Xây dựng Cà Mau thành trung tâm kinh tế biển, năng lượng tái tạo của Việt Nam

Đây là quan điểm phát triển của Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch) vừa được Chủ tịch HĐND tỉnh ký ban hành tại Nghị quyết số 08/NQ-HĐND.

Các trụ tuabin gió của Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận (Cà Mau). Ảnh: pecc2.com

Các trụ tuabin gió của Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận (Cà Mau). Ảnh: pecc2.com

Theo nghị quyết trên, Quy hoạch nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, nổi trội và riêng biệt làm nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau nhanh, bền vững và toàn diện, trở thành một trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Việt Nam...

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch đến năm 2030 là phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để Cà Mau phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, gắn với tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.

Cà Mau được xây dựng để trở thành địa phương mạnh về biển, phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là kinh tế thủy sản, du lịch, năng lượng tái tạo, hàng hải; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế.

Đồng thời, tỉnh sẽ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cà Mau sẽ kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế để thu hút các nguồn lực hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau sẽ là tỉnh phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kinh tế Cà Mau phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, có năng suất lao động cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, Cà Mau giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa tốt đẹp mang bản sắc của con người Cà Mau nghĩa tình, thân thiện, mến khách. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng thông minh, sinh thái; không gian nông thôn hiện đại, văn minh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Theo đó, tỉnh Cà Mau sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá. Bao gồm, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với khai thác hiệu quả Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn.

Đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, đường ven biển, cảng biển, cảng hàng không), hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế, khu - cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, hạ tầng hệ thống thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Cà Mau sẽ hình thành và phát triển 2 hành lang kinh tế theo hướng Bắc - Nam (thành phố Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Đất Mũi) và hướng Đông - Tây (Tân Thuận - Sông Đốc) trên cơ sở kết nối đường cao tốc, đường ven biển, cảng hàng không, cảng biển và 5 cực tăng trưởng (thành phố Cà Mau, Năm Căn, Sông Đốc, Tân Thuận, Đất Mũi).

Tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/xay-dung-ca-mau-thanh-trung-tam-kinh-te-bien-nang-luong-tai-tao-cua-viet-nam-post24148.html