'Xanh' hóa nền kinh tế, nên bắt đầu như thế nào?
Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng lộ trình xây dựng nền kinh tế xanh nên được bắt đầu từ việc đồng bộ thực hiện xanh hóa hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu dùng và hậu tiêu dùng.
Xu thế tăng trưởng xanh trở thành một lựa chọn tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới. Đây là cách tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế – xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, đây vẫn là mục tiêu khó đối với Việt Nam.
Chặng đường dài tiến tới mục tiêu tăng trưởng xanh
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng hiện tồn tại khoảng cách rất xa giữa quyết tâm và việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh do lộ trình thực hiện chưa cụ thể để đạt được những mục tiêu ngắn hạn, chưa nói đến mục tiêu dài hạn.
“Chúng ta đã cam kết trong COP26 là năm 2050 Việt Nam phát thải bằng 0. Thế thì lộ trình dài hạn đến năm 2050, trung hạn là đến năm bao nhiêu, ngắn hạn từng năm là như thế nào? Theo tôi, chúng ta phải xây dựng lộ trình cụ thể và chúng ta đạt được lộ trình đó thì mới có thể giải quyết được”, ông Toàn nêu vấn đề.
Cũng theo ông Toàn, chỉ có 5% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là doanh nghiệp công nghệ cao, 15% là công nghệ lạc hậu, 8% là công nghệ trung bình trước năm 2021, theo báo cáo về các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Đây là con số đáng báo động. Đấy là chỉ số lũy tiến từ thời chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá và thậm chí chưa quan tâm nhiều đến môi trường; thu hút nước ngoài chỉ cần vốn, giải quyết lao động, chỉ cần có xuất khẩu”, ông Toàn nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), khẳng định Việt Nam cần có lộ trình để triển khai tăng trưởng xanh trong bối cảnh khó đoán định.
“Việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh càng khó khăn hơn, nhất là chúng ta là nước đang phát triển”, ông Vinh nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho biết mục tiêu tăng trưởng xanh là mục tiêu khó khi số lượng doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam và tăng trưởng xanh chưa nhiều.
Thực tế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước mới đầu tư khoảng 9 tỉ đô la Mỹ vào các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng – phát triển xanh như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, hay đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh – chiếm khoảng 2% GDP, theo ông Tuấn. Trong khi đó, Bộ KHĐT và Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) ước tính nguồn vốn mà Việt Nam cần để hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon lên tới 900 tỉ đô la đến năm 2050.
Đáng lưu ý, trước khi Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đã trải qua một giai đoạn dài thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, thậm chí chưa quan tâm nhiều đến môi trường, tức là thu hút nước ngoài chỉ cần vốn, giải quyết lao động và xuất khẩu. Ngoài ra, sự tăng trưởng nhanh về vốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh, với mức bình quân 10-13% một năm, mới chỉ diễn ra 2 năm gần đây.
Xây dựng tư duy kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết Bộ KHĐT đã chủ động tham mưu trình Chính phủ, cũng như phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phục vụ phát triển xanh. Hiện đã có Chiến lược tăng trưởng xanh, kế hoạch hành động. Những nội dung này cũng được lồng ghép trong các quy hoạch chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương để thực hiện.
Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ, theo ông Tuấn. “Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đảm bảo rằng khung khổ pháp lý thực sự thuận lợi, có tính khuyến khích. Trong đó, chúng ta cũng tìm ra cơ chế chính sách ưu đãi thiết thực, đúng và trúng để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thay đổi nhận thức và thực hiện một cách có hiệu quả trong việc sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Văn Toàn lưu ý ba vấn đề khi xây dựng và triển khai chiến lược tăng trưởng xanh.
Thứ nhất, phải đặt vấn đề tăng trưởng xanh trong hoàn cảnh cụ thể của quốc gia để đưa ra các chính sách.
“Đây là yếu tố hết sức quan trọng. Hoàn cảnh cụ thể là gì, là trình độ phát triển của quốc gia đó, nguồn lực của quốc gia đó gồm nguồn lực về con người, nguồn lực về khoa học, nguồn lực về tự nhiên như gió, mặt trời… rồi các nguồn lực tổng lực khác”, ông Toàn nói.
Thứ hai, muốn xây dựng tăng trưởng xanh thì phải có chiến lược và lộ trình.
Thứ ba, hiện thực hóa các chiến lược, lộ trình đó bằng những chính sách cụ thể, kế hoạch cụ thể, tiêu chí cụ thể. Chẳng hạn, với lĩnh vực năng lượng thì yếu tố đầu tiên cần lưu ý là năng lượng đó phải tạo ít phát thải. Ngoài ra, phải tiết kiệm tất cả chi phí trong quá trình tạo ra năng lượng và có các tiêu chuẩn về tiêu thụ năng lượng trong khâu sản xuất và khâu tiêu dùng.
“Về nông nghiệp, khi sản xuất nông nghiệp thì không phát thải, phát thải ít, hạn chế. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp, trồng rừng để hấp thụ phát thải cũng là vấn đề đặt ra trên bình diện như vậy. Vừa rồi Liên minh châu Âu không chấp nhận những sản phẩm nông nghiệp ở những quốc gia ảnh hưởng đến phát triển rừng tự nhiên. Đó là cái quốc gia nào cũng làm rất kỹ”, ông Toàn lưu ý.
Bên cạnh những khuyến nghị trên, ông Toàn cũng mong muốn các bên tham khảo thêm kinh nghiệm, thông tin từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiên tiến trong phát triển xanh.
