Xây dựng cầu giao thông nông thôn: Hàng loạt công trình chậm tiến độ
Trong năm 2024 và 2025, mỗi năm, các huyện được UBND tỉnh giao thực hiện xây dựng 10 công trình cầu giao thông nông thôn theo đề án của tỉnh, nhưng đến hết tháng 3/2025, tiến độ thực hiện các công trình năm 2024 rất chậm so với mục tiêu đề ra.

Thi công công trình cầu Cốc Phường, xã Thiện Long, huyện Bình Gia
Cụ thể, tính đến hết tháng 3/2025 chỉ có 2 cầu đáp ứng được yêu cầu tiến độ gồm: cầu Cốc Phường, xã Thiện Long, huyện Bình Gia và cầu Tà Phảng, xã Thành Hòa, huyện Văn Lãng.
Các cầu còn lại gồm: cầu Nà Luông, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn; cầu Nà Soong, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc; cầu Pác Đuốc, xã Tri Lễ, huyện Văn Quan; cầu Lân, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng; cầu Làng Ngũa, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng; cầu suối Pàn Cọn, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định; cầu Đoàn Kết, thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập; cầu Suối Vằm, xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình tiến độ đều rất chậm, giá trị khối lượng thực hiện đạt thấp.
Phóng viên Báo và Đài phát thanh Truyền hình Lạng Sơn đã khảo sát thực tế tại cầu Nà Soong, xã Yên Trạch một ngày đầu tháng 4/2025. Công trình có quy mô gồm: xây mới 2 mố, thân cầu dài 9 m, mặt cầu rộng 5 m kết cấu bê tông xi măng cốt thép và hai đường dẫn mỗi bên 10 m. Tổng giá trị hợp đồng xây lắp là hơn 900 triệu đồng, công trình được khởi công ngày 18/12/2024 và dự kiến hoàn thành xây lắp ngày 16/6/2025, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cao Lộc. Tuy nhiên, hiện nhà thầu mới đang triển khai hạng mục đào mố móng cầu, giá trị xây lắp không đáng kể.
Ông Lành Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Hoàng Phú, thành phố Lạng Sơn - đơn vị đảm nhiệm thi công cho biết: Công trình được khởi công từ giữa tháng 12/2024, do thời điểm gần với Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, việc triển khai thi công sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con. Vì vậy, sau tết nhà thầu mới huy động máy móc thiết bị thi công tại hiện trường.
Theo tìm hiểu từ người dân thôn Nà Soong, công trình cầu Nà Soong được triển khai xây dựng giúp cho việc đi lại của người dân ở 3 thôn lân cận được thuận lợi, trong đó có 120 hộ dân trực tiếp được hưởng lợi. Tuy nhiên, việc triển khai xây lắp của nhà thầu tại hiện trường rất cầm chừng.
Tương tự, công trình cầu Lân, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng có tổng mức đầu tư 4 tỷ đồng được khởi công cuối tháng 12/2024, nhưng đến hết tháng 4/2025, đơn vị thi công mới thực hiện bước dọn dẹp mặt bằng và tập kết máy móc tại hiện trường.
Ông Trần Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng cho biết: Đầu tháng 3/2025, đơn vị thi công vào vị trí thi công dọn dẹp hiện trường, song không rõ vì lí do gì mà việc thi công liên tục bị ngắt quãng; về mặt bằng để thi công, bà con đã hiến đất để xây dựng đường dẫn vào cầu.
Qua nắm bắt, trong 8 cầu chậm tiến độ, cầu Lân, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng và cầu suối Pàn Cọn, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định; cầu Suối Vằm, xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình mới đang thực hiện ở mức dọn dẹp hiện trường, tập kết máy móc thiết bị; 5 cầu còn lại đang thi công hạng mục móng cầu, giá trị khối lượng ước đạt khoảng 35% khối lượng theo hợp đồng.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân chậm tiến độ là do UBND các huyện chậm triển khai công tác hoàn thiện hồ sơ công trình; chậm bố trí vốn đối ứng từ ngân sách huyện và xã hội hóa. Một số công trình đã được ghi vốn theo kế hoạch nhưng nhà thầu chưa tập trung để triển khai thi công tại hiện trường.
Cụ thể theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong số 10 công trình cầu thực hiện năm 2024 với tổng mức đầu tư hơn 20,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đảm nhiệm 30%, ngân sách huyện đảm nhiệm 30%, 40% còn lại do các huyện và xã thực hiện xã hội hóa. Từ tháng 8/2024, ngân sách tỉnh đã phân bổ 6,02 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024, tương đương 30% cho các huyện, nhưng đến hết ngày 23/3/2025, mới có 7/10 đơn vị cấp huyện bố trí vốn đối ứng từ ngân sách huyện được hơn 3,3 tỷ đồng; 5/10 đơn vị cấp huyện thực hiện huy động xã hội hóa được 1,048 tỷ đồng. Như vậy, còn nhiều đơn vị cấp huyện chậm bố trí vốn đối ứng cũng như thực hiện huy động xã hội hóa để thực hiện công trình.
Không những vậy, một số công trình đã được bố trí vốn đạt khá nhưng việc triển khai thi công lại rất cầm chừng. Cụ thể như: cầu Pàn Cọn, xã Kim Đồng, UBND huyện Tràng Định đã bố trí được 1,49/2,16 tỷ đồng tổng mức đầu tư công trình, tương đương 68,9% nhu cầu vốn; cầu Nà Soong, xã Yên Trạch, UBND huyện Cao Lộc đã bố trí được 710 triệu đồng/1,15 tỷ đồng, tương đương 61,7% nhu cầu vốn; cầu Suối Vằm, xã Hữu Lân, UBND huyện Lộc Bình đã bố trí được 991 triệu đồng/1,36 tỷ đồng, tương đương 72,4% nhu cầu vốn cho công trình.
Không chỉ các công trình cầu cần hoàn thành năm 2024, việc xác định danh mục và công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện các công trình cầu năm 2025 cũng rất chậm. Theo thông tin từ Sở Xây dựng, hiện các huyện mới gửi danh mục công trình về sở để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét ghi vốn để triển khai.
Các công trình cầu giao thông nông thôn theo đề án xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2024 – 2030 của UBND tỉnh có ý nghĩa xã hội rất lớn, góp phần thúc đẩy giao thương, nâng cao năng lực sản xuất và đời sống cho bà con khu vực vùng sâu khó khăn. Do đó, việc UBND các huyện sớm rà soát tình hình triển khai, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các công trình cầu đề án năm 2024 và chủ động hơn trong thực hiện các danh mục cầu năm 2025 là rất quan trọng để đề án này thực sự phát huy hiệu quả.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xay-dung-cau-giao-thong-nong-thon-tien-do-i-ach-5041373.html