Xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu Sa Ná - kết quả và bài học kinh nghiệm
Với sự quyết tâm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Sa Ná, tháng 6-2020 bản Sa Ná đã hoàn thành 14/14 tiêu chí và tháng 7-2020 bản Sa Ná đã vinh dự được công nhận là bản nông thôn mới kiểu mẫu.
Điểm trường Sa Ná - Trường Tiểu học Na Mèo (Quan Sơn) được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Dẫn chúng tôi đi quanh bản Sa Ná, đồng chí Lữ Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo phấn khởi cho biết: Ngay sau “cơn đại hồng thủy” năm 2019, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Sa Ná đã được đầu tư xây dựng một khu tái định cư (TĐC) để di chuyển 51 hộ dân vào nơi ở an toàn, trên diện tích 5,2 ha thuộc đồi Poom Ngồ. Khu TĐC được đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, nhà văn hóa, trường học và mỗi hộ được giao 240m2 đất, thiết kế theo chung một mẫu nhà đối với nhà xây kiên cố, hộ nào có điều kiện thì làm nhà sàn truyền thống theo ý muốn. Khi người dân đã an cư, cấp ủy, chính quyền xã Na Mèo đã chỉ đạo chi bộ và các đoàn thể trong bản tổ chức lấy ý kiến Nhân dân để triển khai thực hiện xây dựng bản nông thôn mới. Được người dân đồng thuận, cấp ủy, chính quyền xã Na Mèo đã triển khai thành lập ban phát triển bản phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời tổ chức cho cán bộ, đảng viên và người có uy tín của bản Sa Ná tham gia đoàn tham quan học hỏi kinh nghiệm của xã Na Mèo học tập mô hình thôn kiểu mẫu tại các địa phương; phối hợp với các cơ quan, chỉ đạo ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong bản thực hiện tốt công tác vận động, hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân trong quá trình thực hiện các tiêu chí, nhất là các tiêu chí về môi trường, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng các công trình phụ trợ, trồng cây cảnh, cải tạo vườn tạp...
Sau khi học tập kinh nghiệm ở một số địa phương, chi bộ và các đoàn thể đã tập trung vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất, động viên người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nâng cao thu nhập; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, như: trồng rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, phát triển ngành nghề truyền thống... Làm tốt công tác phát triển rừng, kết hợp với khoanh nuôi, tái sinh bảo vệ rừng luôn là khâu quan trọng trong việc phát triển bền vững, tiếp tục trồng mới rừng luồng, vầu, nứa, lát, xoan... ở các vùng đất trống, rừng nghèo để giúp Nhân dân gắn bó với rừng, nâng cao thu nhập từ rừng và phấn đấu để Nhân dân sống được bằng nghề rừng. Với diện tích rừng sản xuất của bản là 420,07 ha, diện tích đất lúa nước 17,3 ha; diện tích trồng hoa màu trên 10 ha; kết hợp giữa trồng rừng với chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng, tổng đàn trâu, bò ngày một được nâng cao về số lượng, gia cầm được quan tâm phát triển và ngày một hiệu quả trong chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho Nhân dân. Đời sống Nhân dân được nâng lên, các dịch vụ xã hội cơ bản đã được tiếp cận, trong bản có 7 hộ mua được ô tô, gần 200 xe máy các loại, 48 máy cày, máy tuốt lúa, 100% hộ gia đình có ti vi, tủ lạnh và điện thoại di động; trên 90% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong bản được duy trì và phát huy; các phong tục cưới xin, ma chay bước đầu được đổi mới theo nếp sống văn hóa gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 4-4-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tăng cường công tác tư tưởng, nhanh chóng thay đổi tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu trong Nhân dân.
Bằng nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả, chỉ trong một thời gian ngắn, bản Sa Ná đã ổn định về đời sống Nhân dân, kinh tế có bước phát triển, tạo điều kiện cho Nhân dân có điều kiện tham gia đóng góp xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu. Sau khi phát động phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bản Sa Ná đã huy động được nhiều nguồn lực, trong đó Nhân dân đóng góp trên 5,7 tỷ đồng để nâng cấp chỉnh trang nhà cửa, xây dựng vườn mẫu. Bằng nguồn vốn trên, bản đã đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, như: đường giao thông trong bản, nhà văn hóa, hệ thống đèn chiếu sáng, chỉnh trang nhà cửa dân cư. Ngoài việc phát triển kinh tế, người dân trong bản còn tự giác, hăng hái tham gia làm đẹp đường làng, ngõ xóm, trồng hoa ven đường, giữ gìn vệ sinh chung. Đến nay, trên 90% hộ gia đình trong bản đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, nhiều gia đình xây dựng thành công mô hình “Nhà sạch, vườn mẫu”. Đó chính là những nhân tố quan trọng, góp phần làm nên một bản nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Quan Sơn.
Tính đến hết năm 2020, thu nhập bình quân của người dân trong bản đạt trên 54 triệu đồng/năm, nguồn thu nhập chủ yếu từ nguồn khai thác, buôn bán lâm sản phụ và chăn nuôi gia súc, gia cầm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%, cao hơn bình quân chung của xã; 100% lao động trong độ tuổi có việc làm, không còn hộ nghèo, tỷ lệ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng là 100%; 100% đường làng, ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% các hộ gia đình trong bản được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có mô hình bảo vệ môi trường hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút được sự tham gia của cộng đồng. Bản không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự.
Với sự quyết tâm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Sa Ná, tháng 6-2020 bản Sa Ná đã hoàn thành 14/14 tiêu chí và tháng 7-2020 bản Sa Ná đã vinh dự được công nhận là bản nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ thực tiễn xây dựng bản Sa Ná, cấp ủy, chính quyền xã Na Mèo đã rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là: Trước hết phải biết tranh thủ sự quan tâm và định hướng, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của cấp trên đối với thực hiện nhiệm vụ cơ sở, thôn, bản, nhất là trong quá trình lập quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định chỗ ở cho Nhân dân bản Sa Ná sau khi bị thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Thứ hai là bài học về tạo được “chữ tín” trong lòng dân và sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cái gì có lợi cho dân thì nỗ lực cố gắng tập trung triển khai để người dân được thụ hưởng. Ba là, bài học về phân công, giao nhiệm vụ, lựa chọn việc trọng tâm, trọng điểm để thực hiện trong từng thời điểm, từng giai đoạn, có sự kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm thường xuyên; cấp ủy, chính quyền xã phân công cán bộ và đoàn thể xuống với người dân để cùng làm với Nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đưa phong trào thực hiện các tiêu chí xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu trở nên sâu rộng, tự giác trong Nhân dân, là việc làm thường xuyên.