Xây dựng các mô hình kinh tế từ dân vận khéo
Phong trào thi đua 'Dân vận khéo' được cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai sâu rộng với nhiều hình thức. Nhiều mô hình kinh tế đã hình thành và phát huy hiệu quả tích cực. Từ đó tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng, động lực để bà con nỗ lực phát triển kinh tế với nhiều mô hình mang lại thu nhập cao.
Cán bộ và người dân cùng vào cuộc
Hiện toàn tỉnh đã có trên 9.000 mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực, trong đó có trên 1.200 mô hình kinh tế tiêu biểu có sức lan tỏa rộng rãi. Đồng chí Lê Văn Quốc, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy chia sẻ, hàng năm triển khai thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, người dân tại các địa phương đã tập trung vận động người dân tham gia phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị... Với phương châm “làm được, nói được thì người dân mới tin theo”, mỗi cán bộ, đảng viên luôn xác định trở thành một cán bộ làm công tác dân vận trong phong trào làm kinh tế.
Chị Ma Thị Nhường, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) hiện là Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Trường Giang. Hợp tác xã có 40 thành viên chuyên trồng, cung cấp các loại nông sản như dưa chuột, bí đỏ, đậu tương, rau bò khai, dớn, rau ngót rừng... Chị Nhường chia sẻ: “Chi bộ luôn xác định rõ, muốn lãnh đạo tốt công tác giảm nghèo, giúp bà con phát triển kinh tế thì trước hết bản thân các gia đình đảng viên phải đi trước. Bản thân tôi luôn trăn trở tìm hướng đi mới”.
Nhờ hợp tác xã đứng ra bao tiêu, quảng bá sản phẩm mà người nông dân Làng Chạp đã không phải lo lắng tìm đầu ra cho nông sản. Anh Đặng Hữu Minh, thành viên hợp tác xã chia sẻ, hiện nay gia đình anh trồng các loại rau rừng với trên 1 ha. Ngoài ra, theo hướng dẫn của chị Nhường, gia đình anh đã chuyển một số diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh.
Còn tại xã Khâu Tinh (Na Hang) vài năm gần đây xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, hiệu quả như nuôi ngựa bạch, nuôi trâu nhốt chuồng, trồng giống lạc mới... Đồng chí Lê Hữu Thể, Bí thư Đảng ủy xã Khâu Tinh chia sẻ: “Cái hay là những mô hình này chủ yếu do đảng viên nghĩ ra, làm trước và vận động người dân làm theo ”.
Người đầu tiên mang mô hình về xã Khâu Tinh là đảng viên Vi Văn Lượng, thôn Khâu Tinh. Anh Lượng chia sẻ, nhận thấy khí hậu và môi trường sống rất hợp với chăn nuôi ngựa bạch, gia đình anh mạnh dạn đầu tư, ban đầu 5 con giống sau đó đàn ngựa dần phát triển có lúc lên đến gần 30 con. Từ mô hình này, anh Lượng đã phổ biến kiến thức hỗ trợ các hộ dân trong xã phát triển kinh tế từ chăn nuôi ngựa bạch.
Thay đổi nếp nghĩ cách làm
Với phương châm “thiết thực, cụ thể, sâu sát, toàn diện”, từ nhiều năm qua, các địa phương trong tỉnh thực hiện thường xuyên việc đăng ký, triển khai thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế.
Đồng chí Trần Anh Quân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối dân vận xã Chiêu Yên (Yên Sơn) cho biết, đến nay xã có 13 mô hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế. Từ các mô hình đã làm chuyển biến nhận thức thay đổi, tư duy và cách làm của người dân mang lại hiệu quả. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm đến nay còn 68 hộ, chiếm 7,8%.
Lựa chọn phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp sạch, từ năm 2018 đến nay gia đình ông Lê Xuân Chiều, thôn Tân Phương 6, xã Chiêu Yên đã mạnh dạn trồng gần 3 ha bưởi. Gia đình ông đã được cán bộ xã hướng dẫn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cụ thể, để đảm bảo chất lượng quả, gia đình ông hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là bọc túi ni lông cho quả, dùng các loại bẫy để diệt các loại côn trùng.
Ông Chiều chia sẻ: “Nhờ xã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vườn cây ăn quả của gia đình phát triển tốt. Vụ bưởi năm 2023 mang lại nguồn thu trên 200 triệu đồng”.
Bên cạnh hỗ trợ vận động kiến thức, khoa học kỹ thuật, chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ tạo điều kiện vay vốn, phát triển sản xuất. Đồng chí Trần Ngọc Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Đà Vị (Na Hang) cho biết, các đoàn thể, cán bộ xã, cán bộ thôn tích cực vào cuộc tư vấn, động viên, khơi dậy tinh thần lao động, sáng tạo của người dân. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân trong việc vay vốn sản xuất, kinh doanh.
Nhiều năm bôn ba, ngược xuôi làm công nhân, anh Giàng A Tọa, thôn Nà Pin, xã Đà Vị (Na Hang) trở về quê hương làm kinh tế. Được sự định hướng của cán bộ xã, anh Tọa đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng tre Bát độ lấy lá. Anh vay 160 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang để làm vốn đầu tư.
Anh chia sẻ, thời điểm đầu anh liên tiếp gặp khó khăn về vốn, nguyên liệu, thị trường, kinh nghiệm...Được sự hỗ trợ cán bộ hội nông dân trong việc định hướng, xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh; thành lập Hợp tác xã Toàn Tuyến để thu mua, xuất khẩu lá tre. Hiện tại bình quân mỗi ngày hợp tác xã của anh nhận thu mua cho bà con trên địa bàn trên 3 tấn lá tre và đang liên kết nhận bao tiêu sản phẩm cho 108 hộ dân ở 2 tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn.
Khi được hợp tác xã liên kết bao tiêu thu mua lá tre, anh Thào A Vừ, người dân ở Nà Pin không giấu được niềm vui. Anh chia sẻ, trước đây gia đình anh là hộ nghèo, sau khi được anh Tọa vận động, anh chuyển đổi cây trồng và hiện đã có nguồn thu ổn định giúp gia đình thoát nghèo. Đến nay, cũng như anh Vừ, nhiều gia đình ở Nà Pin đã từng bước thay đổi suy nghĩ trong làm giàu, phát triển kinh tế tại địa phương, không còn ý nghĩ rời quê hương để đi làm thuê nơi xứ người.
Việc chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” về phát triển kinh tế trong thời gian qua đã góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.