'Xanh hóa' chuỗi cung ứng để không bị loại khỏi cuộc chơi
Từ ngày 17-18/9/2024, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo tập huấn về các lĩnh vực mới trong thương mại cho các tổ chức hỗ trợ kinh doanh.
Hội thảo tập huấn về các lĩnh vực mới trong thương mại cho các tổ chức hỗ trợ kinh doanh nằm trong khuôn khổ Hợp phần 3, Dự án Chính sách thương mại và Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ (gọi tắt là Dự án SwissTrade), được tổ chức nhằm cung cấp thông tin và nâng cao năng lực cho các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương, các hiệp hội ngành hàng và các tổ chức hỗ trợ kinh doanh nói chung về các chính sách, quy định liên quan tới thương mại xanh, chuyển đổi xanh và bền vững.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng đại diện các Sở Công Thương, các Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch của các địa phương, các hiệp hội ngành hàng và các tổ chức hỗ trợ kinh doanh được nhận tài trợ từ Chương trình Hỗ trợ đổi mới và cạnh tranh, Hợp phần 3, Dự án SwissTrade.
"Xanh hóa" đang trở thành xu hướng
Phát biểu Khai mạc tại Hội thảo, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, những ngày vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sức tàn phá kinh hoàng của siêu bão Yagi, cùng những tổn thất hết sức nặng nề do ảnh hưởng của bão lũ. Các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn đang phải oằn mình chống chọi với tình trạng ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất, gây ra những thiệt hại hết sức to lớn về người và của. Chúng ta đều biết rõ rằng nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng thời tiết cực đoan này là do biến đổi khí hậu, trong đó tác nhân lớn nhất chính là các hoạt động của con người.
Bên cạnh biến đổi khí hậu, toàn cầu cũng đang chứng kiến cuộc khủng hoảng về ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học, đe dọa đời sống của con người và mọi sinh vật trên trái đất. Để giảm thiểu những tác động này, tăng trưởng xanh, phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực thích ứng của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon và phát triển bền vững.
“Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh được xem là chìa khóa đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 - 2030, tạo đà cho Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đảm bảo tính bền vững.” - ông Hoàng Minhng mại cho các tổ chức Chiến nhấn mạnh và cho biết thêm, xu hướng này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về phát triển bền vững trong thương mại và đầu tư toàn cầu.
Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, như: chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM); Quy định chống phá rừng Châu Âu (EU Deforestation-free Regulations - EUDR); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan); Đạo luật cạnh tranh sạch của Mỹ; cũng như các điều khoản trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
"Xanh hóa" để không bị loại khỏi cuộc chơi
Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến, là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, hơn lúc nào hết, Việt Nam phải quan tâm tới vấn đề xanh hóa chuỗi cung ứng và thương mại để tránh bị loại khỏi cuộc chơi do không đáp ứng các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội của các thị trường nhập khẩu, bảo đảm phát triển xuất khẩu bền vững và đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh trên toàn cầu.
Thời gian qua, Bộ Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, đã và đang nỗ lực định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm thải carbon, nghiên cứu ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sản xuất sạch hơn, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Trong đó, Cục Xúc tiến thương mại - đơn vị được giao là đầu mối đã thường xuyên triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức chuỗi hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng theo chủ đề giữa Bộ Công Thương, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm trao đổi thông tin, cập nhật các thông tin mới nhất về quy định của quốc tế, chính sách pháp luật quốc gia nhập khẩu, đặc biệt là các quy định liên quan tới thương mại xanh và bền vững.
Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) từ năm 2022 đến nay định hàng năm đều tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) nhằm các mục tiêu:
(i) thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững, kế hoạch quốc gia về chuyển đổi năng lượng, quản lý rủi ro khí hậu nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030;
(ii) tiếp tục khẳng định các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP 26,27,28;
(iii) kết nối, thúc đẩy đầu tư, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Châu Âu, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế Việt Nam xanh, bền vững thông qua việc chia sẻ sáng kiến, ý tưởng và chuyển giao công nghệ;
(iv) cung cấp những kiến thức và nguồn lực cần thiết giúp cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh nhằm đáp ứng và thích ứng với các tiêu chuẩn toàn cầu đang ngày càng phát triển.
Tại Hội thảo, các diễn giả là chuyên gia hàng đầu về chính sách, quy định và thông lệ quốc tế về thương mại xanh, chuyển đổi xanh và bền vững từ các Bộ ngành liên quan, cũng như chuyên gia quốc tế đến từ Trung tâm Thương mại quốc tế tại Geneva sẽ cung cấp thông tin về các quy định thương mại xanh và bền vững tại các thị trường phát triển, đặc biệt là các quy định về giảm phát thải khí nhà kính, các chính sách, tiêu chuẩn sản phẩm xanh, các tiêu chuẩn bền vững tự nguyện; từ đó nhận thức được những thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Các đại biểu tham dự cũng có cơ hội thảo luận, trao đổi với các chuyên gia về những thách thức và cơ hội của doanh nghiệp khi tham gia tiến trình chuyển đổi xanh, cũng như trong việc tiếp cận các thị trường nhập khẩu phát triển với tiêu chuẩn ngày càng cao về môi trường và xã hội.
“Hội thảo tập huấn sẽ góp phần giúp các cơ quan xúc tiến thương mại, các hiệp hội ngành hàng và tổ chức hỗ trợ kinh doanh nâng cao hiểu biết về các lĩnh vực mới trong thương mại, từ đó có thể thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao nhận thức, năng lực trong quá trình phát triển và sản xuất kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu và yêu cầu của các nhà mua hàng quốc tế; qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp vào mục tiêu chung của Dự án SwissTrade và công cuộc phát triển bền vững của Việt Nam.” - Đại diện Cục Xúc tiến thương mại kỳ vọng.