Xây dựng chỉ dẫn địa lý là việc cấp thiết

Nhiều địa phương vẫn còn loay hoay với việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm

Từ câu chuyện nước mắm Nam Ô

Chỉ dẫn địa lý là những thông tin về nguồn gốc của hàng hóa từ một quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc một địa phương cụ thể nào đó mà hàng hóa được sản xuất ra từ đó. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, sản phẩm truyền thống thì việc có chỉ dẫn địa lý là một yêu cầu cấp thiết. Bởi, đây chính là công cụ để bảo hộ các sản phẩm, đồng thời góp phần quảng bá thương hiệu cũng như mở rộng thị trường. Thông qua các chỉ dẫn địa lý, tâm lý của các “thượng đế” cũng yên tâm hơn, khi biết rõ xuất xứ, chất lượng của từng sản phẩm…

Tuy có nhiều vai trò như vậy, nhưng trong thực tế không ít mặt hàng nông sản truyền thống ở trong nước, vì nhiều lý do khác nhau mà việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm còn bỏ ngỏ. Câu chuyện của làng nước mắm Nam Ô ở Đà Nẵng là một điển hình. Theo đó, làng nghề nước mắm Nam Ô ra đời cách đây hàng trăm năm ở ngay dưới chân đèo Hải Vân, thuộc địa bàn quận Liên Chiểu. Nước mắm Nam Ô vang danh gần xa bởi vị mặn mòi của vùng biển miền Trung với bí quyết làm nước mắm “3 cá 1 muối” riêng biệt.

Nước mắm Nam Ô gặp khó do chưa xây dựng được chỉ dẫn địa lý

Nước mắm Nam Ô gặp khó do chưa xây dựng được chỉ dẫn địa lý

Theo các hộ làm nước mắm nơi đây, thứ quý giá nhất tạo nên thương hiệu nổi tiếng cho nước mắm Nam Ô chính là việc sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, không hề sử dụng hóa chất độc hại. Nguyên liệu chính để chế biến nước mắm Nam Ô là từ những con cá cơm, được ngư dân đánh bắt vào đầu tháng ba âm lịch hàng năm. Các chum muối cá thường được làm bằng gỗ mít, dưới đáy chum phải chèn sạn, chổi đót...

Đặc biệt, muối dùng để làm mắm Nam Ô, bà con địa phương thường dùng loại muối hạt to ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Nghề làm nước mắm ở địa phương đã được truyền từ đời này sang đời khác. Có những thời điểm nước mắm Nam Ô đã được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Nhiều gia đình ở địa phương đã làm giàu được với nghề truyền thống này.

Tuy nhiên, sau một thời gian ăn nên làm ra những năm gần đây với nhiều nguyên nhân đã khiến cho làng nghề làm nước mắm nổi tiếng ở miền Trung ngày càng mai một. Bất chấp, việc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định đưa nghề làm nước mắm Nam Ô, vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong các nguyên nhân khiến sản phẩm nước mắm Nam Ô không xây dựng được chỗ đứng trên thị trường, theo nhiều người là do chưa có chỉ đẫn dịa lý cho sản phẩm. Thực tế, sau một thời gian hoàng kim, những năm gần đây làng nghề nước mắm Nam Ô đang gặp nhiều khó khăn, sản xuất cầm chừng. Nhiều gia đình bỏ nghề truyền thống, chuyển sang làm nghề khác. Quy mô làng nghề mỗi năm chỉ sản xuất được khoảng 100 nghìn lít nước mắm…

Ông Bùi Thanh Phú, chủ một cơ sở sản xuất nước mắm ở Nam Ô chia sẻ, đối với các sản phẩm truyền thống, mang tính tập thể và đậm nét đặc trưng địa phương như nước mắm Nam Ô, thì việc xây dựng chỉ dẫn địa lý sẽ góp phần quan trọng quảng bá sâu rộng sản phẩm ra thị trường. Nếu không làm được điều này, dù được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, song các sản phẩm vẫn còn gặp khó trên thị trường. Bên cạnh việc xây dựng được chỉ dẫn địa lý, cũng cần phải tiến hành những công việc khác như, xây dựng web làng nghề, truy quét mã vạch sản phẩm, không gian trưng bày sản phẩm… Có vậy, mới mong thương hiệu nước mắm Nam Ô khởi sắc, ngày càng phát triển trên thị trường.

Cần có sự hỗ trợ

Có thể khẳng định, việc xây dựng được chỉ dẫn địa lý, đặc biệt cho các sản phẩm nông sản sẽ tạo ra những tác động tích cực và rõ ràng đến nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của các địa phương cũng như nhận thức của doanh nghiệp, người dân, đến danh tiếng, giá trị của các sản phẩm được bảo hộ. Thực tế, hiện nay nhiều địa phương, làng nghề cũng đã rất quan tâm đến việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, và sự thành công cũng đã đến với không ít sản phẩm.

Cũng là nghề làm nước mắm truyền thống như ở Nam Ô, Đà Nẵng song câu chuyện của nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) lại hoàn toàn khác. Đến nay, những người làm mắm Phú Quốc lại đang sống khỏe bởi các sản phẩm của họ có chỉ dẫn địa lý. Theo đó, từ năm 2011, nước mắm Phú Quốc đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng quốc gia bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Và tính từ thời điểm này, các sản phẩm nước mắm Phú Quốc đã nhanh chóng vươn ra các thị trường cả trong lẫn ngoài nước. Không chỉ thị trường trong nước, hiện nước mắm Phú Quốc còn chinh phục được cả những thị trường khó tính, với những đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm như EU. Khi sản phẩm nước mắm Phú Quốc được Liên minh châu Âu cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây cũng là một trong những sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tại thị trường này.

Thực tế, câu chuyện thành công từ việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm như nước mắm Phú Quốc vẫn còn rất ít. Đến nay, nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn loay hoay với việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của mình. Nguyên nhân chính dù các văn bản pháp quy ở Việt Nam đã quy định khá đầy đủ, nhưng để xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm vẫn rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Cần một quá trình lâu dài nghiên cứu, xây dựng với sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng.

Đại diện Sở Công thương TP. Đà Nẵng từng chia sẻ, quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý khá phức tạp. Trong đó sản phẩm mang tính đại diện đặc trưng, đặc sắc cho địa phương. Đặc biệt là bảo đảm quy mô và khả năng cung ứng ổn định, lâu dài cho thị trường. Trong khi đó, khó khăn chung của các cơ sở sản xuất, làng nghề là vấn đề kinh phí. Ngoài ra, còn những hạn chế khác như năng lực sản xuất, quy trình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún… chưa tự tin khi gia nhập thị trường với số lượng lớn.

Dù vẫn biết được tầm quan trọng của chỉ dẫn địa lý, song ở nhiều nơi vẫn lực bất tòng tâm. Bởi vậy, để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm và phát huy được hiệu quả, cần có sự tham gia chủ động của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, và quan trọng là người dân trong chính các làng nghề. Đặc biệt, các bộ liên quan cần tăng cường sự hỗ trợ cho các địa phương, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ việc xây dựng các chỉ dẫn địa lý. Từ đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/xay-dung-chi-dan-dia-ly-la-viec-cap-thiet-94518.html