Xanh thêm những cánh rừng Hà Tĩnh
Các địa phương, chủ rừng ở Hà Tĩnh mỗi năm trồng mới khoảng 8.000 ha rừng tập trung và hàng vạn cây phân tán để phủ xanh đất trống đồi trọc, phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp...
Mùa mưa đến, thời tiết mát mẻ cũng là thời điểm lý tưởng để gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn 9, xã Phú Phong, huyện Hương Khê xuất bán các loại cây giống lâm nghiệp (chủ yếu là keo tràm). Trên khu vườn ươm cây giống rộng hơn 3.000 m2 của hộ gia đình anh Dũng những ngày gần đây luôn khá đông khách hàng từ các xã: Hương Giang, Hương Bình, Hương Lâm, Hương Liên... đến mua cây giống về trồng rừng.
Anh Dũng cho biết: “Bình quân mỗi năm, tôi xuất bán khoảng 180 vạn cây giống lâm nghiệp các loại (keo tràm chiếm 95%) để phục vụ hoạt động sản xuất lâm nghiệp. Riêng năm nay, những tháng cao điểm, tôi có thể xuất vườn được khoảng 25 – 30 vạn cây. Số cây giống này chủ yếu được tôi liên kết với các cơ sở sản xuất có uy tín ở ngoài Bắc (chiếm 90% sản lượng) về tiêu thụ. Vườn cây giống không chỉ giúp gia đình thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 4 lao động địa phương mà còn góp phần giúp người dân đẩy mạnh sản xuất lâm nghiệp, phát triển rừng bền vững”.
Ông Nguyễn Mạnh Tài - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê thông tin: “Trong 9 tháng năm 2023, toàn huyện đã trồng mới khoảng 150 nghìn cây phân tán và gần 400 ha rừng tập trung, chủ yếu là trồng lại những diện tích keo tràm đã khai thác ở tất cả các địa phương trên địa bàn. Những tháng cuối năm này, hoạt động trồng rừng dự báo sẽ sôi động hơn. Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo, quản lý các chủ rừng, các địa phương thực hiện tốt công tác phát triển rừng; làm tốt công tác quản lý các loại rừng và đất lâm nghiệp; hạn chế tối đa tình trạng sẻ phát, lấn chiếm rừng tự nhiên để sản xuất...”.
Cũng như Hương Khê, huyện Kỳ Anh là địa phương có nhiều rừng và đất lâm nghiệp nên công tác phát triển rừng luôn được ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương, các chủ rừng quan tâm, thực hiện thường xuyên, hiệu quả.
Ông Nguyễn Đình Lưu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh thông tin: “Nhờ chủ động thực hiện các chỉ tiêu lâm nghiệp nên 9 tháng vừa qua, toàn huyện đã trồng mới hơn 1.683 rừng sản xuất tập trung (trồng lại sau khai thác là 1.673 ha, trồng mới 10 ha), 2 ha rừng phòng hộ và 317 nghìn cây phân tán. Ngoài ra, huyện còn chú trọng trồng rừng đạt chứng chỉ FSC gắn sản xuất với bảo vệ, đầu tư hạ tầng lâm nghiệp, tăng cường giám sát hoạt động khai thác, tham mưu lập phương án thu hồi những diện tích rừng sản xuất không hiệu quả...”.
Với chức trách và nhiệm vụ được giao, các chủ rừng nhà nước, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn cũng đã có sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm. Ông Nguyễn Phi Công - Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cho biết: “Bình quân mỗi năm, đơn vị thực hiện trồng mới khoảng 600 ha rừng các loại; riêng năm 2023, đến thời điểm này đã trồng được khoảng 650 ha (hoàn thành vượt mức kế hoạch năm), trong đó có gần 40% là rừng phòng hộ, hơn 60% là rừng sản xuất”.
Những năm gần đây, các địa phương có lợi thế về đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh... luôn chú trọng công tác phát triển rừng. Hoạt động trồng rừng được gắn liền với công tác chăm sóc, bảo vệ môi trường, ổn định sinh kế của người dân...
Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, những năm gần đây, bình quân mỗi năm, Hà Tĩnh trồng mới khoảng 8.000 ha rừng các loại (khoảng 92 – 94% là rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ), khoảng 3 triệu cây phân tán. Diện tích rừng trồng mới đang ngày càng tăng lên (năm 2022 là 9.620 ha, năm nay dự kiến cao hơn). Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh còn duy trì khoanh nuôi 2.500 – 2.800 ha rừng tái sinh, làm giàu hơn 200 ha rừng tự nhiên.
Ông Lê Hữu Tuấn - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) thông tin: 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh trồng mới gần 4.602 ha rừng tập trung (trồng rừng phòng hộ hơn 323 ha, còn lại là rừng sản xuất), đạt 51 % kế hoạch năm; gần 2 triệu cây phân tán, đạt gần đạt 67% kế hoạch năm. Những tháng cuối năm này, các địa phương, đơn vị sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ để đạt chỉ tiêu, kế hoạch phát triển rừng đã đề ra.
Cùng với giá trị phòng hộ, phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ gìn môi trường sinh thái thì công tác phát triển rừng đã giúp Hà Tĩnh đạt sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 500.000 m3/năm, tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động, mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ dân sản xuất, góp phần đảo bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Hoạt động phát triển rừng cũng giúp các địa phương xây dựng hàng trăm mô hình kinh tế kết vườn - ao - chuồng - rừng cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm/mô hình và có được 26 nghìn ha rừng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/xanh-them-nhung-canh-rung-ha-tinh/255249.htm