Xây dựng Bát Xát trở thành huyện biên giới phát triển của tỉnh
NGUYỄN TRUNG TRIÊÙPhó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát
LCĐT - Có thể ví Bát Xát như một “nàng tiên” vẫn đang ngủ, bởi nhìn vào thực tế, địa phương hội tụ rất nhiều lợi thế về biên giới, cửa khẩu, đất đai rộng lớn với những tiểu vùng khí hậu ôn đới, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và bản sắc văn hóa phong phú, tài nguyên khoáng sản… thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ đặt ra mục tiêu đưa Bát Xát trở thành huyện biên giới phát triển của tỉnh, kỳ vọng đánh thức được “nàng tiên” đang ngủ.
Nhìn lại nhiệm kỳ 2015 - 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đảng bộ và chính quyền địa phương đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp, hướng đi nhằm tạo ra những bước phát triển đột phá về kinh tế. Bát Xát có những cánh đồng rộng, đất đai trù phú ở Quang Kim, Sàng Ma Sáo, Mường Vi, A Lù... cùng với khí hậu mát mẻ và có những tiểu vùng khí hậu ôn đới. Nhận thức rõ lợi thế này, địa phương đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhiều cây trồng mới như cây ăn quả ôn đới, dược liệu, chè... được đưa vào trồng theo các hình thức liên kết khác nhau đã và đang tạo ra nguồn thu nhập khá cho nông nghiệp, đặc biệt ở các thôn, bản vùng cao. Nổi bật là các loại cây dược liệu, Huyện ủy đã ban hành đề án phát triển 500 ha cây dược liệu để triển khai thực hiện. Đến nay, nhiều loại cây đã bắt đầu cho thu hoạch và đạt giá trị kinh tế cao.
Trên cơ sở hiệu quả đã khẳng định trong thực tế, huyện tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, đưa vào trồng thử nghiệm một số mô hình cây dược liệu mới như vân mộc hương, đan sâm, cát cánh, độc hoạt, bạch chỉ, đẳng sâm, atiso tại các xã: Y Tý, Trịnh Tường, Ngải Thầu, A Lù... Ở cánh đồng thuộc các xã vùng thấp hơn như Quang Kim, Bản Qua, nhiều hộ tập trung sản xuất rau an toàn có ứng dụng công nghệ cao hoặc một phần công nghệ cao mang lại thu nhập 300 triệu đồng/ha. Ở các xã Trịnh Tường, Y Tý, lần đầu tiên mô hình trồng rau trái vụ cho thu nhập bình quân 140 triệu đồng/ha… Không bó hẹp, huyện chỉ đạo đưa vào trồng nhiều loại cây ăn quả ôn đới, chè, chuối, dong riềng, dứa, dưa hấu, dưa chuột... để đa dạng hóa nguồn thu nhằm khai thác tối đa thế mạnh về đất đai. Đây chính là một trong những “chìa khóa” mở ra kết quả quan trọng cho chương trình xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Cũng chưa bao giờ lợi thế du lịch lại được quan tâm và phát huy mạnh mẽ như trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Hoạt động quảng bá du lịch được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo có chiến lược, trên phạm vi trong và ngoài nước. Hàng loạt chương trình như “Ấn tượng mùa nước đổ nơi biên giới đại ngàn”, đua xe đạp “Đi giữa mua hoa đỗ quyên - Y Tý”; xây dựng phim tài liệu người dân tộc thiểu số phát triển du lịch làm homestay; các lễ hội, nét đẹp văn hóa độc đáo được tổ chức... Thác ong chúa, đường đá cổ PaVi, Thác rồng... sau nhiều năm ngủ quên giữa đại ngàn đang được đánh thức, thực sự tạo sức hút mạnh mẽ. Các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc được khai thác, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, phong phú, làm tăng sức hấp dẫn cho hình thức du lịch làng bản, du lịch khám phá, trải nghiệm của Bát Xát.
