'Xanh hóa' thương mại điện tử

Để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sống và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thương mại điện tử xanh đang là xu hướng tất yếu. Điều này đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, trong đó các nền tảng thương mại điện tử phải kinh doanh có trách nhiệm, với chiến lược mang tính dài hạn.

Bốc xếp hàng hóa tại kho hàng của sàn thương mại điện tử Lazada Việt Nam. Ảnh: Linh Chi

Bốc xếp hàng hóa tại kho hàng của sàn thương mại điện tử Lazada Việt Nam. Ảnh: Linh Chi

Xu thế tất yếu...

Những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh chóng, là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực cho tăng trưởng. Theo Bộ Công Thương, năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Còn theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, ước tính, số người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên chạm mốc 60 triệu USD. Giá trị mua sắm trực tuyến ước đạt 260-285 USD/người trong năm 2022.

Tuy nhiên đi liền với sự tăng trưởng đột phá, thương mại điện tử cũng gia tăng gánh nặng cho môi trường. Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, mỗi ngày các sàn thương mại điện tử vận chuyển, giao nhận hàng trăm nghìn đơn, kiện hàng, phát thải ra môi trường rất lớn, đòi hỏi phải đầu tư vào vận chuyển xanh và bao bì bền vững.

Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam đang tích cực xanh hóa, chuyển đổi sang sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường, có thể phân hủy, bao bì giấy hay bao bì có thể tái chế, đồng thời tiết giảm lượng bao bì. Cùng với đó là tối ưu hóa mạng lưới vận chuyển để cắt giảm lượng khí thải ra môi trường; quảng bá và bán các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo nghiên cứu của Google và Temasek, việc tối ưu hóa hoạt động thương mại điện tử như giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng vật liệu tái chế để đóng gói hàng hóa… sẽ góp phần cắt giảm 30-40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, người tiêu dùng cũng chuyển đổi sang tiêu dùng xanh với nhiều giải pháp linh hoạt. Chị Huỳnh Ngọc Phương, trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên chia sẻ: “Trước đây, mỗi món hàng đều được để trong bao bì, gói riêng nên xả ra không ít rác thải. Bây giờ, tôi chuyển sang mua chung với các đồng nghiệp để giảm lượng túi ni lông gây hại môi trường”.

... để phát triển bền vững

Theo các chuyên gia, nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế số nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội gắn với các thách thức. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh trên các nền tảng số cũng phải chuyển mình theo định hướng tăng trưởng xanh cùng những giải pháp phù hợp.

Phó Tổng Giám đốc nền tảng thương mại điện tử Lazada Việt Nam Đặng Anh Dũng thông tin: “Lazada luôn theo đuổi chiến lược phát triển bền vững kèm theo những cam kết đầu tư lâu dài. Vì vậy, Lazada đã không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển cộng đồng địa phương thông qua nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường”.

Chia sẻ về những giải pháp cụ thể để thương mại điện tử phát triển bền vững, giảm tác động tới môi trường, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh chỉ rõ, trong khâu bán hàng cần sử dụng phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường và xây dựng logistics thông minh, tối ưu hóa vận chuyển và giao hàng.

Còn Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam Vũ Thị Minh Tú cho biết, năm 2023, Lazada triển khai dự án “Giao hàng xanh”, đưa 100 xe máy điện vào hoạt động. Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu rác thải trong quá trình đóng gói và vận chuyển, Lazada đưa ra sáng kiến tái chế giấy, áp dụng công nghệ thông minh, giảm vật liệu nhựa…

“Lazada ấn hành cẩm nang “Đóng gói hàng hóa hiệu quả, thân thiện với môi trường” với những lời khuyên hữu ích giúp các nhà bán hàng tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu các rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm thiểu rác thải ra môi trường”, bà Vũ Thị Minh Tú nói.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng cho hay, Hiệp hội đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá gương điển hình, ứng dụng sản phẩm tái chế, ít gây hại môi trường để lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng. “Chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp thương mại điện tử tăng cường áp dụng những giải pháp bền vững, hạn chế tối đa tác động đến môi trường để cùng chung tay thực hiện thương mại điện tử xanh”, ông Nguyễn Ngọc Dũng nói.

Để phát triển thương mại điện tử bền vững, theo Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Lại Việt Anh, cần có những chính sách đồng bộ. Đó là tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo môi trường pháp lý thông thoáng; bảo đảm môi trường thương mại điện tử cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương; phát triển thương mại điện tử xanh, gắn liền với bảo vệ môi trường; phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao và tăng cường vai trò của phụ nữ trong phát triển thương mại điện tử và kinh tế số theo hướng bền vững.

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1060030/xanh-hoa-thuong-mai-dien-tu