Xây cao tốc, thu nợ qua phí cầu đường: Trung Quốc dùng chiêu gì với những 'con nợ' khó đòi?

Tại thủ đô Nairobi của Kenya, đường cao tốc bốn làn mới đang được xây dựng. Trung Quốc đã tài trợ 600 triệu USD vào dự án.

Quan hệ đối tác công-tư

Đường cao tốc 27km cũng đánh dấu sự chuyển hướng chậm chạp từ tài chính nợ công sang phương thức mới cấp vốn cho cơ sở hạ tầng như đường xá và nhà máy điện ở châu Phi: thông quan quan hệ đối tác công - tư (PPP).

Đối với đường cao tốc Nairobi, tổng công ty Cầu đường Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước sẽ thu hồi vốn đầu tư trong hơn 27 năm và thông qua hình thức thu phí cầu đường. Sự thay đổi này diễn ra khi nhiều quốc gia châu Phi cần phải vật lộn để trả các khoản nợ khổng lồ cho Trung Quốc.

Đường cao tốc 4 làn đang được xây dựng tại thủ đô Nairobi của Kenya. Ảnh: SCMP

Đường cao tốc 4 làn đang được xây dựng tại thủ đô Nairobi của Kenya. Ảnh: SCMP

Những thỏa thuận này gần đây đã được Bắc Kinh khuyến khích. Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các công ty tư nhân Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn ở châu Phi và "đầu tư ít nhất 10 tỉ USD vào châu Phi trong 3 năm tới".

Thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Tây Á và Châu Phi tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải Zhou Yuyuan chỉ ra những ví dụ cho việc các công ty Trung Quốc làm việc theo quan hệ đối tác PPP như thế này: dự án nhiệt điện than Hwange ở Zimbabwe hay dự án thủy điện Kafue Gorge Lower ở Zambia.

Trung Quốc cũng đã đầu tư vào tuyến đường Mozambique và Uganda theo quan hệ PPP. Tại Nigeria, các ngân hàng Trung Quốc và Sinosure đang tài trợ cho một đường ống dẫn khí đốt trị giá 2.8 tỷ USD do các tập đoàn của Nigeria và Trung Quốc xây dựng.

Lý do chuyển dịch phương thức

Trung Quốc đã tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trị giá 148 tỷ USD ở châu Phi trong 2 thập kỉ qua, trở thành nhà cho vay song phương lớn nhất ở châu lục này, theo Nghiên cứu Sáng kiến Trung Quốc-châu Phi tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học John Hopkins.

Tuy nhiên, khoản cho vay của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2013, từ đó giữ nguyên hoặc giảm dần, ngoại trừ một thỏa thuận lớn của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc vào năm 2016, khi ngân hàng này tái cấp vốn cho công ty dầu khí nhà nước Sonangol của Angola.

Ông Bradley Parks, giám đốc điều hành của AidData - phòng nghiên cứu tại Đại học William và Mary ở Virginia cho biết, các chính phủ châu Phi sẽ chậm trả nợ hoặc không trả được nợ sẽ khó nhận các khoản vay mới từ Bắc Kinh.

Sản xuất trong nước dư thừa

Ông Parks lưu ý rằng, quy mô chương trình cho vay nước ngoài của Trung Quốc được thúc đẩy bởi tình trạng sản xuất thừa của công nghiệp trong nước - gồm thép, nhôm và xi măng cũng như dự trữ thừa ngoại tệ.

"Các nhà chức trách tại Bắc Kinh hiểu rằng nếu các công ty này không tìm được người mua vì sản lượng dư thừa, họ có nhiều khả năng bị vỡ nợ và phải đóng cửa các nhà máy, từ đó tỷ lệ thất nghiệp cao hơn," ông nói.

Để giải quyết tình trạng này, Bắc Kinh cung cấp tín dụng tương đối rẻ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài chủ yếu dựa vào sản xuất thừa của ngành.

Các khoản nợ đạt mức cao nhất vào năm 2013. Ảnh: Reuters

Các khoản nợ đạt mức cao nhất vào năm 2013. Ảnh: Reuters

Người đứng đầu công ty tư vấn phát triển quốc tế Development Reimagined bà Hannah Ryder cho biết, các chính phủ châu Phi đang thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến cách hợp tác theo quan hệ PPP với tất cả các nước - bao gồm cả Trung Quốc - như một biện pháp để tránh tỷ lệ nợ trên GDP "chính thức" cao hơn - như số liệu được Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF ghi nhận.

Bà Hannah Ryder cho biết, các đánh giá của IMF về tính bền vững của nợ nần có thể có tác động tiêu cực đến khả năng tiếp cận các nguồn tài chính khác của các nước châu Phi.

Angola, Zimbabwe,Congo đều đã đồng ý các thỏa thuận cho vay như vậy với Trung Quốc, theo đó, khoản nợ tài chính được hỗ trợ bởi các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, Ryder cho biết "sự sáng tạo" xung quanh các thỏa thuận cho vay có thể nguy hiểm. Bởi SCMP chỉ ra, các khoản đầu tư có được thực hiện theo hình thức nào cũng được hỗ trợ bởi sự đảm bảo của nhà nước, chẳng hạn như từ Tổng công ty Bảo hiểm Tín dụng và Xuất khẩu Trung Quốc hoặc công ty bảo hiểm chính sách của Trung Quốc tiến hành bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Sinosure. Trung Quốc vốn từ lâu ưa chuộng mô hình cho vay giữa nhà nước với nhà nước.

Thúy Khương

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/xay-cao-toc-thu-no-qua-phi-cau-duong-trung-quoc-dung-chieu-gi-voi-nhung-con-no-kho-doi-820201512184540326.htm