'Xanh hóa' bất động sản đang gây hiệu ứng tốt trong hoạt bán lẻ
Theo ông Tom Whittington - Giám đốc Nghiên cứu bán lẻ Savills Anh Quốc phân tích, Savills ghi nhận ngày càng nhiều chủ đầu tư trên khắp thế giới đang đưa ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đang trở thành yếu tố trung tâm trong chiến lược của họ. Các nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sự bền vững.
Nếu không thể hiện được sự tích cực trong việc thực hiện các hoạt động ESG, giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong tương lai, các doanh nghiệp không đặt ESG là vấn đề ưu tiên có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và nhóm người dùng cuối, từ đó gây kìm hãm sự tăng trưởng.
Nhiều chủ trung tâm bán lẻ lớn cũng thừa nhận các dự án đảm bảo tiêu chuẩn bền vững hoạt động tốt hơn tài sản thông thường. Thị trường có thể bắt đầu thấy chi phí Green Premium tăng trong những năm tới (chi phí dành cho những giải pháp công nghệ xanh thay vì những giải pháp thông thường với mức khí thải cao), và việc này có thể tác động lớn đến những mặt bằng có nhu cầu thuê thấp và không đạt những tiêu chuẩn về môi trường.
Theo ông Tom Whittington, có một mối tương quan chặt chẽ của các bất động sản chịu thách thức về tài chính và yếu tố môi trường khi được cân nhắc về giá trị đầu tư. Chính vì vậy, các chủ đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa chi phí thực hiện và sức ép tài chính nếu không hành động, trong khi những dự án không thay đổi có khả năng bị bỏ lại phía sau.
Nâng cao giá trị bất động sản
Vậy câu hỏi đặt ra với các dự án bán lẻ cũ là làm thế nào để nhận được những đánh giá tích cực các nhà đầu tư và người tiêu dùng? Chuyên gia Nghiên cứu Bán lẻ Savills chỉ ra 4 giải pháp cho các chủ nhà.
“Mục tiêu quan trọng nhất cần thực hiện là giảm mức tiêu thụ năng lượng. Việc giảm 20% năng lượng tiêu thụ tương đương với tăng 5% tổng doanh thu nên đây có thể xem là một mũi tên trúng hai đích, vừa có lợi về mặt tài chính vừa có những tác động tích cực lên môi trường”, ông Tom Whittington phân tích. Ông cũng khuyến nghị các chủ nhà nên tìm đến những nguồn cung ứng/sản xuất năng lượng sạch hơn để có thể tạo ra sự khác biệt. Rất nhiều tòa nhà bán lẻ hiện nay có mô hình xây dựng phù hợp với việc sử dụng điện năng lượng mặt trời.
Thứ hai, mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những nguyên tắc mới và quan trọng nhất cho doanh nghiệp trong tạo việc tạo môi trường xây dựng (built environment). Những trung tâm bán lẻ cần linh hoạt và chủ động hơn trong việc tìm kiếm vật liệu thay thế, tái sử dụng cũng như ứng dụng các phương pháp xây dựng giúp giảm lượng phát thải carbon và kéo dài tuổi thọ của công trình. Việc tái sử dụng những không gian bán lẻ không phù hợp hoặc phát triển các dự án mới có thể được thực hiện một cách kết hợp.
Thứ ba, vị chuyên gia nhấn mạnh mỗi không gian bán lẻ không nhất thiết “chỉ dành cho bán lẻ” mà cần có nhiều mục đích sử dụng khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, người lao động cũng như dân cư của khu vực đó. Vận hành đa mục đích giúp tăng sự bền vững, doanh thu ổn định cũng như nhiều không gian hấp dẫn.
Thứ tư, bất động sản bán lẻ khu trung tâm đô thị lớn mang lợi ích đặc biệt trong việc nâng cao giá trị xã hội và có tác động tích cực trong việc thúc đẩy người tiêu dùng trung thành. Các sáng kiến về xã hội và môi trường không bị tách biệt và được áp dụng hiệu quả nhất khi được thực hiện đồng thời.
