Xanh ngát đồng rau

Còn gì thích thú hơn khi tan học, được chạy ùa về nhà mình, đi trên những con đường làng, nhìn đâu cũng bát ngát hoa màu

Quê tôi là một vùng đất bồi, 300 năm trước được Nguyễn Công Trứ khai hoang lập ấp, tạo nên một vùng dân cư trù phú, con cháu nối đời này qua đời khác, đi biển, trồng lúa, đan lát, cứ vậy quần tụ bên nhau mà làm ăn.

Một vùng đất bồi rộng lớn trải dài hơn 30 xã, nằm nối liền nhau ven biển. Những vùng đất khác, có thể cằn cỗi về gieo trồng, mỗi năm chỉ thu hoạch một mùa lúa. Nhưng đất quê tôi, thật kỳ diệu, càng gieo trồng nó càng sinh sôi càng màu mỡ. Nó tích tụ sự cần mẫn của con người để làm nên phù sa cho chính mình. Ẩn sâu trong từng thớ đất, trong mùi mặn của gió và nắng, có cái khí chất chịu khó và chịu khổ của người dân nơi tôi được sinh ra.

Thu hoạch rau tại Nam Định. Ảnh: TRẦN KHÁNH

Thu hoạch rau tại Nam Định. Ảnh: TRẦN KHÁNH

Vào vụ đông, khi vụ gặt lúa chính kết thúc, không để những cánh đồng hoang hoải trơ gốc rạ, khắp nơi, thay vì màu xanh của lúa, đâu đâu trên những ô ruộng đều được phủ kín bởi màu xanh của rau cải bắp, màu đỏ rực của cà chua, màu trắng đục của lạc và còn có cả cà rốt, khoai tây.

Còn gì thích thú hơn, khi tan học, được chạy ùa về nhà mình, đi trên những con đường làng mà nhìn đâu cũng bát ngát hoa màu. Cà chua cứ chín rực lên trong gió đông lạnh. Dù trời tháng mười hai có heo hắt thế nào thì những bắp cải cứ cựa mình mà tròn căng rồi xòe ra mấy cái tán lá xanh thẫm vươn lên trong gió.

Đi nhiều nơi, ăn cơm nhiều vùng, chân chạm cũng không ít những mảnh đất khác nhau, nhưng cứ khi trời lạnh, khi ai đó nói về gió mùa Đông Bắc hay gợi lên những xuyến xao về mùa đông ngoài kia, lòng tôi lại nôn nao nhớ những mảnh ruộng. Với tôi, đó là những mảnh ruộng đặc biệt, nó không chỉ trồng lúa mà còn là nơi để gieo hạt, để mọc lên biết bao xanh tươi.

Khi gặt xong, nông dân quê tôi sẽ bón phân, cuốc xới lại mảnh ruộng và vun chúng thành từng luống đất thẳng thớm. Rồi những người đàn bà quê rủ nhau, sáng sớm mang những thứ mình thích ra ruộng để gieo trồng. Có người mang những dây khoai lang già ra ruộng, cứ xới lên từng khe đất, dặm dây khoai xuống rồi vun đất đậy lên. Có người đi trồng cà chua rồi tiện thể cắm xuống cả những cành chè rào, những cành khô ven gốc. Lại có người trồng xuống những luống ruộng kia từng cây cải bắp non, khi gió mùa Đông Bắc thổi rì rì bên nón đội trên đầu.

Rồi cũng nơi ấy, chỉ vài tháng sau, khoai lang bắt đầu trổ ra từng tán, từng nhánh non mượt, xanh mướt, đất trơ màu nâu hôm rồi, nay đã được phủ lên rợp bóng xanh của lá khoai. Chiều chiều, mẹ lại sai chị cầm con dao ra ruộng, cắt vài bó lá khoai thật to về, để thái nấu cám cho lợn. Rồi khi mùa vụ gần hết, lá dần già cỗi đi, mẹ lại cùng chị ra cắt lá để nấu cám cho lợn, đào lên từng ụ đất, dưới đó nhổ lên từng cụm khoai lang tím, khoai lang trắng, ú na ú nần, múp míp như đàn lợn con, lấm láp trong mùi đất ẩm bám đầy lên thân. Lâu lâu cái tính trẻ con của chị lại reo lên, ôi củ này to quá mẹ ơi, ôi củ này… cẩn thận thôi kẻo đào vào gãy mất…

Rồi cũng nơi ấy, từng cây cà chua lớn lên, ra lá, xoắn xuýt trên từng nhành chè rào mẹ dặm ngày đầu, những quả cà chua từ khi đơm hoa, bé tí, xanh xít mọc ra, giờ đã chín đỏ căng mọng. Nhà cậu bạn học cùng tôi, năm nào cũng thế, mùa này bao giờ cũng thu hoạch cả một nhà toàn cà chua đỏ rực. Tôi cứ nhớ mãi nụ cười trắng tinh khôi có chiếc răng khểnh của đứa em gái bạn học, gọi tên mình khi đến chơi nơi sân giếng, sát bên là những đống cà chua tươi vút lên đến nao nức.

Nơi ấy, ngoài cà chua, ngoài khoai lang, nhà bác hàng xóm lại thích trồng rau cải bắp. Nhà bác không thu hoạch cải bắp một lần, mà cứ lai rai, lâu lâu bác lại ra nhổ vài cây, đem về nấu ăn hoặc đem ra chợ bán. Có những cây bắp cải, để lâu không nhổ về, lá bọc ngoài xanh đậm lại, thân thì nẻ toác bên trong. Nhưng khi luộc lên, cái mùi ngọt ngào, dân dã vẫn khiến chúng tôi xa nhà bao năm cũng cứ nhớ mãi mỗi khi ăn bắp cải xứ người.

Quê tôi là vậy đó, có những mảnh ruộng, màu xanh nhẹ nhàng non mềm của rau xà lách (mà chúng tôi quen gọi là rau diếp) như bùng lên giữa trời mùa đông. Cả mấy trăm mét đất, đâu cũng ngợp trong rau xà lách, lâu lâu điểm tô bằng những bông hoa thì là trắng như cánh bướm chập chờn, mới thấy xứ biển quê mình, sao đáng yêu đến vậy!

Cũng nơi ấy, nhà chị Vương, đối diện nhà tôi, lại thích trồng cả một sào ruộng toàn là đỗ xanh. Những quả đỗ xanh dẹp, màu sẫm, non tươi, như ngậm cả trời xanh trong mình, khi hái về, bẻ hai đầu đi, thái vát xào với thịt bò, ăn giữa trưa mùa đông tan học bằng cái bụng đói, sao mà ngon đến thế.

PHÚC THỤY

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/xanh-ngat-dong-rau-20201017213021815.htm