiêu giảm giá thành bao bì. Bên cạnh đó, triển khai các chương trình đào tạo và tập huấn, đào tạo kỹ thuật viên, tập huấn nhân viên DN.
Cùng với đó, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất nhãn sinh thái và tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu công nghệ từ các nước phát triển; học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Trong khi đó, đối với người tiêu dùng, cần nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các chương trình truyền thông, giáo dục và quảng bá rộng rãi; đẩy mạnh chương trình sống xanh với việc sử dụng bao bì nhãn sinh thái hoặc khuyến khích tái chế và ưu tiên các sản phẩm xanh trong các chương trình kích cầu.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xanh-hoa-bao-bi-co-hoi-kem-thach-thuc-10303938.html