Tầm nhìn hướng nhanh về phía trước
“Chuyển đổi mục đích sử dụng, cải tạo và phát triển các dự án bán lẻ mới đều là cơ hội tạo ra những không gian bền vững và có sức ảnh hưởng lớn trong tương lai. Nhiều minh chứng cho thấy việc có tầm nhìn xây dựng bất động sản hướng về xã hội và “xanh” hơn sẽ tạo nên những không gian tốt hơn, giúp người tiêu dùng trung thành và tự hào hơn khi sử dụng”, ông Tom Whittington nói.
Dẫn chứng về nhận định này, ông lấy dẫn chứng về Trung tâm mua sắm Funan ở Singapore được phát triển đa mục đích sử dụng với kết quả vận hành ấn tượng. Funan có không gian phục vụ bán lẻ, sinh hoạt, làm việc và các hoạt động cộng đồng. Bên cạnh đó, dự án này cũng được áp dụng nhiều biện pháp xanh trong thiết kế để giảm phát thải carbon, tái tạo năng lượng, thúc đẩy đa dạng sinh học, giao thông bền vững, hệ thống mái xanh (Green roofs) và sản xuất lương thực đô thị.
Một số doanh nghiệp cũng đã đưa ra những lựa chọn táo bạo để thay đổi như Trung tâm mua sắm Castlegate ở Stockton, Anh. Dự án này đã được chuyển đổi thành một công viên công cộng. Điều này cho thấy khi sự thay đổi mục đích sử dụng của các trung tâm bán lẻ tại đô thị lớn, đưa những lựa chọn phi bán lẻ (non-retail uses) vào dự án. Việc cải thiện các khía cạnh xã hội và môi trường trong bất động sản sẽ giúp thu hút người dân và góp phần thúc đẩy những giá trị về kinh tế khác.
Theo quan sát của Savills về thực tế ở nhiều thị trường trên thế giới, chương trình nghị sự về môi trường vẫn chưa được coi là ưu tiên đầy đủ trên con đường tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tương lai của đầu tư và phát triển bán lẻ tốt là nhận ra rằng sự bền vững về kinh tế và môi trường không phải là hai mục tiêu khác nhau mà là hai mặt của cùng một đồng tiền. Những nơi có cả hai mục tiêu lần lượt sẽ được cộng đồng và người tiêu dùng đón nhận, nhu cầu về khách thuê từ đó sẽ được kéo theo. Do đó, điều này cũng có lợi cho chủ sở hữu và các bên liên quan.
Tại thị trường Việt Nam, chuyên gia Savills Việt Nam đánh giá các dự án bán lẻ vẫn chưa quá được chủ đầu tư chú trọng về các yếu tố ESG, song nhiều tiện ích về không gian xanh cũng được bố trí trong thiết kế để khách hàng trải nghiệm khi mua sắm. Mặc dù vậy, ở phân khúc bất động sản văn phòng và khu công nghiệp trong những năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu đã cung cấp cho thị trường nhiều dự án đạt tiêu chuẩn xanh, đáp ứng những yêu cầu của khách thuê. Trong bối cảnh đó, các nhà phát triển nội địa cũng đang theo đuổi các tiêu chuẩn này để hướng đến các dự án văn phòng hạng A.
“Dù chúng ta nhìn nhận vấn đề theo cách nào, chi phí của việc không hành động sẽ là gánh nặng tài chính và môi trường lớn hơn trong tương lai. Người mua sắm và cộng đồng thích không gian xanh hơn, sạch hơn và họ sẽ trung thành hơn khi các cải tiến về giá trị xã hội và môi trường được thực hiện. Nếu chúng ta muốn tạo ra các địa điểm bán lẻ và trung tâm thành phố bền vững và dễ đầu tư hơn thì việc phát triển thông qua cả ESG là điều không thể thiếu. Điều này đòi hỏi các chủ đầu tư cần nhìn nhận qua lăng kính của người tiêu dùng, đồng thời tương tác với khách thuê và các nhà hoạch định chính sách để đảm bảo tầm nhìn chung của các bên liên quan”, Giám đốc Nghiên cứu bán lẻ Savills Anh Quốc kết luận.
