Xanh hóa những dòng kênh ở TP.HCM

Nhiều dự án cải tạo kênh rạch ở TP.HCM được thực hiện đã mang lại môi trường sống trong lành, cuộc sống của người dân được thay đổi, đồng thời góp phần tạo nên diện mạo mới cho TP.

LTS: Để chỉnh trang đô thị, những năm qua chính quyền TP.HCM đã nỗ lực rất nhiều trong quá trình xanh hóa những dòng kênh. Thành quả đó là việc nhiều dòng kênh đã trở nên trong xanh, sạch đẹp mang lại cho TP một diện mạo mới như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Tiếp nối quá trình chỉnh trang đô thị ấy, TP vừa khởi công cải tạo dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ngoài ra, TP cũng chuẩn bị cho những công trình lớn sắp tới như cải tạo rạch Xuyên Tâm…

Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị giải quyết tiêu thoát nước, chống ngập, cải tạo vệ sinh môi trường là những vấn đề cấp bách của TP.HCM. Vì vậy, TP đã thực hiện cải tạo nhiều tuyến kênh rạch. Những tuyến kênh này sau khi được cải tạo đã tạo môi trường sống trong lành, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân cũng như tạo nên một diện mạo mới cho TP.HCM.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mang lại cho TP một diện mạo mới. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mang lại cho TP một diện mạo mới. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè “thay áo mới”

Những ngày đầu tháng 4, đi dọc đường Trường Sa - Hoàng Sa ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi dọc tuyến đường hai bên bờ kênh luôn rợp bóng mát, nơi đây rất nhiều loài hoa đang rực rỡ khoe sắc. Dưới những tán hoa, những hàng cây xanh mát nhiều người dân đang vui vẻ trò chuyện, nhiều người khác lại đang cùng nhau tập thể dục buổi sáng.

Ở đây, chúng tôi gặp bà Lê Thị Phương Nga khi bà đang loay hoay tìm nhà người quen ở ven kênh. Bà Nga cho biết mình ra nước ngoài nhiều năm, giờ trở lại nhiều con đường thay đổi quá lớn, đặc biệt là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Dòng kênh được cải tạo sạch đẹp khiến bà rất đỗi ngạc nhiên.

“Cách đây nhiều năm, gia đình tôi sống cạnh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Con kênh này khi đó ô nhiễm rất nặng, có thể nói đây là dòng kênh ô nhiễm nhất TP. Nhà cửa ven hai bờ kênh lụp xụp, rác thải, chuột bọ nhiều vô kể. Hôm nay về lại TP tôi rất ngạc nhiên vì nhà cửa đã khang trang hơn, hai bờ kênh cũng được trồng rất nhiều cây xanh, có nơi cho người dân tập thể dục. Thật sự trong lòng tôi rất vui. Đường sá khang trang, đẹp đẽ và khác lạ đến mức tôi không tìm được nhà người thân” - bà Nga bồi hồi nói.

Còn bà Nguyễn Thị Thu (quận Tân Bình) đang cùng bạn bè tập thể dục tại những chiếc máy được lắp đặt dọc tuyến kênh chia sẻ: “Tôi sống cạnh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ khi dòng kênh này chưa được cải tạo. Trước đây, kênh này ô nhiễm rất nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, sau khi được TP cải tạo dòng kênh trở lên sạch đẹp, hai bên bờ kênh còn được trồng thêm rất nhiều cây xanh tạo không gian thoáng mát cho chúng tôi có một không gian để đi bộ, tập thể dục. Chúng tôi rất vui, cảm ơn TP đã tạo cho chúng tôi một môi trường sống tốt”.

Hồi sinh kênh Tân Hóa - Lò Gốm

Ngoài kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì sự hồi sinh của kênh Tân Hóa - Lò Gốm - con kênh chảy qua các quận 6, 11, Tân Bình và Tân Phú sau thời gian cải tạo không chỉ mang lại cho người dân sống ở khu vực này một cuộc sống mới mà còn mang lại sự thay đổi hoàn toàn cho diện mạo phía tây TP.HCM.

Tuyến kênh này trước đây có nguồn nước ô nhiễm trầm trọng bởi lượng rác thải lớn luôn tập kết dưới lòng kênh. Không chỉ vậy, cả khu vực này còn là “rốn ngập” bởi mỗi khi triều cường xuất hiện thì nơi đây “chìm trong biển nước” đen ngòm khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng mệt mỏi.

“Trước đây, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ có cuộc sống như bây giờ. Kênh rạch được cải tạo giúp giao thông thuận tiện, giá đất lên. Người dân xung quanh có nơi buôn bán, mang lại nguồn thu nhập nhiều hơn, cuộc sống được nâng cao” - ông Phạm Văn Hùng, một người dân ở ven kênh thuộc quận Tân Phú, nói.