Dưới góc độ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng vai trò của doanh nghiệp trong việc triển khai các chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững là rất quan trọng.
Cụ thể, đây là lúc cộng đồng doanh nghiệp cần phải nhìn lại, soi mình vào những chiến lược, đặc biệt là chiến lược tăng trưởng xanh, để định vị lại giá trị của mình. “Không chỉ là vai trò, mà chính là doanh nghiệp tạo ra những giá trị gia tăng như thế nào trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh. Đây là lúc doanh nghiệp cần phải đưa ra những giá trị mới để đáp ứng được những nhu cầu mới, nhu cầu phát triển xanh và bền vững, phát triển bao trùm”, ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng là đúng nhưng chưa đủ. Theo đó, phải chuyển đổi tư duy từ kinh doanh truyền thống vị lợi nhuận sang kinh doanh bao trùm hơn, bền vững hơn.
“Kinh doanh tạo ra những giá trị mới không chỉ về kinh tế, mà kinh doanh còn tạo ra những giá trị nhân bản về mặt xã hội và kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường. Đó chính là những giá trị mới trong thế kỷ 21 này”, ông Vinh nhấn mạnh.
Đề xuất giải pháp cho doanh nghiệp, ông Toàn cho rằng phải xanh hóa từ khâu sản xuất, lưu thông, tiêu dùng và cuối cùng là hậu tiêu dùng. Đặc biệt, phải thực hiện đồng bộ tất cả các khâu, thay vì chỉ thực hiện một khâu, mới đạt mục tiêu tăng trưởng xanh.
“Chính phủ đã có những chính sách rất tốt, nhưng vấn đề là phải có kế hoạch vận hành từ tỉnh, huyện, xã và kế hoạch vận hành từ doanh nghiệp. Muốn năm 2050 phát thải bằng 0 thì tất cả doanh nghiệp cũng phải có mục tiêu như vậy, chứ không phải chỉ có mục tiêu quốc gia, mục tiêu chung chung mà không phải mục tiêu của doanh nghiệp”, ông Toàn lưu ý.
Thực tế, trong khuôn khổ hội nghị Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam, đại diện SK Group (Hàn Quốc) cho biết doanh nghiệp đang tính chuyện đầu tư lớn vào Việt Nam thông qua dự án sản xuất khí hydrogen – loại khí sạch đang được các quốc gia ưu tiên để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh.
Trước đó, SK Ecoplant, thành viên của SK Group, đã hợp tác cùng Nami Solar là đơn vị thành viên của Nami Energy để lập liên doanh để phát triển 250 MWp điện mặt trời mái nhà, với tổng mức đầu tư 200 triệu đô la vào năm 2022. Các giải pháp điện mặt trời phân tán do liên doanh này cung cấp được kỳ vọng là các biện pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu năng lượng xanh, cũng như tiết kiệm chi phí năng lượng.
Đại diện SK Group cũng khuyến nghị Việt Nam chuyển đổi sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và cân bằng carbon.
Ông Chris Hogg, Phó chủ tịch – Giám đốc Bền vững và Truyền thông khu vực châu Á, châu Đại Dương và châu Phi của Tập đoàn Nestlé, cho biết doanh nghiệp cũng khuyến khích, động viên nhà nông áp dụng công nghệ về nông nghiệp tái sinh và có những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải carbon cũng như quá trình hấp thụ của khí quyển để tăng cường chất lượng của đất.
“Điều này sẽ thúc đẩy tính bền vững trong toàn bộ quá trình sản xuất, tăng năng suất lao động và có những ưu tiên đối với sức khỏe, giúp nhà nông có thể tăng năng suất, hiệu quả, đồng thời giảm thiểu sử dụng hóa chất trong sản xuất”, ông ông Chris Hogg cho biết.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng hướng các nhà máy, hệ thống các trung tâm phân phối của mình chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo những sản phẩm từ sinh khối, giảm thiểu phát thải carbon.
Với lĩnh vực nông nghiệp, ông Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng cần phối hợp đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy nông nghiệp xanh, hướng tới “Net Zero” phát thải trong nông nghiệp vào năm 2050. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tích cực hợp tác với cơ quan nước ngoài, tổ chức nghiên cứu kêu gọi tài trợ nước ngoài và chia sẻ kinh nghiệm với quốc tế.
“Cái chính hiện nay là cần thúc đẩy vấn đề tiếp cận thị trường carbon, tín dụng phù hợp cho nông nghiệp nông thôn”, ông Thế Anh nhấn mạnh.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đã tăng từ hơn 71.000 tỉ đồng lên gần 500.000 tỉ đồng giai đoạn 2015-2022. Trong 7 năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh đạt trên 700%, trung bình mỗi năm tăng gấp đôi và gấp 5 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn hiện nay. Trong đó tổng quy mô tín dụng xanh có tới gần 50% nguồn vốn tín dụng đang tập trung cho các dự án nông nghiệp xanh.
Chiến lược tăng trưởng tín dụng xanh là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể về phát triển bền vững của không ít các ngân hàng thương mại cổ phần.
Về phía cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, vị này khuyến nghị tập trung vào vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra công nghệ mang tính tiêu chuẩn về xanh, sinh thái, tuần hoàn nhưng phải phù hợp với điều kiện, nhiều loại công nghệ khác nhau để phù hợp với các hộ nông dân.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xanh-hoa-nen-kinh-te-nen-bat-dau-nhu-the-nao/