'Xanh hóa' môi trường vùng than
Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, các đơn vị thuộc ngành than, đặc biệt là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cải thiện môi trường mỗi năm, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ 'nâu' sang 'xanh' toàn diện và hiệu quả.
Phủ xanh núi thải mỏ
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh đang có 59 dự án khai thác than đang hoạt động và 6 bãi thải lớn của ngành than, mỗi năm đổ thải khoảng từ 250 - 300 triệu m3 đất đá tại các mỏ lộ thiên và khoảng gần 1,3 triệu m3 xít thải của nhà máy tuyển than…, tạo nên những “núi” đất đá thải lớn như: Cọc Sáu cao 280m, Nam Đèo Nai cao 200m, Đông Cao Sơn cao 300m, Đông Bắc Bàng Nâu cao 150m và Núi Béo cao 240m…
Triển khai Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, TKV đã trồng cây phủ xanh trên 1.825ha tại các bãi thải: Chính Bắc Núi Béo, Nam Khe Tam - Đông Khe Sim, Đông Cao Sơn... Để đẩy nhanh thời gian phủ xanh, TKV đã triển khai giải pháp trồng cây với mật độ cao (trồng trên 5.000 cây/ha tại nhiều bãi thải), gấp đôi so với yêu cầu 2.500 cây/ha, giảm thời gian phủ xanh nhanh bãi thải mỏ từ 5 - 6 năm xuống còn 3 - 4 năm.
TKV đã xây dựng bổ sung 5 đập lớn và 1.200m đê chắn đất, đá tại chân bãi thải, xây dựng 12 hồ lắng đầu nguồn suối thoát nước, nạo vét thường xuyên hệ thống sông, suối thoát nước thải, giảm thiểu đất đá bồi lấp, nhằm đảm bảo an toàn, ngăn ngừa tình trạng ngập lụt tại các khu dân cư.
Đầu tư lớn cho sản xuất sạch hơn
Đi cùng với nỗ lực “xanh hóa” các “núi” thải mỏ, giai đoạn 2016 - 2020, TKV đã đầu tư hơn 4,8 nghìn tỷ đồng cho sản xuất than bảo đảm sạch hơn. Theo đó, để xử lý triệt để lượng nước thải mỏ phát sinh trong quá trình khai thác thải ra môi trường, TKV đã tập trung đầu tư cho các đơn vị thành viên xây dựng và đưa vào vận hành 47 trạm xử lý nước thải mỏ với công suất xử lý trên 120 triệu m3/năm; chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu tái sử dụng nước thải mỏ, phục vụ sinh hoạt, cải thiện hơn nữa môi trường sinh thái, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước.
Đến nay, các đơn vị thành viên TKV đã đầu tư lắp đặt hơn 30 máy phun sương dập bụi cao áp tại tất cả các vị trí trọng yếu; hoàn thành 11 công trình giảm thiểu bụi ồn; đưa vào sử dụng 8 tuyến băng tải vận tải than từ khai trường khai thác ra các cảng tiêu thụ, cơ bản chấm dứt vận chuyển than bằng ôtô trên các tuyến đường quốc lộ; dừng hoạt động đối với 5 công trình sản xuất chế biến, tiêu thụ than nằm trong các khu đô thị. Nhờ đó, đã giảm thiểu đáng kể lượng bụi phát tán trong quá trình sản xuất. TKV đã hoàn thành 57 hệ thống quan trắc môi trường tự động tại Quảng Ninh, nên lượng nước thải, khí thải ra môi trường được kiểm soát tốt hơn.
Để hướng tới ngành công nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn, ông Nguyễn Mạnh Điệp - Phó giám đốc Trung tâm Điều hành sản xuất của TKV tại Quảng Ninh - cho biết, bên cạnh tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường đã thực hiện thời gian qua, TKV sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại; cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng mức độ an toàn, sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm phát thải ra môi trường. TKV sẽ đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất theo hướng đồng bộ, tự động hóa, xanh - sạch - đẹp hòa nhập với cảnh quan môi trường chung trong khu vực và xu thế phát triển xanh của các địa phương.
TKV tập trung đầu tư các mỏ, nhà máy mới có công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát thải thấp; cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất hiện có, đảm bảo tiêu chí “hiện đại - ít người - xanh - sạch - đẹp” và thực hiện mục tiêu đưa “công viên” vào trong mỏ, nhà máy…
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xanh-hoa-moi-truong-vung-than-168526.html