Cơ sở vật chất phục vụ du lịch cũng được đầu tư xây dựng, toàn huyện hiện có 31 cơ sở lưu trú. Huyện đã đưa vào khai thác 3 điểm du lịch mới gồm núi Lảo Thẩn - Y Tý, đỉnh Ky Quan San - Sàng Ma Sáo, cột cờ Lũng Pô - A Mú Sung. Bát Xát cũng đã có 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là lễ Gạ Ma Do - Khô Già Già của người Hà Nhì; lễ hội Khoi Kìm của người Dao; danh thắng Thung lũng Thề Pả. Nhờ vậy, lượng khách đến với huyện tăng mạnh qua từng năm, đến năm 2020 đạt 45.000 lượt (tăng 32.500 lượt so với năm 2015), doanh thu từ du lịch đạt trên 23 tỷ đồng và tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động địa phương, giảm thời gian dư thừa ở khu vực nông thôn và sức ép giải quyết việc làm cho xã hội.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp khai thác khoáng sản, thủy điện, sản xuất chế biến nông - lâm sản, vật liệu xây dựng phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2020 trên địa bàn đạt 3.226 tỷ đồng. Huyện tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ và phát triển tiểu thủ công nghiệp với nhiều ngành nghề thế mạnh, khôi phục các làng nghề truyền thống; các hoạt động xúc tiến thương mại được tăng cường gắn với thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp và kinh tế du lịch... Khuyến khích phát triển, mở rộng các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, chế biến sản phẩm nông - lâm nghiệp tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hơn 2.000 lao động tại chỗ mỗi năm. Giai đoạn 2026 - 2020, huyện thành lập mới 23 hợp tác xã, nâng tổng số lên 62 hợp tác xã, trong đó 65% hoạt động hiệu quả; duy trì và phát triển 18 nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa đã đăng ký độc quyền, xây dựng mới 21 nhãn hiệu để tiếp tục đăng ký sở hữu nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều sản phẩm tạo được uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh như rượu San Lùng, rượu Sim San, gạo Séng cù Mường Vi, miến đao...
Bằng sự chủ động đón bắt cơ hội trong thời kỳ hội nhập, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra các chương trình, kế hoạch phù hợp, Bát Xát bước đầu khai thác được nguồn lực tự nhiên, con người để phục vụ tiến trình phát triển. Tuy đã tạo được những bước đột phá cho nền kinh tế địa phương, đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực, song nhịp độ phát triển vẫn còn chậm và chưa xứng với tiềm năng hiện có. Với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, Bát Xát trở thành huyện biên giới phát triển của tỉnh, địa phương vẫn xác định lĩnh vực nông nghiệp và du lịch là mũi nhọn của nền kinh tế. Đặc biệt, quan tâm đến chế biến sâu và đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp để nâng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa dựa vào lợi thế so sánh của huyện.
Đối với lĩnh vực du lịch, trọng tâm là khu vực Y Tý, A Mú Sung, huyện vừa khởi công xây dựng đền Mẫu tại xã Trịnh Tường bằng nguồn vốn xã hội hóa sẽ tạo thêm điểm nhấn cho du lịch văn hóa gắn với tâm linh. Những năm tới, huyện sẽ kiến nghị tỉnh đầu tư, bố trí nguồn lực sửa chữa, nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch từ trung tâm huyện lên các xã A Mú Sung, Y Tý, tuyến Quang Kim - Phìn Ngan - Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa). Giao thông thuận tiện, kết nối sẽ tạo đà cho du lịch, dịch vụ phát triển. Một tín hiệu vui đối với thương mại, dịch vụ, nhất là mậu dịch biên giới của huyện Bát Xát đó là tỉnh đã có chủ trương đầu tư xây dựng cầu bắc qua sông Hồng sang nước bạn Trung Quốc tại khu vực Bản Vược. Khi cây cầu đưa vào khai thác vừa góp phần giảm thiểu ách tắc hàng hóa tại khu vực Cửa khẩu quốc tế số II Kim Thành, vừa kích thích phát triển dịch vụ, giao thương hàng hóa của huyện Bát Xát với huyện Hà Khẩu (Trung Quốc).
Với những hoạch định rõ ràng và quyết tâm chính trị, cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân huyện Bát Xát đang cùng nhau đoàn kết, nỗ lực vượt khó, xây dựng địa phương sớm trở thành huyện biên giới phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025.