“Xanh hóa” bất động sản ở Hà Nội đang ở mức nào?
Theo tìm hiểu được biết, tỷ lệ cây xanh trên đầu người chỉ đạt hơn 4 m²/người. Đặc biệt, tại các quận trung tâm của TP Hà Nội, tỷ lệ cây xanh còn thấp hơn, ở mức 0,9 m²/người, trong khi mục tiêu là 7 m²/người. Môi trường sống dần trở nên ngột ngạt, tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động ở các thành phố lớn khiến cho nhiều người dân có nhu cầu di chuyển về các khu đô thị xanh để tận hưởng cuộc sống trong lành.
Mảng xanh đô thị trở thành yếu tố thu hút khách hàng của các dự bất động sản. Thước đo giá trị cuộc sống đối với nhiều người không còn nằm ở tiện nghi cao cấp, phố phường tấp nập mà đang dần thay đổi sang tiêu chí có thể cảm nhận được những phút giây thư thái trong không gian tươi mát và hưởng trọn bầu không khí trong lành.
Theo nhiều chuyên gia đánh giá, sống gần thiên nhiên sẽ giúp cải thiện được sức khỏe. Điển hình, với những nhà gần sông, hồ sẽ có tác dụng thanh lọc không khí, dòng nước còn giúp giảm tiếng ồn, bụi bẩn, giảm những xung sát từ xe cộ qua lại, hài hòa giữa cảnh quan nhà cửa lẫn cảnh quan du lịch. Hơn thế, xét về khía cạnh phong thủy, nước là một trong năm yếu tố mang lại nguồn năng lượng sống tích cực.
Với những ngôi nhà, tòa nhà ở gần sông, cạnh hồ sẽ được tạo sinh khí tốt lành, thuận đường phát triển, sức khỏe, may mắn. Về lâu dài, đây có thể là xu hướng mới đủ sức định hình lại cuộc chơi trên thị trường, được dự báo sẽ “thống lĩnh” thị trường bất động sản trong tương lai, hướng đến sự phát triển bền vững và sinh lời dài hạn cho chủ đầu tư, khách hàng và xã hội.
Với những lợi ích, giá trị bất động sản xanh mang lại, hiện nay, người mua nhà và giới đầu tư bất động sản tại Việt Nam có xu hướng tìm kiếm bất động sản gần sông, núi, biển để sinh sống và đầu tư. Tuy nhiên, ở các thành phố trung tâm như Hà Nội, TP HCM, vị trí này rất hiếm, hoặc xa trung tâm thì đã quá chật chội với nhiều dự án bất động sản, khiến loại hình này cũng trở thành hàng hiếm, tăng vọt giá. Số lượng giới hạn là lý do khiến các dự án cận thiên nhiên này luôn được thị trường đón nhận, chờ đợi. Dung hòa được các yếu tố về vị trí - không gian sống - tầm nhìn hướng thiên nhiên sẽ là một điểm sáng cho các nhà đầu tư thành công.
Cùng với đó, việc xây dựng một công trình xanh yêu cầu chi phí đầu tư khá lớn, quy trình và thủ tục thiết kế thẩm định, phê duyệt, thi công khá phức tạp cũng như mất nhiều thời gian, công sức, khiến các chủ đầu tư e ngại. Do vậy, để phát triển sản phẩm bất động sản xanh đòi hỏi chủ đầu tư phải có tâm, có tầm, đủ tiềm lực và tầm nhìn kiên định với con đường phát triển bền vững này.