Xây dựng chế định luật sư công: Cần thiết để đi 'đường dài' trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Những rủi ro, tranh chấp quốc tế ngày càng nhiều khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu và đã có một số nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ, cơ quan nhà nước Việt Nam. Việc Bộ Tư pháp được giao thực hiện nhiệm vụ 'đại diện pháp lý' cho Chính phủ trong các vụ kiện này là kịp thời nhưng để đi được đường dài, chúng ta cần tính đến việc xây dựng và hoàn thiện thiết chế luật sư công, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại quốc tế.

Một góc dự án South Fork. (Ảnh: LP)

Một góc dự án South Fork. (Ảnh: LP)

Những thắng lợi quan trọng đầu tiên

Trong thời gian qua, số lượng các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế, trong đó nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ, cơ quan nhà nước Việt Nam có xu hướng gia tăng về số lượng và phức tạp về nội dung. Trước thực trạng trên, từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 680/QĐ-TTg và đến năm 2014 tiếp tục ban hành Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg liên quan đến giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài, trong đó giao Bộ Tư pháp đại diện và chủ trì giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế.

Nhờ những chỉ đạo kịp thời này mà ngay trong tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014, Việt Nam đã giành thắng lợi quan trọng trong 2 vụ kiện. Đầu tiên là vụ ông Michael McKenzie, công dân Hoa Kỳ, khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Trọng tài quốc tế về dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại tỉnh Bình Thuận từ hồi năm 2010. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan và Công ty Luật quốc tế Hogal Lovells chủ động, tích cực nghiên cứu, thu thập chứng cứ, xây dựng phương án tranh tụng để phản bác lại các cáo buộc không có cơ sở của ông McKenzie, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.

Tháng 12/2013, Hội đồng Trọng tài đã ra phán quyết chấp nhận các lập luận của Việt Nam, khẳng định Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này; bác bỏ tất cả các yêu cầu khởi kiện của ông McKenzie; buộc ông McKenzie phải thanh toán toàn bộ các chi phí mà Việt Nam phải chịu khi tham gia vụ kiện.

Tiếp nữa là vụ nhà đầu tư Pháp (DialAsie) kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TP HCM. Cuối năm 2014, Hội đồng Trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) đã ban hành phán quyết vụ kiện này. Theo đó, tất cả các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie đối với Chính phủ Việt Nam hoàn toàn bị bác bỏ. Chính phủ Việt Nam không phải bồi thường cho nguyên đơn DialAsie bất kỳ một khoản chi phí nào theo yêu cầu đòi bồi thường mà nguyên đơn đã nêu trong đơn khởi kiện.

Sau đó, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các địa phương liên quan tiếp tục giải quyết thắng lợi 2 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam và được Hội đồng trọng tài tuyên bố chấm dứt vụ kiện. Đó là vụ kiện của Saigon Metropolitan và Recofi.

Những thắng lợi trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Bộ Tư pháp được giao thực hiện nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các vụ kiện này.

Luật sư công - cơ chế phòng ngừa hiệu quả

Trên thực tế, tranh chấp đầu tư quốc tế thường là giải pháp cuối cùng của nhà đầu tư sau khi những vướng mắc không được giải quyết thỏa đáng, phù hợp với quy định của pháp luật. Việc giải quyết tranh chấp có thể kéo dài nhiều năm, tốn kém tiền của và công sức. Điều này cho thấy cần đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tranh chấp, giải quyết tốt các vấn đề pháp lý trong hoạt động đầu tư nước ngoài ngay từ trong quá trình đăng ký đầu tư, thực hiện dự án cho đến giai đoạn giải quyết khiếu nại.

Để công tác phòng ngừa tranh chấp đầu tư có hiệu quả, theo các chuyên gia, cần có một cơ chế phòng ngừa thống nhất, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, là cơ quan chủ trì thực hiện; đồng thời, phát huy vai trò tham gia của các UBND các tỉnh là cơ quan thực hiện chủ yếu hoạt động cấp phép/đăng ký đầu tư.

Từ quá trình tham gia các vụ tranh chấp đầu tư nước ngoài, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc nâng cao năng lực cho các cán bộ chuyên trách về giải quyết tranh chấp cần được tiến hành thường xuyên ở cả cấp Trung ương và địa phương và từng bước vươn tới xứng tầm quốc tế. Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần chú trọng đầu tư bồi dưỡng cho các cán bộ tham gia các khóa học quốc tế và trong nước về giải quyết tranh chấp đầu tư nhà nước, tham gia các khóa đào tạo kỹ năng tại các công ty luật trong và ngoài nước (các kỹ năng quản lý vụ kiện, giải quyết các tình huống pháp lý, sắp xếp tài liệu...).

Đặc biệt, để đi được “đường dài” trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và phòng ngừa hiệu quả các tranh chấp phát sinh, nhiều ý kiến đồng tình với việc nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện thiết chế luật sư công, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư quốc tế. Đội ngũ luật sư công sẽ được bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức pháp luật đầu tư quốc tế, kỹ năng xử lý các vấn đề pháp lý trong đầu tư nước ngoài và tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

An Khê

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xay-dung-che-dinh-luat-su-cong-can-thiet-de-di-duong-dai-trong-qua-trinh-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-post534810.html