Ông Trần Thúc Chương, Phó Chủ tịch UBND quận 11, cho biết từ khi kênh Tân Hóa - Lò Gốm được cải tạo đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Mỹ quan đô thị cũng được thay đổi, tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch. Theo ông Chương, kênh này đi ngang qua Công viên văn hóa Đầm Sen là điểm du lịch được nhiều người biết đến. Do vậy, khi tuyến kênh được cải tạo, đường sá được nâng cấp, mở rộng đã tạo bước ngoặt lớn, bước để chuyển mình thuận lợi trong việc phát triển du lịch của quận.

Trong 10 năm qua, huyện đã được TP quan tâm, nâng cấp, cải tạo 269 công trình thủy lợi, kênh rạch trên địa bàn. Từ đó đã góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, giảm ngập úng. Ngoài ra, việc cải tạo cũng giúp phục vụ cho đề án phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử tại ba xã: Tân Nhựt, Lê Minh Xuân và Bình Lợi giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Ông PHẠM VĂN LŨY, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh

Nhiều tuyến rạch nhánh cũng được cải tạo

Đứng cạnh con kênh trên đường Phạm Huy Thông (quận Gò Vấp), ông Nguyễn Thanh Tú (phường 7) nói: “Cách đây khoảng bảy năm, khu vực nơi chúng tôi sống cây cối mọc um tùm, nguồn nước ô nhiễm khiến cuộc sống của người dân rất khổ sở. Sau khi chính quyền địa phương lắp đặt cống hộp, làm công viên, phần còn lại xây bờ kè thì cuộc sống của người dân thay đổi rất lớn. Đoạn đường này không còn tệ nạn xã hội, tình trạng xả rác cũng giảm đi rất nhiều”.

Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết quận có năm tuyến rạch nhánh, thời gian vừa qua quận đã xin TP chấp thuận, đầu tư hoàn thiện rạch Phạm Huy Thông. Đây là tuyến rạch nối ra sông Vàm Thuật, đảm bảo được công tác chỉnh trang đô thị, tiêu thoát nước, tạo thêm đường giao thông hai bên bờ và thêm mảng xanh cho người dân. Ngoài ra, quận cũng đã có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với một số tuyến rạch nhánh trên địa bàn.

Ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cũng thông tin quận quản lý 37 tuyến kênh rạch nhỏ, có chức năng tiêu thoát nước. Thời gian qua, UBND quận đã hỗ trợ, phối hợp với sở, ngành triển khai thực hiện hai dự án cải tạo kênh rạch là dự án xây dựng hạ tầng, cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và dự án nâng cấp, cải tạo đường, kênh Nước Đen.

“Đối với các tuyến kênh rạch nhỏ do quận Bình Tân quản lý, quận đã chủ động đề xuất và được TP chấp thuận chủ trương thực hiện đầu tư, chỉnh trang cải tạo kênh rạch theo quy hoạch 14 dự án. Việc cải tạo các tuyến kênh rạch trên địa bàn quận góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực, nâng cấp, chỉnh trang đường giao thông ven kênh rộng, khang trang, sạch sẽ. Lòng kênh thông thoáng, thoát nước tốt hơn, góp phần quan trọng trong việc tiêu thoát nước, giảm ngập nước cho khu vực; thúc đẩy phát triển kinh tế, dịch vụ tại địa phương” - ông Kiên nói.

Giữ gìn dòng kênh ngày càng xanh - sạch - đẹp

Sau khi những dòng kênh được cải tạo thì việc giữ gìn để dòng kênh luôn xanh - sạch - đẹp không kém phần quan trọng. Nhiệm vụ này được thực hiện bởi Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM.

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết trong nhiều năm qua công ty không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ, luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ vớt rác trên kênh. Việc này bảo đảm toàn bộ lượng rác phát sinh trên kênh được vớt, thu gom, vận chuyển về nhà máy xử lý kịp thời, góp phần giữ gìn dòng kênh ngày càng xanh - sạch - đẹp. Bên cạnh đó, công ty thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tổng vệ sinh các khu vực có phát sinh, lưu cữu rác thải dưới chân cầu hay dọc kênh.

“Để gìn giữ dòng kênh xanh, công ty đã ra quân tuyên truyền cho người dân sống dọc hai bên bờ kênh trong các chiến dịch như Tháng Thanh niên, Kỳ nghỉ hồng, ngày Chủ nhật xanh nhằm giúp người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, không xả rác, vứt rác xuống kênh gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, công ty cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp xả rác thải, nước thải xuống kênh gây ô nhiễm môi trường” - ông Nhựt nói.

NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-song-hoi-sinh-post728173.html