Xây dựng Ðảng về đạo đức và sứ mệnh vẻ vang của báo chí hiện nay

(Tiếp theo kỳ trước)

Nếu chỉ dừng lại ở nhận thức, tri thức về đạo đức, tự thân nó không bao hàm đầy đủ các vấn đề đạo đức trong Đảng và trong xây dựng Đảng. Cái cần thiết và bảo đảm quan trọng thực thi mục tiêu chính trị không thể chỉ dừng lại ở tình cảm đạo đức, đạo đức suông, mà quyết định ở đạo đức hành động và hành động đạo đức, phải trở thành lẽ sống và nếp sống hằng ngày. Xét về mặt thực tiễn, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp... do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nguyên nhân không chỉ chưa nhận thức rõ, không thấy hết tầm quan trọng của ý thức đạo đức, tri thức đạo đức, tình cảm đạo đức mà chưa đặt vấn đề đạo đức hành động và hành động đạo đức quyết định một cách xứng đáng và ngang tầm trong toàn bộ và chỉnh thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, không bao giờ có một người thực sự vĩ đại mà lại không phải là một người thực sự đạo đức.

Để Đảng xứng đáng hơn nữa “vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, mãi mãi là “đứa con nòi của giai cấp lao động Việt Nam”.

Qua thực tiễn, chúng ta đã nhận diện rõ hơn, cụ thể hơn những biểu hiện về suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên ở từng cấp, từng lĩnh vực, qua đó xác lập hệ thống các giải pháp hành động trong xây dựng Đảng nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng về đạo đức. Những biểu hiện khác nhau về suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống; tham ô, tham nhũng; cửa quyền; lợi ích nhóm tiêu cực... chính là sự suy thoái về đạo đức hành động chính trị. Khi một cán bộ lãnh đạo suy thoái về đạo đức thì nêu gương xấu, làm tổn hại tới thanh danh của Đảng. Khi một đảng viên có đạo đức kém thì rất khó có thể vượt qua được những cám dỗ tầm thường. Khi sự suy thoái về đạo đức vẫn còn tồn tại, gây nên tình trạng chạy tuổi, chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm vô lối người nhà, người thân… thì tư cách và phẩm hạnh đạo đức lại là vấn đề nóng bỏng nhất, trước khi nói về trình độ chuyên môn hay năng lực chính trị. Vì, lúc này chính trị là đạo đức hơn hết lúc nào. Và vì, nói như cổ nhân: Đức hạnh là nền tảng mọi thứ và chân lý là bản chất của mọi đức hạnh.

Rõ ràng, suy cho cùng, vị thế chính trị của Đảng với tư cách là người lãnh đạo ở đây, tất cả đều phụ thuộc vào nhận thức đạo đức, tình cảm đạo đức và hành động đạo đức của mỗi đảng viên, cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp. Nói tới xây dựng đạo đức trong Đảng, trước hết phải xây dựng đạo đức từ mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức đảng. Đạo đức của Đảng chính là sự hiện diện bằng hành động đạo đức, nhân cách hành động của từng cán bộ, đảng viên, uy tín và hiệu quả hoạt động của từng tổ chức đảng ở tất cả các cấp.

Gần 40 năm đổi mới, nền kinh tế thị trường đã tác động vào đời sống xã hội, vào đời sống của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cả tác động tích cực lẫn tiêu cực. Tác động ấy đi liền với những phát sinh khi Đảng cầm quyền nên lại càng phức tạp. Đảng ở trong lòng xã hội, Đảng cũng như con người, là một cơ thể sống, như một lẽ tự nhiên, Đảng không thể không chịu ảnh hưởng từ những tác động đó. Tiền bạc, chức quyền, danh lợi cùng với chủ nghĩa cá nhân đã xâm nhập trong các quan hệ giữa con người với tổ chức. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã bộc lộ ra một cách nghiêm trọng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cấp cao. Quan liêu, xa dân, thói vô trách nhiệm, thậm chí cả thói vô cảm đã ở mức độ nặng nề… là biểu hiện điều đó. Tham nhũng vừa là nguy cơ vừa là quốc nạn, với những mức độ và hậu quả khác nhau. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm xói mòn hình ảnh đảng viên, làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Thực trạng này đang đe dọa tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Phi đạo đức nghĩa là chà đạp lên chính trị và rốt cuộc là phi chính trị. Đây là vấn đề nền tảng của mọi vấn đề cấp bách trong Đảng hiện nay. Kinh nghiệm thế giới từng cho thấy: Khi luật pháp trở nên bị khinh nhờn, đạo đức bị buông thả và ngược lại.

Suy thoái đạo đức, lối sống tất yếu dẫn tới những biến dạng về thái độ chính trị, động cơ chính trị và hành động chính trị; dẫn tới suy thoái tư tưởng chính trị, sự yếu kém, rã rời về tổ chức. Thực tế và kinh nghiệm cho thấy, không một đảng cầm quyền nào có thể đứng vững được khi cơ sở xã hội - chính trị của đảng suy yếu, khi mất lòng dân, khi sự bạc nhược, suy đồi về đạo đức, lối sống diễn ra trong đảng, nhất là ở những cơ quan lãnh đạo và một số người lãnh đạo. Suy thoái về đạo đức, lối sống làm mất đi khả năng tự đề kháng trước những độc tố mà kẻ thù tìm cách tiêm nhiễm vào tư tưởng, chính trị và tổ chức.

