Xây dựng các mô hình tự quản tại khu dân cư ở Bạch Thông

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp huyện Bạch Thông luôn chú trọng xây dựng, nhân rộng, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình tự quản ở khu dân cư. Qua đó, không chỉ thực hiện tốt Cuộc vận động 'Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh', mà còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.

Thực hiện Kế hoạch số 129/KH-MTTQ-BTT ngày 21/6/2017 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn về việc phối hợp thống nhất thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã ban hành kế hoạch, xác định đối tượng, tiêu chí chung cho các mô hình để Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Để triển khai đạt kết quả, Ủy ban MTTQ huyện thường xuyên phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản ở khu dân cư, góp phần nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

 Mô hình "Tiếng mõ an ninh" ở xã Vi Hương (Bạch Thông) được duy trì, nhân rộng.

Mô hình "Tiếng mõ an ninh" ở xã Vi Hương (Bạch Thông) được duy trì, nhân rộng.

Trong quá trình thực hiện, Ủy ban MTTQ huyện hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn phối hợp các tổ chức thành viên đăng ký các nội dung, xây dựng các mô hình cho phù hợp, gắn với việc nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp; thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hóa... Do vậy, hoạt động của các mô hình tự quản của cộng đồng dân cư trên địa bàn đã phát huy hiệu quả tích cực, được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Xác định bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng và kết quả chỉ đạt được nếu có sự tham gia, chung tay của cả cộng đồng. Vì thế, ngay từ khi mới bắt đầu triển khai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện chọn thôn Nà Phải (xã Phương Linh, từ năm 2020 sáp nhập vào thị trấn Phủ Thông) và phố Chính (thị trấn Phủ Thông) làm điểm cấp huyện để tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Từ kinh nghiệm của 02 mô hình điểm, đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 192 mô hình tự quản do Ủy ban MTTQ xây dựng và phối hợp xây dựng; tích cực tuyên truyền, phối hợp tham gia thực hiện các mô hình tự quản khác. Các mô hình như: “Khu dân cư bảo vệ môi trường sáng - xanh - sạch đẹp”; “Đoạn đường tự quản”, “Khu phố văn minh”, “Hộ an toàn, thôn bản bình yên”, “Khu dân cư đảm bảo an toàn giao thông”, “Tiếng mõ an ninh”, “Khu dân cư bảo đảm về an ninh trật tự và không có tệ nạn xã hội”... ngày càng phát huy hiệu quả tích cực.

Thực tế cho thấy, hoạt động các mô hình tự quản đã phát huy tính chủ động, sáng tạo của Nhân dân, đóng góp tích cực vào thực hiện xây dựng nông thôn mới nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Từ việc thực hiện mô hình tự quản toàn diện, Nhân dân đã tham gia các hoạt động ở tổ dân phố, thôn tích cực trách nhiệm hơn, tự giác hơn. Tinh thần đoàn kết, tương trợ được phát huy, hạn chế những mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Điều này có ý nghĩa thiết thực trong thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo sự đoàn kết, gắn bó, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, việc duy trì, nhân rộng mô hình còn có những hạn chế nhất định. Điều này xuất phát từ nhận thức về vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với hệ thống MTTQ trong xây dựng mô hình chưa được đồng đều. Công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên, liên tục. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình tự quản được nhiều ngành, nhiều cấp triển khai nên còn thiếu tính đồng bộ, chồng chéo về nội dung. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế...

Để duy trì hiệu quả, nhân rộng các mô hình tự quản ở khu dân cư trong thời gian tới, từ thực tế triển khai trong thời gian qua cho thấy cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư. MTTQ phải chủ trì rà soát, đánh giá để thống nhất với các đoàn thể tránh chồng chéo trong xây dựng mô hình; thống nhất quản lý và hoạt động của các tổ tự quản. Ban công tác Mặt trận các địa phương cần thường xuyên vận động Nhân dân duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình tự quản lồng ghép trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia, phát huy hiệu quả của mô hình tự quản.../.

Hoàng Vũ

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202108/xay-dung-cac-mo-hinh-tu-quan-tai-khu-dan-cu-o-bach-thong-0b100ef/