Xây dựng chế độ ăn lành mạnh cho gia đình
Viện Dinh dưỡng cho biết, bữa ăn của người Việt Nam đang có nhiều thay đổi, đặc biệt là trong những năm gần đây.
Năng lượng trung bình trong khẩu phần đạt 2.023kcal/ngày, tăng nhẹ so với cách đây 10 năm. Tỷ lệ người trưởng thành tiêu thụ đủ rau quả theo khuyến nghị của tháp dinh dưỡng là 22%. Như vậy, mặc dù tiêu thụ rau có tăng lên nhưng không đáng kể và vẫn chưa đạt so với mức khuyến nghị. Trong khi đó, mức tiêu thụ thịt tăng nhanh; nếu như cách đây 10 năm, mức tiêu thụ thịt bình quân trên toàn quốc 84gr/người/ngày, đến năm 2023 con số này tăng lên mức 136,4gr/người/ngày; khu vực thành phố còn tăng cao hơn, ở mức 155,3gr/người/ngày.
Kết quả trên phần nào nói lên thói quen ăn uống của người dân vẫn còn những điều bất cập, chúng ta tiêu thụ thịt nhiều hơn, ăn rau chưa đủ, thói quen ăn mặn, ăn các thức ăn chiên rán hoặc các loại đồ ngọt vẫn còn tồn tại, thậm chí khá phổ biến.
Bữa ăn gia đình rất quan trọng, không chỉ về mặt dinh dưỡng, đây còn là nơi kết nối yêu thương, nơi các thành viên gia đình cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc quây quần đầm ấm, vì thế mọi thành viên trong nhà hãy chung tay chăm lo bữa ăn gia đình. Để có bữa ăn gia đình lành mạnh, bảo đảm hợp lý về dinh dưỡng, chúng ta nên lên thực đơn cho cả tuần, việc lên thực đơn này vừa giúp chúng ta kiểm soát được tính cân đối của dinh dưỡng, tính đa dạng của thực phẩm tiêu thụ, hợp khẩu vị với các thành viên trong gia đình.
Việc mọi người trong gia đình cùng tham gia chuẩn bị bữa ăn cũng là cách giáo dục con cái rất tốt, có ý nghĩa về vai trò, trách nhiệm chia sẻ công việc. Đây còn là dịp tốt để các bậc phụ huynh truyền dạy cho con những kiến thức, thực hành về dinh dưỡng, rèn luyện kỹ năng tổ chức cuộc sống, nội trợ... rất có ích cho các con khi bước vào cuộc sống tự lập sau này.
Hãy sử dụng đa dạng thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, hạn chế các đồ ăn nhanh, món ăn chiên, rán, nướng và các món ăn có nhiều đường ngọt, mặn. Các món ăn kết hợp nhiều loại thực phẩm với nhau vốn là cách ăn truyền thống của người Việt Nam, chúng ta nên gìn giữ và phát huy. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho rằng, mỗi bữa ăn nên sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau để bảo đảm cơ thể không bị thiếu chất, nhất là các vitamin và khoáng chất quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính đề kháng của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh, như: Vitamin A, vitamin C, sắt, kẽm, i-ốt...
Chúng ta không nên sử dụng quá nhiều một loại thịt trong thực đơn hàng tuần, phải thay đổi nhiều loại với nguồn gốc khác nhau, nên phối hợp giữa đạm động vật và đạm thực vật, thay đổi sử dụng các loại thịt, cá/thủy/hải sản, trứng... để làm phong phú thực đơn của gia đình. Không có một loại thực phẩm nào là có đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để đáp ứng nhu cầu cơ thể. Do đó, ăn đa dạng thực phẩm là nguyên tắc để bảo đảm bữa ăn cân đối và đầy đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể.
Nhiều gia đình nghĩ rằng, bữa sáng và bữa trưa không quan trọng; cũng vì bận rộn với công việc nên bữa sáng và bữa trưa cũng ăn qua loa, còn lại tập trung cho bữa tối. Đây là một thói quen không tốt cho sức khỏe, khi năng lượng ăn vào nhiều hơn mức tiêu hao thì cơ thể sẽ tích lũy lại thành các mô mỡ, các tế bào mỡ này có thể tập trung ở ngoại vi (mông, đùi...) hoặc ở trung tâm (bụng, nội tạng), dẫn đến các rối loạn về chuyển hóa. Vì thế, nếu chúng ta chỉ tập trung ăn nhiều, ăn no vào bữa tối sẽ dễ bị thừa cân béo phì, do cơ thể ban đêm nghỉ ngơi không hoạt động nặng, không tiêu hao nhiều năng lượng nên năng lượng được giải phóng ra trong quá trình hấp thu thức ăn sẽ được tích lũy thành các tế bào mỡ.
Việc phân chia năng lượng cho các bữa ăn trong ngày tùy thuộc vào lứa tuổi, tính chất công việc, người ta có thể ăn 3 bữa hoặc nhiều hơn, trong đó có các bữa chính và bữa phụ nhưng phải cân đối, hài hòa.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xay-dung-che-do-an-lanh-manh-cho-gia-dinh-a377608.html