Trở lại lịch sử, không phải ngẫu nhiên Nguyễn Ái Quốc khi viết "Đường kách mệnh”, ngay trước lúc Đảng ra đời, đã dự cảm sâu xa rằng, đảng cách mạng, người cách mạng “phải giữ chủ nghĩa cho vững”, lại phải “ít lòng ham muốn về vật chất”. Không có những bảo đảm ấy, người cách mạng sẽ biến chất, hư hỏng và đảng cách mạng sẽ thoái hóa, thất bại, tan rã. Vào cuối đời, năm 1969, Người tiếp tục căn dặn: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và ra sức nâng cao đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính”, “Phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, từ Trung ương tới chi bộ như giữ gìn con ngươi của mắt mình” để mãi xứng đáng là “đứa con nòi của giai cấp lao động Việt Nam”.

Sự đổ vỡ xảy ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, các đảng cộng sản mất vai trò cầm quyền, ngoài nguyên nhân sai lầm về đường lối và mất phương hướng chính trị, còn có nguyên nhân sâu xa bởi tự đánh mất lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân - cơ sở xã hội - chính trị của Đảng, cội nguồn và nền tảng sức mạnh của Đảng, bởi sự suy đồi đạo đức, lối sống, nhân cách khi cầm quyền, ở những người cầm quyền.

Do đó, hiện nay, xây dựng Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền, chúng ta không thể không xây dựng Đảng về đạo đức. Nếu không như thế, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đảng khó lãnh đạo được ai, nếu không nói Đảng không lãnh đạo được gì! Và dĩ nhiên, không còn xứng đáng là “đứa con nòi” của nhân dân nữa. Cổ nhân từng nói: Tri thức sẽ trở nên tàn ác, nếu mục tiêu không có đạo đức!

Phi đạo đức chính là phi đạo lý và làm băng hoại chính trị, phá vỡ kinh tế, làm suy đồi xã hội và làm băng hoại ngoại giao.

Để Đảng luôn xứng đáng “là trí tuệ, là danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta”…

Vấn đề xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội, trước hết trong các tổ chức Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân được đề cập cách đây hơn 26 năm tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (tháng 7-1998); và tinh thần này tiếp tục được thể hiện tại quyết sách của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (tháng 6-2014), với nội dung "Xây dựng văn hóa trong chính trị. Chú trọng xây dựng trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể", nhưng rõ ràng, chúng ta thường chỉ nhấn mạnh xây dựng Đảng trên 3 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức.

Đó chỉ là những điều kiện cần chứ chưa đủ và sẽ là khiếm khuyết nếu không đặt vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức một cách ngang tầm. Khi Đảng cầm quyền, nếu đồng nhất một cách giản đơn xây dựng Đảng về tư tưởng với xây dựng Đảng về đạo đức, trên thực tế, sẽ dẫn đến xem nhẹ vấn đề đạo đức trong Đảng, của Đảng. Một khi đạo đức trong Đảng yếu kém sẽ gây lệch lạc trong lãnh đạo chính trị, làm xáo trộn tư tưởng, phương hại tới lãnh đạo tổ chức của Đảng; và cũng dẫn đến nguy cơ làm phương hại xây dựng và phát triển đạo đức xã hội. Tầm nhìn chính trị của Đảng, vì thế có thể rơi vào thiển cận, ngắn hạn, cục bộ; trí tuệ chính trị của Đảng, do đó bị hạn hẹp, khiếm khuyết; tổ chức của Đảng có nguy cơ bị phân liệt, cát cứ, không thống nhất… Tất cả điều đó khiến cho Đảng rơi vào nguy cơ khó còn là người lãnh đạo nữa, khó tiêu biểu là trí tuệ, là danh dự và là lương tâm của dân tộc, của thời đại nữa.

Và Đại hội XII, Đảng ta khẳng định: "Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức" là một quyết sách chính trị cấp bách và chín muồi. Xây dựng Đảng về đạo đức là một đòi hỏi tất yếu, khách quan của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ vừa trước mắt vừa lâu dài, xuyên thấm hữu cơ trong 3 nội dung xây dựng chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh, công tác xây dựng Đảng về đạo đức là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm (2016-2020): “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Ngày 30-10-2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tiếp tục ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"" của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII càng cho thấy, xây dựng Đảng về đạo đức cần thiết và cần kíp hơn bao giờ hết.

Qua gần 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, bên cạnh những ưu điểm, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, cảnh báo cấp bách sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, đặc biệt trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả một số cán bộ cao cấp. Những suy thoái về đạo đức ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đó rất đáng lo ngại, làm xói mòn, giảm sút, thậm chí đang “đánh cắp”, bôi nhọ lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; xâm hại đạo đức xã hội.

Vấn đề cơ bản xây dựng Đảng về đạo đức đó nếu không được nhận thức đúng, trúng và hành động một cách kiên quyết và ngang tầm; những “cục nghẽn mạch” về đạo đức… nếu không được chỉnh đốn, chữa trị kịp thời sẽ là thách thức sống còn, nguy cơ sinh tử đối với vị thế, vai trò lãnh đạo, trách nhiệm lịch sử của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Tích tụ và phát tác tới mức độ nào đó, Đảng khó có thể “là đạo đức, là văn minh”, càng khó “là lương tâm, là trí tuệ, là danh dự của thời đại chúng ta” và càng khó tiếp tục xứng đáng “là đứa con nòi của giai cấp lao động Việt Nam”.

Lúc ấy, hối thì đã muộn!.
(còn nữa)

TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/160985/xay-dung-dang-ve-dao-duc-va-su-menh-ve-vang-cua-bao-chi-hien-nay